Cập nhật báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 11:59, 20/04/2018
(TN&MT) - Ngày 18/4, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nha đã chủ trì Hội thảo tham vấn rà soát, cập nhật báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC)...
(TN&MT) - Ngày 18/4, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nha đã chủ trì Hội thảo tham vấn rà soát, cập nhật báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam. Theo Thứ trưởng, việc cập nhật NDC nhằm thực hiện tốt thỏa thuận Paris, không chỉ thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng ít phát thải, chống chịu cao trước tác động của BĐKH và phát triển bền vững.
Hội thảo do Bộ TN&MT phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc UNDP và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức GIZ tổ chức. Đồng chủ trì có bà Caitlin Weisen, Giám đốc quốc gia UNDP tại Việt Nam; ông Jorg Ruger, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Đức tại Hà Nội; các Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cho Ủy ban Quốc gia về BĐKH là GS.TS Mai Trọng Nhuận và GS.TS Trần Thục; ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục BĐKH. Tham dự Hội thảo có các nhà khoa học, nhà quản lý từ các Bộ ngành, địa phương, đại diện các đại sứ quán, đối tác phát triển tại Việt Nam.
Xác định đồng lợi ích giữa thích ứng và giảm nhẹ
Theo yêu cầu của Thỏa thuận Paris về BĐKH, các quốc gia phải cập nhật 5 năm một lần Báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định nhằm xác định cam kết của mình, thể hiện nỗ lực cao nhất để góp phần giữ nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng không quá 2 độ C, hướng tới 1,5 độ C vào cuối thế kỉ. Do tầm quan trọng của việc thực hiện NDC đối với Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ TN&MT phối hợp các Bộ, ngành và các bên liên quan rà soát, cập nhật NDC phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của quốc gia; chuẩn bị thông tin phục vụ đánh giá nỗ lực toàn cầu năm 2018.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, Việt Nam đã khởi động quá trình rà soát cập nhật NDC vào ngày ngày 28/6/2017. Đến nay, báo cáo ban đầu đã được hoàn thành, bao gồm việc rà soát, cập nhật các hợp phần giảm nhẹ, thích ứng và làm rõ thêm đóng góp của Việt Nam đối với nội dung tổn thất và thiệt hại. Các chuyên gia cũng đưa vào nội dung mới về áp dụng mô hình đánh giá tác động của các phương án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, xem xét, nghiên cứu đánh giá đồng lợi ích để tổng hợp đưa vào báo cáo cập nhật.
Để đánh giá lợi ích tổng hợp và đồng lợi ích của các hành động thích ứng và giảm nhẹ trong NDC của Việt Nam, ông Phạm văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) cho biết, nhóm chuyên gia tư vấn đã rà soát khung thể chế, chính sách có sự kết hợp phát thải thấp và các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, mục tiêu phát triển bền vững. Trên cơ sở đó xây dựng khung đánh giá, phân tích cụ thể lợi ích tổng hợp và đồng lợi ích của các hành động thích ứng và giảm nhẹ; xác định các lĩnh vực có thể tích hợp mục tiêu chính sách.
Việc đánh giá tác động kinh tế - xã hội đượcthực hiện theo từng ngành và tác động tổng thể, thực hiện với sự tham gia của các Bộ, ngành ứng với các mục tiêu giảm nhẹ cụ thể. Ngoài ra, các Bộ cũng yêu cầu thực hiện thêm một số nội dung như: rà soát và cập nhật các nội dung về phát triển đô thị thích ứng BĐKH cho NDC đến năm 2020; các giải pháp thích ứng trong ngành GTVT đến năm 2020; đánh giá thách thức hiện nay trong tài chính khí hậu và đầ xuất biện pháp huy động nguồn lực cho thực hiện NDC…
Thiết lập hệ thống minh bạch trong giảm phát thải
Để rà soát, cập nhật hợp phần giảm phát thải trong NDC, các chuyên gia lựa chọn năm 2014 là năm cơ sở để kiểm kê phát thải khí nhà kính của Việt Nam trong các lĩnh vực phát thải chính, gồm: năng lượng, các quá trình công nghiệp, nông nghiệp, chất thải, lâm nghiệp và sử dụng đất. Ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết, từ việc tính toán chi phí và tiềm năng giảm nhẹ của từng lĩnh vực, Tổ công tác xây dựng 45 phương án giảm nhẹ khí thải và hấp thụ khí thải nhà kính ưu tiên nhận diện rào cản và đề xuất các giải pháp phù hợp.
Các chuyên gia đã xây dựng kịch bản giảm nhẹ cho các lĩnh vực giai đoạn 2020-2030 đồng thời phân tích, so sánh đánh giá nỗ lực quốc gia thực hiện, khả năng thực hiện đạt mục tiêu giảm 8 % lượng phát thải KNK đến năm 2030, và giảm 25% trong trường hợp có hỗ trợ quốc tế.
Đáp ứng yêu cầu của Thỏa thuận Paris về tăng tính minh bạch, báo cáo cập nhật đã đề xuất Hệ thống minh bạch trong giảm nhẹ phát thải khí nhà kính quốc gia. Thống nhất 3 cấp thực hiện hoạt động đo đạc, báo cáo, thẩm tra (MRV) mức giảm nhẹ, bao gồm: cấp dự án, cấp lĩnh vực/cấp tỉnh và cấp quốc gia.
Theo đó, MRV cấp dự án sẽ đo đạc, xác định mức phát thải và xây dựng báo cáo định lượng theo tiến độ thực hiện kế hoạch giảm nhẹ cấp dự án, gửi tới cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp lĩnh vực, cấp tỉnh. MRV cấp lĩnh vực, cấp tỉnh sẽ thẩm tra, xác nhận kết quả đo đạc này, tổng hợp và xây dựng báo cáo về mức giảm phát thải định lượng cấp lĩnh vực gửi Bộ TN&MT tổng hợp. MRV Cấp quốc gia tổng hợp danh mục phương pháp đo đạc, thẩm tra và báo cáo Chính phủ kết quả mức mức giảm phát thải định của của cấp linh vực, cấp tỉnh, cấp dự án.
Trong 2 phiên làm việc tại hội thảo, các đại biểu tập trung góp ý các vấn đề kĩ thuật đối với báo cáo ban đầu giảm nhẹ và thích ứng; hệ thống minh bạch trong giảm phát thải khí nhà kính thực hiện NDC của VIệt Nam; kịch bản phát triển thông thường và kịch bản giảm nhẹ trong lĩnh vực năng lượng, giao thông, công nghiệp, chất thải, AFOLU.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhan cho biết, Bộ TN&MT sẽ tiếp thu các ý kiến và phối hợp với các Bộ, ngành triển khai công việc tiếp theo. Dự kiến, bản NDC cập nhật sẽ được hoàn thành trong năm 2019. Sau khi được Chính phủ phê duyệt, NDC của Việt Nam sẽ đệ trình lên Ban thư ký Công ước Khung của Liên hợp quốc về BĐKH trước tháng 3/2020.