Đồng bằng sông Cửu Long: Xói lở bờ biển bủa vây

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 12:47, 16/05/2018

(TN&MT) - Tình hình sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang diễn biến rất phức tạp và có xu hướng gia tăng cả về phạm vi và quy...
(TN&MT) - Tình hình sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang diễn biến rất phức tạp và có xu hướng gia tăng cả về phạm vi và quy mô. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc làm việc với các địa phương ĐBSCL để tìm ra giải pháp khắc phục tình trạng này.
Tình hình sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển tại Đồng bằng sông Cửu Long đang diễn biến rất phức tạp
Tình hình sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển tại Đồng bằng sông Cửu Long đang diễn biến rất phức tạp. Ảnh: MH
Sạt lở ngày càng nghiêm trọng

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), hiện có 562 vị trí bờ sông, bờ biển bị sạt lở, với tổng chiều dài 786 km, trong đó, có 42 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài 149 km cần phải xử lý cấp bách để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Vấn đề nghiêm trọng nhất là hiện nay là tình trạng sạt lở không chỉ xảy ra vào mùa lũ mà còn xuất hiện cả ở mùa khô. Điều này vẫn đang diễn ra rộng khắp, từ các tuyến sông chính cho đến các hệ thống kênh, rạch, với mức độ sạt lở ngày càng lớn và khốc liệt hơn.

Bên cạnh đó, hầu hết bờ biển ở ĐBSCL cũng bị xói lở với nhiều mức độ khác nhau. Những đoạn bờ biển có tốc độ xói lở mạnh (từ 30 - 100 m/năm) là xã Tân Thành (Tiền Giang); Đông Hải (Trà Vinh); Gành Hào (Bạc Liêu)… Tại tỉnh Sóc Trăng, đoạn bờ biển từ ấp Biển Trên, thị trấn Vĩnh Châu, huyện Vĩnh Châu đến khu vực giáp ranh với tỉnh Bạc Liêu đang bị xâm thực mạnh.

Dải đất ven biển tỉnh Cà Mau một số đoạn bờ biển bị xói lở nghiêm trọng, nhất là khu vực từ cửa sông Tràng Tràm đến xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, diện tích đất mất đi gần 4.890 ha. Khu vực cửa sông Ông Đốc (huyện Trần Văn Thời) đến rạch Tiểu Dừa (huyện U Minh), trung bình mỗi năm mất 22 ha đất…

Khu vực chạy dọc theo tuyến đê biển của vùng bán đảo Cà Mau cũng đang bị sạt lở nghiêm trọng. Hiện nay, nhiều nơi đã mất rừng, có nơi cây rừng bị sóng đánh bật gốc nằm la liệt, bờ biển bị sạt lở vào sát tới gần chân đê khiến cho cư dân sống quanh khu vực này rất lo lắng.

Hiện tượng sạt lở ở hai bên bờ sông Tiền và sông Hậu thường xảy ra nghiêm trọng hơn vào khoảng thời gian đầu và cuối mùa mưa lũ. Đối với một số khu vực được xem là điểm nóng, tình trạng này còn xuất hiện nhiều, với quy mô lớn từ vài trăm mét đến cả vài cây số.

Theo Tổng cục Phòng, chống thiên tai, nguyên nhân chủ yếu gây xói lở bờ sông, biển là do hiện tượng tự nhiên địa chất và sự bồi lắng xảy ra ở những đoạn sông cong, việc quản lý chưa tốt hành vi xâm chiếm bãi, lòng sông để xây công trình và nhà ở. Ngoài ra nạn khai thác cát trái phép và phương tiện đường thủy chở quá tải cũng là nguyên nhân chính dẫn đến làm gia tăng nguy cơ gây xói lở ở nhiều địa phương.

Tập trung nguồn lực để xử lý

Tại cuộc làm việc mới đây với các địa phương ĐBSCL về tình hình sạt lở đất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, ĐBSCL có vị trí chiến lược quan trọng, với trên 20 triệu dân sinh sống, nhưng cũng là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Trong đó, tình hình sạt lở bờ sông, kênh rạch, bờ biển đe dọa trực tiếp đến an toàn của nhiều khu dân cư, công trình hạ tầng ven sông, ven biển. Do đó, việc tập trung các nguồn lực để xử lý một bước là điều hết sức cần thiết. Việc này cần làm sớm để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.

Thủ tướng cho biết, sau khi có Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, đã bố trí kế hoạch vốn trung hạn, để xử lý trước hết 17/42 vị trí đặc biệt nguy hiểm. Còn lại 25 điểm đặc biệt nguy hiểm cần giải quyết bổ sung ngân sách để hỗ trợ theo cơ chế phòng chống thiên tai, tức là làm cấp bách.

Thủ tướng yêu cầu tất cả các Bộ, đặc biệt là các địa phương trong vùng, triển khai đồng bộ, kịp thời hơn các giải pháp để thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ. Bên cạnh xử lý đê kè, đặc biệt là đê mềm tại các điểm sạt lở, các địa phương cần tập trung xử lý một số vấn đề xã hội bức xúc hiện nay như khai thác cát sỏi các dòng sông không theo quy hoạch, cấp phép quá mức. Chú trọng biện pháp trồng rừng giữ đất, nhất là cây đước, sú vẹt, nghiên cứu làm phong điện để đất bồi đắp.

Phải quy hoạch lại dân cư, tái định cư và quy hoạch lại sản xuất. Thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế, với các nước trong khu vực trong việc điều tiết dòng chảy, nhất là vào mùa khô.

Thủ tướng quyết định bố trí bổ sung một khoản từ dự phòng ngân sách hỗ trợ cho các tỉnh ĐBSCL làm các công trình cấp bách, quan trọng cũng như bố trí một khoản từ nguồn ODA để lập Quỹ chống biến đổi khí hậu ĐBSCL.