Mù Cang Chải chủ động ứng phó với mưa lũ
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 18:46, 30/05/2018
Xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải có gần 100% đồng bào Mông sinh sống. Người Mông vốn có tập quán sinh sống, canh tác trên các triền núi cao; thường xuyên phải di chuyển qua các khe, suối, những khu vực có nguy cơ bị sạt lở, lũ ống, lũ quét. Do vậy, cùng với tuyên truyền nâng cao nhận thức, xã đã vận động bà con, họ hàng nhường đất cho các hộ còn nằm trong diện nguy cơ cao bị lũ quét, sạt lở đất di chuyển về nơi ở an toàn; tổ chức cắm biển cảnh báo tại các khu vực nguy hiểm, sạt lở…
Ông Trần Minh Phượng - Bí thư Đảng uỷ xã La Pán Tẩn cho biết: Xã đã chỉ đạo các đồng chí Bí thư Chị bộ, trưởng bản, cán bộ xã đến các thôn bản tổ chức họp bản, họp dân tuyên truyền cho bàn con chủ động phòng chống thiên tai. Đối với nơi có khả năng lũ ống, lũ quét thì xã tổ chức cắm biển để bà con nắm được và chủ động phòng tránh.
Năm 2017, huyện Mù Cang Chải có tới 10 chết, 5 người mất tích do mưa lũ; trên 400 ngôi nhà bị cuốn trôi, hư hỏng; hơn 200 công trình công cộng bị hư hại, sập đổ và hàng trăm héc ta hoa màu bị mất trắng… Thiệt hại ước tính trên 740 tỷ đồng.
Để chủ động ứng phó kịp thời trong mùa mưa lũ năm nay, Mù Cang Chải đã kiện toàn Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn từ huyện đến xã, với trên 3.000 người, gồm các lực lượng quân đội, công an, dân quân và người dân trên địa bàn; xác định các khu vực trọng điểm của lũ ống, lũ quét, sạt lở đất là: Nậm Khắt, Nậm Có, Khau Phạ, Lao Chải và thị trấn Mù Cang Chải…để chính quyền địa phương và người dân nắm bắt, chủ động ứng phó.
Huyện cũng yêu cầu các địa phương, đơn vị tổ chức thường trực 24/24 giờ trong thời gian cao điểm, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để thông báo kịp thời cho người dân.
Ông Lê Trọng Khang, Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết: Huyện Mù Cang Chải đã chỉ đạo các ngành, các cấp cũng như là các xã thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai 2018. Trong đó có xác định, bổ sung thêm những nguy cơ trên địa bàn huyện, từ đó thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ, nhất là trong việc huy động lực lượng, xác lập các tổ, đội xung kích. Đồng thời cũng chỉ đạo tăng cường rà soát nhằm phát hiện những hộ phát sinh trong vùng nguy hiểm để di dời.
Ngay tại các tuyến đường huyết mạch như Nghĩa Lộ - Mù Cang Chải; Mù Cang Chải – Than Uyên (tỉnh Lai Châu) đều được bố trí máy móc, phương tiện để túc trực xử lý sự cố nhằm đảm bảo giao thông thông suốt; các biển cảnh báo cũng được cắm thêm tại những nơi nguy hiểm. Bằng phương châm “4 tại chỗ” là chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, hậu cần tại chỗ, huyện vùng cao Mù Cang Chải cố gắng giảm thấp nhất các thiệt hại trong mùa mưa lũ năm nay.