Đài KTTV khu vực Nam Bộ: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hợp tác chặt chẽ với địa phương
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 08:40, 22/04/2018
Thường xuyên kiểm tra các Đài KTTV tỉnh trước mùa mưa bão
Theo ông Lê Ngọc Quyền, trong những năm gần đây, tình hình thời tiết thủy văn diễn biến hết sức phức tạp và có nhiều dị thường. Thiên tai có nguồn gốc KTTV xảy ra liên tục và với tần suất ngày càng gia tăng trên phạm vi cả nước: Bão, Áp thấp nhiệt đới gia tăng về số lượng, cường độ; nằng nóng kỷ lục, rét đậm, rét hại, lốc xoáy… ở các tỉnh vùng núi phía bắc.
Đối với khu vực Nam Bộ, tình hình thiên tai có nguồn gốc KTTV cũng có những biến động mạnh mẽ và khó lường: Bão, ATNĐ có xu hướng dịch chuyển về phía nam và kết thúc muộm, những cơn bão cuối mùa đe dọa Nam Bộ ngà càng nhiều hơn; hạn hán, xâm nhập mặn, triều cường, ngập lụt, mưa lớn, mưa trái mùa ngày càng khốc liệt hơn và đều vượt mốc lịch sử (xâm nhập mặn 2016 sâu 125 km, mưa trận lớn tại TP HCM đo được 194mm năm 2016 và triều cường đạt đỉnh 1,71m năm 2017, nước biển dâng trong 30 năm quan trắc được tại Vũng Tàu đã tăng 15 cm)...
Đài KTTV khu vực Nam Bộ với CNNV được Bộ Tài nguyên và môi trường giao thực hiện quan trắc, điều tra khảo sát KTTV, môi trường, quan trắc định vị sét; thực hiện dự báo, cảnh báo, thông tin dữ liệu KTTV trong phạm vi khu vực Nam Bộ gồm 19 tỉnh thành, với dân số toàn khu vực khoảng 35 triệu người chiếm gần 37% dân số cả nước.
Trong công tác chỉ đạo, điều hành, trước tình hình thời tiết, thủy văn diễn biến ngày càng phức tạp, để thực hiện tốt công tác phòng chống và phục vụ phòng chống thiên tai, Đài KTTV khu vực Nam Bộ đã chỉ đạo sát sao các Đài KTTV Tỉnh, các trạm KTTV thực hiện duy tu, bảo dưỡng công trình, máy móc, phương tiện đo đạc trước mùa mưa bão; Tăng cường học tập quy trình quy phạm, mã luật...; Quyết định về chế độ điện báo và danh sách các trạm KTTV thực hiện công tác điện báo phục vụ dự báo KTTV của Đài.
Đài cũng đã ban hành công văn chỉ đạo các Đài KTTV tỉnh hoàn thiện các phương án đo đạc tại các trạm KTTV, phương án dự báo khi có bão, lũ ảnh hưởng tới địa phương; khắc phục những tồn tại và kiến nghị của các đoàn kiểm tra; Thực hiện nghiêm túc các Quy trình, quy định về dự báo KTTV; Tiếp tục triển khai thực hiện Luật Phòng chống thiên tai, Luật KTTV và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành luật. Đồng thời Ban Giám đốc Đài thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra công tác PCTT trên toàn mạng lưới trạm KTTV và kiểm tra các Đài KTTV tỉnh trước mùa mưa bão.
Quan hệ chặt chẽ với địa phương
Về kinh nghiệm trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ, Giám đốc Đài KTTV khu vực Nam Bộ Lê Ngọc Quyền cho biết, để đảm bảo việc thực hiện việc dự báo điểm, dự báo từ 24-48 giờ sang dự báo 10 ngày cần phải thay đổi phương pháp dự báo. Do vậy Đài đưa ra mục tiêu dự báo bằng phương số làm chủ đạo.
Trong năm 2017, Đài đã chỉ đạo Phòng Thông tin và dữ liệu KTTV kiểm tra, bảo dưỡng sửa chữa hệ thống máy tính hiệu năng cao để vận hành mô hình WRF hoạt động tốt. Nâng cấp phần mềm phân tích bản đồ synop trên máy tính. Đến nay phần mềm đã chạy ổn định, đưa ra sản phẩm phân tích số tại các mực đẳng áp chuẩn, chồng lớp bản đồ từ số liệu tái phân tích, bản đồ dự báo...
Vì vậy, bộ công cụ phân tích bản đồ hỗ trợ rất nhiều cho nghiệp vụ dự báo, tiết kiệm thời gian, công sức đồng thời tiết kiệm chi phí. Đồng thời Đài cũng đã trang bị nhiều màn hình khổ lớn; xây dựng các công cụ phần mềm tích hợp, truy xuất, hiển thị dữ liệu. Có thể cung cấp thông tin trực quan nhất cho dự báo viên.
Bên cạnh đó, Đài đã thay đổi phương thức thảo luận dự báo từ phương pháp truyền thống phát biểu ý kiến dựa trên phân tích bản đồ in giấy thành phân tích hoàn toàn trên các màn hình máy tính khổ lớn; Tăng cường tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm bằng các buổi sermina ngay sau khi xảy ra các đợt mưa lớn, báo, ATNĐ, nắng nóng nhằm đi sâu đánh giá những nguyên nhân gây ra hiện tượng thời tiết nguy hiểm.
Về kinh nghiệm trong việc nâng cao chất lượng nhân lực, hợp tác và quan hệ chặt chẽ với địa phương, ông Lê Ngọc Quyền cho biết, Đài KTTV khu vực Nam Bộ luôn đẩy mạnh việc trao đổi thông tin với các Đài khu vực, với Trung tâm dự báo KTTV trung ương, phân viện khoa học KTTV và biến đổi khí hậu; tăng cường kết hợp với Trường Đại học khoa học tự nhiên, trường Đại học TN&MT TP.HCM, Trường Đại học nông lâm trong việc phối hợp nghiên cứu khoa học, đào tạo, tuyển chọn được một số sinh viên có chất lượng nhằm mục tiêu do kế hoạch phát triển lâu dài của Đài.
Đài KTTV khu vực Nam Bộ cũng luôn quan tâm đến công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để có được đội ngũ viên chức có năng lực chuyên môn nghiệp vụ, có đạo đức nghề nghiệp và có trách nhiệm cao với cộng đồng về xã hội.
Đồng thời Đài cũng quyết liệt chỉ đạo các Đài KTTV tỉnh nâng cao chất lượng, kỹ năng phục vụ, sẵn sàng cung cấp thông tin kịp thời cho chính quyền địa phương, các thông tin được cụ thể hóa, dễ sử dụng, dễ hiểu, hình thức mẫu mã chuyên nghiệp được từ đó tạo quan hệ chặt chẽ và sự ủng hộ của địa phương. Điển hình là Đài KTTV tỉnh Bình Phước đã áp dụng tốt công nghệ GIS để cụ thể hóa bản tin đến cấp huyện, xã, một số Đài KTTV tỉnh: Long An, Trà Vinh, An Giang thực hiện các đề tài NCKH xây dựng các công cụ hỗ trợ cho công tác dự báo…
Bên cạnh những thuận lợi, lãnh đạo Đài KTTV khu vực Nam Bộ đã phân tích những khó khăn, tồn tại của Đài trong thời gian qua đồng thời đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo Bộ TN&MT, lãnh đạo Tổng cục KTTV đẩy mạnh phát triển, áp dụng nhiều công cụ, phần mềm vào nghiệp vụ dự báo mới đáp ứng được yêu cầu của cộng đồng.
Đồng thời cần tăng cường đầu tư thêm các trạm KTHV trên biển và ven bờ, nâng cấp 05 Trạm Thủy văn cấp III lên cấp I trên lưu vực Sông Vàm cỏ, Sông Tiền và đầu tư 02 Trạm Ra đa đặt tại Côn Đảo và Cà Mau kết nối với Ra đa Nhà Bè để có đủ số liệu phục vụ cho công tác dự báo ngày càng chất lượng hơn và đủ độ tin cậy hơn.