Yên Bái: Lũ đi qua, khó khăn ở lại
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 09:18, 25/09/2018
Mưa lũ san phẳng nhiều thôn bản
Mưa lũ đã khiến Yên Bái thiệt hại nặng nề, trong đó có ngành nông nghiệp nhiều diện tích bị ngập, bị ảnh hưởng và rất nhiều diện tích không thể khắc phục được. Theo thống kê sơ bộ có trên 256ha lúa bị vùi lấp không thể khắc phục được, trên 1200 ha lúa bị ngập và bị ảnh hưởng. Cùng với đó gần 770 ha ngô, rau mầu, gần 90 ha cây công nghiệp, lâm nghiệp và cây ăn quả bị thiệt hại; gần 17.000 con gia súc, gia cầm bị chết; trên 550 ha diện tích nuôi trồng thủy sản; gần 450 công trình thủy lợi bị vùi lấp, hư hỏng...
Ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 không chỉ gây hậu quả nặng nề về người và tài sản mà còn ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp của huyện Mù Cang Chải với hơn 60 ha lúa, hoa màu bị mất trắng. Cuộc sống của người dân càng trở nên khó khăn, nguy cơ thiếu đói là rất cao.
Trận mưa lũ vừa qua đã cuốn trôi trên 1 ha ruộng của gia đình bà Cứ Thị Bla ở bản Tà Chí Cao xã Nậm Có. Những tràn ruộng giờ chỉ còn trơ lại sỏi đá. Toàn bộ ruộng nương đã bị mất trắng, 7 nhân khẩu trong gia đình chưa biết sẽ sinh sống như thế nào trong thời gian tới.
Bà Cứ Thị Bla - Bản Tà Chí Cao, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải chia sẻ: Lũ đã cuốn trôi toàn bộ diện tích ruộng của gia đình tôi, mặc dù trước mắt, gia đình đã được huyện hỗ trợ gạo, nhưng vào vụ giáp hạt thì gia đình vẫn chưa biết trông vào đâu để lấy cái ăn.
Mặc dù không bị ảnh hưởng về nhà cửa, nhưng toàn bộ diện tích ruộng của gia đình ông Giàng A Khày ở bản Tà Chí Cao xã Nậm Có đã bị lũ cuốn mất trắng 100%, gia đình lại là hộ nghèo hiện chỉ còn vài bao thóc cho 6 miệng ăn.
Ông Giàng A Khày - Bản Tà Chí Cao, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải cho biết: Lũ đã cuốn mất toàn bộ ruộng của gia đình, chỉ mong thời gian tới thời tiết thuận lợi hơn để gia đình khắc phục diện tích bị thiệt hại, tiếp tục sản xuất các vụ sau thì mới có thể đảm bảo cuộc sống.
Nậm Có là xã chịu thiệt hại nặng nề nhất của huyện Mù Cang Chải với 5 người chết và nhiều nhà cửa bị sập trôi. Toàn xã có 53 ha ruộng bị ảnh hưởng, trong đó 9 ha không thể khôi phục, 39 ha chỉ có thể khôi phục vào vụ mùa năm sau, 5 ha thiệt hại khoảng 30%, 42 công trình kênh mương bị đất đá vùi lấp. Xã Nậm Có đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể tham gia giúp người dân khắc phục những diện tích ruộng bị ảnh hưởng, đồng thời đề xuất với cơ quan chuyên môn cung ứng một số giống cây trồng cho nhân dân trồng gối vụ.
Khó khăn chồng chất
Huyện Văn Chấn là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất về sản xuất nông nghiệp trong đợt mưa lũ vừa qua với trên 1 nghìn ha lúa, ngô, hoa màu bị ảnh hưởng, gần 200 ha lúa bị vùi lấp không thể khắc phục, 500 ha bị ngập úng mất trắng, ước tính thiệt hại của ngành nông lâm nghiệp huyện Văn Chấn trên 68 tỷ đồng.
Sau cơn bão số 3, những cánh đồng trước đây vốn là “bờ xôi ruộng mật” của người dân giờ chỉ còn trơ lại sỏi đá. Trong suốt những ngày qua, các ngành chức năng của huyện Văn Chấn cũng đang nỗ lực giúp người dân khôi phục lại sản xuất nhằm đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn, tuy nhiên công việc này hiện cũng gặp không ít khó khăn.
Cuộc sống của gia đình bà Hà Thị Ướt ở thôn Bản Hẻo, xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn vốn đã bấp bênh nay càng trở nên khó khăn khi toàn bộ diện tích lúa, hoa màu và ao cá đã bị đất, đá san phẳng sau trận lũ, giờ khó có thể phục hồi lại.
Sau lũ, hơn 2.000 m2 đất lúa của gia đình bà Lò Thị Chính cũng bị vùi sâu trong đất đá. Với hai lao động chính trong gia đình thì việc khôi phục, cải tạo toàn bộ diện tích này là điều gần như không thể.
“Gia đình tôi giờ cũng đang khắc phục lại để trồng cấy nhưng bị vùi sâu quá nên rất khó có thể khôi phục lại để trồng hoa màu”, bà Lò Thị Chính - Thôn Bản Hẻo, xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn nói
Cùng với thiệt hại về người và các công trình thuỷ lợi, giao thông, nước sinh hoạt... xã Sơn Lương còn phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề trong sản xuất nông nghiệp với gần 70 ha lúa và hoa mầu bị ảnh hưởng, trong đó có 7ha mất trắng không thể khắc phục.
Ngay sau lũ, huyện Văn Chấn đã thành lập 4 tổ chỉ đạo khôi phục sản xuất nông nghiệp tại các địa phương, hướng dẫn nhân dân cải tạo đồng ruộng để việc gieo trồng sớm ổn định trở lại. Trước mắt, đối với những diện tích bị vùi lấp sâu không thể khắc phục được huyện chỉ đạo chuyển sang trồng ngô và rau màu.
Với sự chỉ đạo quyết liệt, đến nay huyện Văn Chấn đã khôi phục được trên 314 ha lúa, đồng thời hỗ trợ 7 tấn ngô giống cho các xã và đã triển khai trồng được trên 50 ha ngô. Huyện đang tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn nhân dân tiếp tục gieo trồng để đảm bảo đúng khung lịch thời vụ.
Những thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh rất nặng nề nên công tác khắc phục cần rất nhiều nỗ lực và thời gian. Không chỉ ở các huyện, thị phía Tây mà ngay ở những địa phương vùng thấp của tỉnh như Văn Yên, Trấn Yên, thành phố Yên Bái cũng phải hứng chịu những thiệt hại nặng nề trong sản xuất nông nghiệp. Chắc chắn, người dân còn cần nhiều hơn sự hỗ trợ từ chính quyền các cấp, sự chung tay của các tổ chức, cá nhân để họ sớm có nơi trồng cấy, yên tâm vươn lên sau thiên tai.