Đồng bằng sông Cửu Long: Cảnh giác lũ lớn
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 16:40, 02/08/2018
Dự báo đỉnh lũ tăng lên
Thông tin từ Đài khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, trong 2 - 3 ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên nhanh, sau đó, lên chậm do triều thấp. Đến ngày 8/8, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại trạm Tân Châu, có khả năng lên mức 3,35m (dưới BĐ1 là 0,15m); trên sông Hậu tại trạm Châu Đốc, có khả năng lên mức 2,75m (dưới BĐ1 là 0,25m).
Theo PGS.TS Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, lũ tại Tân Châu có thể đạt đỉnh vào khoảng ngày 9 - 14/8, ở mức 3,4 - 3,6m. So với thông tin dự báo ở thời điểm nước lũ từ đập thủy điện bị vỡ ở Lào chưa về Việt Nam, đỉnh lũ đã tăng thêm 0,2 - 0,4m.
Lũ ở ĐBSCL lên nhanh do ảnh hưởng của lũ ở thượng nguồn sông Mê Kông kết hợp với triều cường và phần bổ sung từ nước vỡ đập. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp, vùng ven sông, vùng ngoài đê bao các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An.
Diện tích lúa Hè Thu bị ảnh hưởng bởi lũ sớm đều nằm ngoài đê bao, điển hình là An Giang có khoảng 2.300 ha. Hiện, Bộ NN&PTNT đang đốc thúc các địa phương nhanh chóng gia cố các bờ bao để bảo vệ diện tích lúa nội đồng, nhanh chóng thu hoạch, ưu tiên thu hoạch những diện tích bị ngập úng, có nguy cơ bị ngập.
Theo đại diện Cục Trồng trọt, dự kiến, đến 30/8, sẽ thu hoạch dứt điểm lúa Hè Thu, do đó, tùy theo lũ lên mức BĐ 1, 2 nhanh hay chậm, sẽ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp ít hay nhiều.
Nguy cơ cao sạt lở bờ sông, bờ biển
Cơ quan khí tượng nhận định, khoảng nửa đầu tháng 10, đầu nguồn sông Cửu Long có thể xuất hiện đỉnh lũ năm 2018 ở mức BĐ2 và trên BĐ2, tương đương đỉnh lũ trung bình nhiều năm. Tuy vậy, lũ xuất hiện sớm kết hợp với thời tiết bất thường gây nguy cơ cao sạt lở bờ sống, bờ biển.
Thống kê cho thấy, ĐBSCL hiện còn 55 điểm sạt lở cực kỳ nguy hiểm với chiều dài 173 km; 140 điểm sạt lở nguy hiểm với tổng chiều dài 97 km. Qua các đợt mưa lớn, đất đã bão hòa nước, có thể sạt lở bất cứ lúc nào và uy hiếp đến tính mạng, tài sản của người dân.
Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Nguyễn Trường Sơn, vùng ĐBSCL đã trải qua 7 năm không có lũ lớn nên có thể khó lường hết được những tác động bất ngờ. Hiện nay, hầu hết các tỉnh ĐBSCL đã có phương án ứng phó với các cáp độ rủi ro thiên tai; bão mạnh, siêu bão. Bên cạnh đó, vẫn còn 7/19 tỉnh chưa có kế hoạch phòng chống thiên tai năm 2018. Điều này dễ dẫn đến lúng túng, bị động khi gặp thiên tai nguy hiểm như bão, lốc kết hợp mưa lớn, triều cường…
Trước tình hình mưa lũ đang diễn ra, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh/thành phố khu vực ĐBSCL chủ động thông tin đến các cấp chính quyền, người dân, nhất là vùng thấp, trũng ven sông và chủ đầu tư các công trình trên và ven sông, kênh, rạch để chủ động các biện pháp phòng tránh, điều chỉnh kế hoạch sản xuất.
Chuẩn bị phương án ứng phó đề phòng bão đổ bộ vào khu vực ĐBSCL, chuẩn bị tốt các phương án thông báo, kêu gọi cũng như neo đậu tàu thuyền tránh trú khi có bão; tăng cường hệ thống truyền thông đến người dân và sẵn sàng phương án sơ tán dân; chuẩn bị lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Trong phương án ứng phó đề phòng lũ lớn, cần bảo đảm an toàn cho trẻ em và học sinh; tổ chức các điểm giữ trẻ tập trung và tuyên truyền, vận động người dân đưa trẻ đến các điểm giữ trẻ để đảm bảo an toàn. Công tác chuẩn bị đảm bảo phương châm “4 tại chỗ”, chú trọng dự trữ lương thực, nước uống, thuốc men, nhu yếu phẩm… để sẵn sàng ứng phó với lũ ngập dài ngày.
Các địa phương gấp rút rà soát, xử lý ngay từ giờ đầu những hư hỏng của hệ thống đê bao, bờ bao, đê biển, nhất là tuyến các tuyến đê bao vùng thượng nguồn và đê biển Tây. Đối với các sự cố sạt lở, chỉ đạo việc kiểm tra những khu vực bờ sông, kênh, rạch đang có diễn biến sạt lở, có nguy cơ cao xảy ra sạt lở và các khu vực xây dựng nhà ở, công trình lấn chiếm lòng dẫn thoát lũ.
Trên cơ sở bản đồ sạt lở và các điểm nguy cơ cao đã cắm biển cảnh báo, cần tuyên truyền, cảnh báo và di dời dân đến nơi an toàn, bên cạnh đó, hướng dẫn người dân kỹ năng ứng phó với mưa lũ trên truyền hình, phát thanh, truyền thanh xã, ấp, nhất là kỹ năng phòng tránh lũ, dông, lốc, sét…