Mùa mưa 2018: Hà Nội đối diện với úng ngập cục bộ
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 16:46, 08/06/2018
Bốn khó khăn cơ bản
Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội Võ Tiến Hùng nhận định, công tác thoát nước mùa mưa của Hà Nội đang gặp 4 khó khăn nổi cộm. Trước tiên là hệ thống tiêu thoát chưa được đầu tư, xây dựng đồng bộ bài bản; nhiều khu vực phát triển đô thị quá nhanh nhưng hạ tầng kỹ thuật, trong đó có hệ thống thoát nước lại chưa được quan tâm đúng mức hoặc thiếu kết nối đồng bộ với hệ thống chung.
Một nguyên nhân khác cũng đang khiến hệ thống thoát nước của Hà Nội gặp khó khăn là sự quản lý chồng chéo, khiến cho các đơn vị thoát nước rơi vào thế bị động khi ứng phó với mưa lớn. Ông Võ Tiến Hùng lấy ví dụ, hiện nhiều khu vực nội thành đang trông chờ chính vào mạng lưới thoát nước đổ ra sông Cầu Bây. Nhưng cửa phai xả nước tại điểm đầu mối này lại do đơn vị khác quản lý nên phát sinh độ trễ nhất định khi phối hợp tiêu thoát nước.
Cùng với đó, điều khiến các đơn vị chức năng của Hà Nội “đau đầu” là tình trạng tập kết rác trên các rãnh vỉa, miệng ga thu. Khi mưa, rác và túi nilon sẽ theo dòng chảy trôi nhanh về các ga thu làm giảm khả năng tiêu thoát nước. Hoặc một số hộ dân sử dụng các tấm tôn, gỗ… bịt các miệng ga, ghi thu, khi mưa các vật cản này không được tháo dỡ kịp thời gây úng ngập. Mặt khác, việc xả thải trực tiếp từ các nhà hàng, quán ăn, điểm rửa xe đang đưa một lượng lớn dầu mỡ, hoá chất không được xử lý vào thẳng hệ thống thoát nước. Không những gây ô nhiễm môi trường, lượng dầu mỡ này còn cô đọng lại, bám vào thành ống cống hoặc các cửa xả, cản trở nghiêm trọng khả năng tiêu thoát nước.
Cần giải pháp quyết liệt
Việc đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thoát nước của Hà Nội theo quy hoạch đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn và không thể hoàn thành trong thời gian ngắn. Để tăng cường khả năng tiêu thoát nước mưa, Hà Nội cần có những giải pháp quyết liệt và đồng bộ. Đặc biệt, đối với công tác quản lý, vận hành hệ thống thoát nước, nhiều chuyên gia cho rằng TP cần xem xét, giao về một đầu mối quản lý, tránh tình trạng chồng chéo, bất cập như hiện nay.
Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội Võ Tiến Hùng đề xuất, để tăng hệ số thấm nước mưa trên bề mặt, cần tăng thêm diện tích trồng cây xanh; sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường trong xây dựng đường phố. Bên cạnh đó, TP cần chỉ đạo địa phương, yêu cầu chủ đầu tư các khu đô thị phải bổ sung hồ điều hòa nhân tạo, hồ chứa ngầm vừa để đảm bảo thoát nước, vừa có ý nghĩa bảo vệ môi trường. “Không có hồ điều hoà thì không thể đáp ứng tiêu thoát nước khi có mưa lớn tại các khu vực đô thị mới” - ông Hùng nhấn mạnh.
Lãnh đạo Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường TP Hà Nội cho biết, hiện Ban đang tích cực phối hợp với Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội và các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng một số công trình thoát nước, tập trung tại các điểm ngập nặng trong thời gian dài vừa qua như: Phố Đội Cấn (Ba Đình); phố Hoa Bằng (Cầu Giấy); phố Giáp Nhị, Nam Dư, CTTN ngõ 207 Bùi Xương Trạch (Thanh Xuân); phố Xốm, khu vực từ tổ 1 đến tổ 4 phường Yên Nghĩa (Hà Đông)...
Cùng với đó, Chính quyền TP cần chỉ đạo các đơn vị, địa phương đặc biệt quan tâm đến công tác duy trì, đảm bảo khả năng vận hành tối đa cho hệ thống tiêu thoát nước hiện có. Các hiện tượng gây ảnh hưởng tiêu cực như việc tập kết rác trên các miệng cống, ga thu...; xả thẳng dầu mỡ vào hệ thống; xâm hại cơ sở hạ tầng thoát nước cần phải được ngăn ngừa triệt để. Nếu không có sự vào cuộc một cách nghiêm túc, quyết liệt từ chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan, hệ thống thoát nước vốn còn nhiều khó khăn của TP sẽ ngày càng bị hạn chế năng lực vận hành, tình trạng úng ngập cục bộ cũng có thể theo đó mà gia tăng cả về mức độ lẫn phạm vi.