Mường La - Sơn La: Mưa lớn kéo dài gây nhiều thiệt hại
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 10:55, 29/08/2018
Đặc biệt, vào khoảng 6h20 phút sáng 29/8, tại km88+600/QL 279D, thuộc địa phận xã Mường Bú, huyện Mường La bị sụt ta luy dương, hàng trăm m3 đất đá đổ xuống lòng đường Quốc lộ 279 gây ách tắc giao thông nghiêm trọng.
Anh Cà Văn Bằng, người tham gia giao thông cho biết: Tôi đang đi trên đường từ xã Mường Bú ra thành phố Sơn La, đột nhiên có đất, đá đổ từ trên đồi đổ xuống lòng đường, khiến xe khách và nhiều phương tiện xe máy khác phải dừng chân trên vỉa hè, chờ lực lượng chức năng đến khai thông đường.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Sở Giao thông vận tải Sơn La đã huy động lực lượng cứu hộ xuống hiện trường dọn dẹp đất đá và phân luồng, hướng dẫn các phương tiện lưu thông trên đường an toàn.
Ông Trần Công Thìn, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng giao thông 1 tỉnh Sơn La cho biết: Đơn vị đã huy động nhân lực và máy móc đến hiện trường khắc phục hậu quả thiên tai. Dự kiến, trong ngày 29/8, công tác khắc phục sẽ hoàn tất.
Hiện từ Mường La đi thành phố Sơn la và ngược lại sẽ di chuyển theo hướng Km82+580 (Mường Bú) rẽ trái đi tỉnh lộ 110 - thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn - thành phố Sơn La. Từ Mường La đi Quỳnh Nhai và ngược lại di chuyển theo hướng Km84+880 (Mường Bú) rẽ phải đi tỉnh lộ 116 (Mường Bú - Mường Khiêng - Bó Mười, huyện Thuận Châu) - Km1+100/QL 6B - Thị trấn Quỳnh Nhai.
Tại xã Nặm Păm, địa phương bị thiệt hại nặng nề do trận lũ quét lịch sử tháng 8/2017, người dân cũng rất lo lắng khi mưa lớn kéo dài. Ông Tòng Văn Pùa, Chủ tịch UBND xã Nặm Păm cho biết: Mưa lớn từ đêm 27/8 đã gây ra lũ quét trên suối Nặm Păm, làm ảnh hưởng đến quá trình thi công các công trình xây dựng cơ sở vật chất cho bà con sau trận lũ lịch sử 2017, rất may là chưa có thiệt hại nặng về tài sản của người dân. Hiện nhiều hộ gia đình có nhà ở gần suối đã di chuyển lên địa điểm an toàn.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mường La thông tin: Từ đêm ngày 27 đến buổi chiều ngày 28/8, trên địa bàn huyện Mường La có xảy ra mưa to, bước đầu gây thiệt hại về tài sản, hoa màu của nhân dân. Theo thống kê sơ bộ, có 6 xã bị ảnh hưởng, trong đó tại xã Chiềng Lao, 1 hộ bị sạt nền nhà, lũ cuốn trôi 100m2 ao cá. Tại xã Mường Bú, mưa lũ làm ngập 15 ha lúa, cuốn trôi 2 con bò. Taị thị trấn Ít Ong, 12 hộ bị ảnh hưởng, trong đó có 07 hộ phải di dời khẩn cấp. Xã Tạ Bú có 2 hộ có nguy cơ sạt lở cao, mưa lũ làm đổ gẫy khoảng 10 ha ngô. Xã Chiềng Công, 1 trường mầm non bị sạt tà ly dương, khối lượng đất đá khoảng 60m3. Tại xã Chiềng Ân có 03 hộ có nguy cơ sạt lở cao tại bản Pá Xá Hồng.
Về giao thông, tuyến đường 279D đoạn Chiềng Lao Huổi Quảng bị tắc đường do sạt lở. Đoạn đường Mường Bú Tạ Bú bị tắc ở đoạn thủy điện Tạ Bú. Tuyến đường Chiềng San đi Chiềng Công mưa lũ làm ngập đoạn qua suối Bản Nong, suối Bản Chông làm tắc đường. Tuyến đường Chiềng Lao Nậm Giôn bị sạt tà ly dương gây tắc đường. Ước thiệt hại ban đầu khoảng 500 triệu đồng.
Ngay khi thiên tai xảy ra, UBND huyện Mường La đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn huy động lực lượng tại chỗ khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã chỉ đạo các thành viên phụ trách cơ sở phối hợp với UBND các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, tránh mưa lũ trên địa bàn. Chuẩn bị lực lượng tại chỗ tham gia ứng cứu người và tài sản, nêu cao tinh thần phòng, tránh, ứng phó thiên tai và thực hiện phương châm “4 tại chỗ”; đảm bảo an ninh trật tự cho nhân dân trong những ngày mưu lũ.
Theo nhận định từ Đài Khí tượng thủy văn Khu vực Tây Bắc, từ đêm 28/8 đến ngày 1/9, trên địa bàn tỉnh Sơn La tiếp tục có mưa vừa mưa to, có nơi mưa rất to, lũ quét, sạt lở đất có nguy cơ xảy ra ở các huyện trên địa bàn. Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Sơn La đã có công văn gửi Ban chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thành phố yêu cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, tăng cường thông tin, cảnh báo đến các cấp chính quyền và người dân, các đối tượng bị ảnh hưởng, nhất là các xã, bản bị sạt lở đất, sụt lún nghiêm trọng trong cơn bão số 3 và 4 vừa qua, để chủ động các biện pháp phòng tránh.
Tổ chức kiểm tra ngay những vị trí có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt những vị trí, địa điểm đang sung yếu do ảnh hướng lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn do chịu ảnh hưởng mưa lớn những ngày vừa qua trên địa bàn các huyện để thông tin, cảnh báo đến người dân, các đối tượng bị ảnh hưởng và triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp. Chủ động phương án sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Tuần tra, ứng trực kiểm soát an toàn các tuyến đường giao thông. Tổ chức cắm biển cảnh báo, tuần tra canh gác các khu vực ngầm tràn, đường bị ngập sâu. Chủ động triển khai các biện pháp kiểm soát, phân luồng chống ách tắc, bảo đảm an toàn cho hành khách và các phương tiện vận tải hoạt động trong vùng bị ảnh hưởng của thiên tai. Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư kịp thời khắc phục hậu quả, bảo đảm giao thông trên các trục chính.
Chủ động hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại do thiên tai gây ra theo quy định. Tổ chức trực ban thường xuyên cập nhật thông tin, thống kê, đánh giá thiệt hại khi mưa, lũ, sạt lở đất xảy ra, báo cáo về Thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh.