Thiên tai ngày càng dị thường

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 11:01, 03/08/2018

Thời tiết diễn biến ngày càng trái quy luật, cộng với sự tác động của con người vào thiên nhiên là những nguyên nhân khiến cuộc sống con người chịu thiệt hại lớn do thiên tai

Chỉ trong 1 tháng gần đây, lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng xảy ra tại các tỉnh miền núi phía Bắc như Lai Châu, Hà Giang, Yên Bái. Gần đây nhất là ngập lụt nghiêm trọng tại các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai (TP Hà Nội). Vì sao thời tiết, mưa lũ ngày càng thất thường và khó đoán?

Thiệt hại tăng dần

Theo Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT), trong 20 năm gần đây, thiên tai đã làm chết, mất tích khoảng 10.800 người; thiệt hại bình quân hằng năm 20.000 tỉ đồng. Mức độ thiệt hại do thiên tai tăng dần: Năm 2016, 264 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế khoảng 39.726 tỉ đồng; năm 2017 tăng lên 386 người chết và mất tích, thiệt hại khoảng 60.000 tỉ đồng. Riêng từ đầu năm đến nay, thiên tai đã làm 112 người chết và mất tích, 80 bị thương; 929 nhà bị sập đổ, gần 28.000 ngôi nhà bị hư hỏng và 19.322 nhà bị ngập; tổng thiệt hại ước tính gần 6.000 tỉ đồng.

Cơ quan này nhận định thiên tai bất thường ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái và quá trình phát triển bền vững của nền kinh tế. Đáng chú ý là xu thế thiên tai ngày càng thể hiện tính dị thường và trái quy luật ở nhiều loại hình thiên tai. Điển hình là 2 cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm trở lại đây đổ bộ vào các tỉnh Trung Bộ trong năm 2017, gây thiệt hại nặng nề cho các địa phương. Năm 2017 cũng là năm có số lượng bão đạt kỷ lục: 16 cơn.

3 chot t3 1533220761276510078848
Ngập lụt gây xáo trộn cuộc sống người dân 2 huyện Chương Mỹ và Quốc Oai, TP Hà Nội. Ảnh: Huy Thanh

Còn theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Xuân Cường, Trưởng Ban Chỉ đạo trung ương PCTT, từ đầu năm 2018 đến nay, trên cả nước đã xuất hiện 14/21 loại hình thiên tai, bao gồm lũ quét, sạt lở đất, bão, giông, lốc sét, nắng nóng, rét đậm, rét hại.

Đánh giá về thiên tai năm nay, Bộ trưởng Cường nhấn mạnh thiên tai hiện nay rất cực đoan, đặc biệt sau các đợt nắng nóng đỉnh điểm là mưa lớn kéo dài. Thêm vào đó, do ảnh hưởng thiên tai trong suốt 3 năm qua nên lớp thực bì ở rừng cũng như áo giáp sinh học đã bị tổn thương nghiêm trọng. "Trong đợt mưa vừa qua, nếu đi dọc Lai Châu sang Quốc lộ 4B sẽ thấy tổn thương ghê gớm, không chỉ sạt lở cục bộ mà còn kéo dài. Nhiều nơi kéo cả mảng đất lớn, từ xưa tới nay chưa từng có" - ông Cường dẫn chứng.

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, trong khi hậu quả thiên tai cộng dồn, cùng với thiết chế hạ tầng bị tác động do những đợt mưa lũ trước vẫn chưa kịp phục hồi thì nay lại đứng trước nguy cơ bị tác động. "Chưa bao giờ chúng ta chứng kiến một loạt đê cấp 1, 2, 3 tổn thương ghê gớm như vậy. Ẩn họa khôn lường và tình hình đang rất nguy hiểm. Nếu không chủ động ứng phó, có địa phương sẽ phải hứng chịu thảm họa thiên tai" - ông Cường lo ngại.

Sự tác động của con người

Những ngày qua, mực nước sông Bùi đoạn qua huyện Chương Mỹ tiếp tục dâng cao và ngập sâu, làm đảo lộn cuộc sống của hàng chục ngàn người dân 2 huyện Chương Mỹ và Quốc Oai. TP Hà Nội đã sẵn sàng cho mọi tình huống xấu nhất có thể xảy ra, ngay cả việc di dời khoảng 14.000 hộ dân ra khỏi vùng lũ.

Về tình trạng ngập lụt ở 2 huyện này, cũng như hiện tượng một số ngôi nhà ven sông Đà tại TP Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) bị sụt lún, sạt trượt, ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục PCTT, đánh giá nguyên nhân chính không phải do xả lũ hồ thủy điện Hòa Bình mà là do mưa ở rừng ngang vùng Kim Bôi (Hòa Bình) đổ về quá lớn. Trong 6 ngày, lưu lượng mưa nơi đây đạt tới 900 mm, vượt cả mức của lũ lịch sử năm 2008.

Còn theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng, do mưa to với cường độ lớn, lũ lên cao uy hiếp các đê. "Đợt lũ đang diễn ra ở Chương Mỹ do lũ ở ven đường Hồ Chí Minh đổ xuống, đổ ra các sông qua Ninh Bình và đổ ra sông Đáy. Một phần lũ ở sông Hoàng Long dâng cao nên cửa thoát của sông Đáy bị hạn chế" - ông Thắng phân tích.

Ngoài các lý do nêu trên, có một vấn đề đáng quan tâm là trong quá trình phát triển, nhiều hệ thống cơ sở hạ tầng đã lấn ra hành lang thoát nước của các sông, làm giảm khả năng thoát lũ. Việc này không chỉ xảy ra ở sông Bùi mà ở nhiều sông khác trên cả nước.

Trước tình hình trên, ông Thắng đề nghị Hà Nội cần tiếp tục củng cố lại hệ thống hạ tầng thoát lũ. Đặc biệt là phải kiểm tra lại hướng thoát lũ, những chỗ gây cản trở dòng chảy, phải lồng ghép PCTT vào hoạt động quản lý đất, xây dựng cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ. "Làm đường phải tính tới thoát nước, xây khu đô thị cũng phải tính tới thoát nước" - ông Thắng góp ý.

Ông Trần Quang Hoài cảnh báo ngoài thời tiết cực đoan, thiệt hại do mưa lũ ngày càng nặng nề là do có sự can thiệp của con người vào thiên nhiên, nhất là quá trình đô thị hóa làm thu hẹp hệ thống sông suối. Bên cạnh đó, hệ thống dự báo, cảnh báo chưa đáp ứng yêu cầu; người dân nhiều nơi còn chủ quan, thiếu khả năng ứng phó nên khi có thiên tai thường hứng chịu thiệt hại lớn về người và tài sản. 

 

Đề xuất giải pháp chống lũ sông Bùi

Sông Bùi là một con sông nhỏ với phạm vi qua huyện Chương Mỹ (Hà Nội) khoảng hơn chục km. Nếu nhìn tổng thể thì rõ ràng vùng này là vùng tập trung nước rất lớn, vì chỉ cần mưa dài ngày ở thượng nguồn về khi gặp lũ trên sông Đáy thì chắc chắn sẽ khó thoát lũ kịp. Tình trạng ngập lụt kéo dài như vậy là do lũ trên sông Bùi qua huyện Chương Mỹ dâng cao, suốt từ ngày 27 đến 30-7 luôn trên báo động 3. Lũ cuồn cuộn đổ về bởi mưa lớn đã trút xuống cả nửa tháng nay ở thượng nguồn sông Bùi, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Tổng lượng mưa từ ngày 17 đến 30-7 lên tới 619 mm.

Hiện nay, tại cao trình, mặt cắt cả 2 tuyến đê tả Bùi, hữu Bùi đều chưa bảo đảm chống lũ thiết kế, giải pháp lâu dài để chống lũ sông Bùi bao gồm:

- Cải tạo 2 hồ chứa Đồng Sương, Văn Sơn để cắt một phần lũ rừng ngang.

- Cải tạo sông Bến Gò sau tràn hồ Đồng Sương, kênh xả lũ hồ Văn Sơn để chuyển phần nước lũ còn lại của 2 hồ Đồng Sương và Văn Sơn ra sông Bùi.

- Mở rộng lòng dẫn sông Bùi với B = 60 m, cao trình đáy tại Tân Trượng là -0,5 m, tại Ba Thá là -2,5 m.

- Nâng cấp đê tả Tích, tả Bùi, hữu Bùi bảo đảm chống lũ với tần suất P=2% và kết hợp làm đường giao thông.

- Bờ bao hữu Tích, hữu Bùi: Gia cố cải tạo mặt đê bảo đảm chống lũ rừng ngang trong điều kiện cho phép, kết hợp giao thông và bảo vệ bờ tả khi lũ rừng ngang vượt tiêu chuẩn thiết kế.

- Nghiên cứu giải pháp xây dựng đê hoặc kênh cách ly lũ rừng ngang từ sườn núi phía Tây đổ về.

- Cần giám sát chặt chẽ các hoạt động lấn chiếm lòng sông, tuyến thoát lũ.

Ngoài ra, cần có giải pháp quy hoạch, bố trí dân cư, cơ sở hạ tầng và hoạt động sản xuất hợp lý, nâng cao năng lực ứng phó cho người dân, chủ động phòng chống lũ theo phương châm "4 tại chỗ".