Thừa Thiên Huế: Phòng chống thiên tai thông qua mạng xã hội

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 10:10, 17/09/2018

(TN&MT) - Mưa bão sắp đến gần, hiện tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang gấp rút xây dựng phương án và các nhiệm vụ trong công tác Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) năm 2018; trong đó có việc sử dụng mạng xã hội hứa hẹn sẽ tiện lợi và nhanh hơn...
Công tác PCTT&TKCN năm 2018 đang được tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai
Công tác PCTT&TKCN năm 2018 đang được tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai

Lên nhiều phương án ứng phó thiên tai

Thừa Thiên Huế được xem là một trong những địa phương của miền Trung và cả nước chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực của thiên tai mỗi năm.

Được biết, từ đầu năm 2018 đến nay, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, trên địa bàn tỉnh này chịu ảnh hưởng 6 đợt giông, lốc sét; 1 trận mưa đá, 1 trận động đất nhẹ, 12 đợt không khí lạnh tăng cường gây mưa lớn, gió mạnh trên biển, sóng lớn, thủy triều.

Điển hình là ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 2 (trong tháng 6) đã gây ngập úng hơn 2.300 ha lúa hè thu tại các huyện: Phong Điền, Phú Vang, Quảng Điền và thị xã Hương Trà với độ ngập sâu 15-20cm và ngập ứng cục bộ trên các tuyến đường của TP. Huế...

Hiện tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng phương án và các nhiệm vụ trong công tác PCTT&TKCN năm 2018; trong đó, chú trọng phát hiện, đối phó với các tình trạng khẩn cấp hồ, đập và vùng hạ du, ngăn ngừa hạn chế tối đa tác hại khi sự cố xảy ra.

Các chủ đập quản lý các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đã lập phương án vận hành, điều tiết nước hồ chứa và phương án PCTT trình cấp thẩm quyền phê duyệt; các ngành và địa phương cũng đã xây dựng phương án PCTT, chuẩn bị sẵn sàng về huy động lực lượng, phương tiện cơ sở vật chất và biện pháp tiến hành.

Thường xuyên thông tin báo bão, áp thấp nhiệt đới cho các chủ tàu thuyền và ngư dân
Thường xuyên thông tin báo bão, áp thấp nhiệt đới cho các chủ tàu thuyền và ngư dân

Tỉnh cũng đã dự trữ lương thực và thực phẩm thiết yếu theo phương châm 4 tại chỗ với 130 tấn mì ăn liền, 350 tấn gạo, 200 nghìn nước đóng chai, trên 7,6 triệu lít xăng dầu, 50 nghìn lít dầu hỏa; các huyện, thị xã, TP. Huế chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm đảm bảo 7 ngày khi có thiên tai xảy ra.  

Toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 716 phương tiện tàu thuyền khai thác trên biển và hơn 1.200 thuyền trên khai thác trên vùng bãi ngang ven biển và đầm phá. Tỉnh thường xuyên chỉ đạo ngành NN&PTNT phối hợp chặt chẽ với lực lượng Bộ đội Biên phòng trong công tác thông tin báo bão, áp thấp nhiệt đới cho các chủ tàu thuyền và ngư dân nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho ngư dân trên biển.

Các Cảng cá Thuận An, Tư Hiền và các khu neo đậu ở Phú Thuận, Phú Hải, Vinh Hiền, Hải Dương, Lộc Trì, 55 âu thuyền nhỏ và vùng neo đậu tự nhiên tại vùng ven biển đã được thường xuyên kiểm tra các điều kiện đảm bảo an toàn cho tàu thuyền neo đậu tránh trú bão. Công tác hợp tác quốc tế về phòng chống thiên tai đã thực hiện nghiêm túc theo Hiệp định và Biên bản ghi nhớ giữa các Quốc gia, tổ chức quốc tế, nhất là với các địa phương nước bạn Lào có chung đường biên giới...

Cảnh báo thiên tai bằng mạng xã hội

Các chuyên gia quốc tế khẳng định mạng xã hội ngày càng phát huy hiệu quả trong quá trình truyền thông tin dự báo thiên tai tới người dân. Đây được xem là kênh truyền thông hiệu quả, khi người dân có thể không ở nhà, không xem tivi nhưng truy cập qua mạng Internet.

Các thông tin dự báo thiên tai sẽ tới với người dân một cách nhanh nhất khi sử dụng mạng xã hội...
Các thông tin dự báo thiên tai sẽ tới với người dân một cách nhanh nhất khi sử dụng mạng xã hội...

Để phục vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, vừa qua UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có chủ trương cho phép Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh được sử dụng các công cụ nhắn tin qua các mạng xã hội Facebook, Zalo, Viber để chia sẻ thông tin cho các cơ quan, đơn vị, địa phương và cá nhân có liên quan để phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đảm bảo theo đúng các quy định hiện hành.

Ông Phan Ngọc Thọ -  Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu UBND các huyện, thị xã, TP. Huế và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh chủ động triển khai sử dụng dịch vụ tin nhắn thương hiệu (brandname) của các nhà mạng (VNPT, Viettel, Mobifone...) để chủ động nhắn tin SMS phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Nguồn kinh phí cân đối từ nguồn ngân sách hoạt động hàng năm của cơ quan, đơn vị, địa phương đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

Ngoài ra, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng giao Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở TT&TT hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện, báo cáo kết quả cho UBND tỉnh...

“Tỉnh đang hướng đến xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo mưa bão từ tỉnh đến cán bộ cấp thôn, bản nhằm thông tin kịp thời các diễn biến bất thường của thời tiết. Sắp tới, tỉnh sẽ cân đối ngân sách, yêu cầu các chủ đập tiến hành kiểm định chất lượng các công trình hồ đập, lên kế hoạch kiểm tra, trang bị thêm các thiết bị dự phòng cho các hồ thủy lợi...”- ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay.