Bến Tre: Tích cực phòng chống hạn mặn mùa khô

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 00:02, 18/03/2018

(TN&MT) – Những năm qua, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đã gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của người dân Bến Tre. Hiện tại đang vào mùa khô, tình hình hạn mặn đang ở mức báo động, lãnh đạo UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu các ngành, các cấp và cộng đồng dân cư phải có kế hoạch phòng chống.
H1
Hồ chứa nước phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh

Ông Đặng Hoàng Lam, Phó giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre cho biết, hiện nay tình hình xâm nhập mặn đang có chiều hướng lên nhanh trên các sông chính như: sông Tiền, sông Hàm Luông và Cổ Chiên. Độ mặn xuất hiện ở mức sâu hơn so với cùng kỳ năm 2017, có khả năng ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất trong nhân dân.

Theo đó, tại các cửa sông thuộc địa bàn tỉnh Bến Tre có độ mặn đo được từ 25‰  đến 28‰; độ mặn 4‰ trên các nhánh sông chính từ 45 – 48km thuộc xã Giao Hòa (huyện Châu Thành), phường 7 (thành phố Bến Tre), xã Khánh Thạnh Tân (huyện Mõ Cày Bắc); riêng độ mặn 1‰ phủ khắp cả tỉnh Bến Tre, cách cửa sông từ 62-64km. Cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn hiện nay đang ở cấp độ 1.

Để nhằm hạn chế các ảnh hưởng, thiệt hại có thể xảy ra, mới đây, chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành văn bản về việc tích cực phòng chống hạn mặn, trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất nhằm yêu cầu các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm tổ chức thực hiện.

Theo văn bản, chủ tịch tỉnh đề nghị các cơ quan tích cực theo dõi thông tin, tình hình khí tượng thủy văn, chủ động khảo sát thực tế các công trình cống, đập ngăn mặn, các hệ thống thủy lợi dẫn nước ngọt để có giải pháp xử lý, vận hành hiệu quả, đảm bảo không bị rò rỉ, xâm nhập mặn, đảm bảo lượng nước phục vụ, nhưng không để gây ô nhiễm môi trường. Tích cực nắm thông tin tình hình cung cấp nước, việc sử dụng và dự trữ nước ngọt, việc bố trí sản xuất trong nhân dân để triển khai các biện pháp hỗ trợ, phòng tránh, hạn chế thiệt hại xảy ra, tuyệt đối không để người dân nào thiếu nước ngọt để uống hoặc bị khó khăn.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển triển nông thôn chủ động phối hợp các cơ quan truyền thông hướng dẫn việc trữ nước ngọt, hướng dẫn sản xuất, nhất là phục vụ cho vụ lúa đông xuân sao cho thuận lợi, thích hợp; Tiếp tục hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp cho từng vùng; Cử cán bộ đến thực tế, hỗ trợ nông dân, xây dựng mô hình để quảng bá, hướng dẫn… nhằm hướng đến sản xuất ổn định, bền vững, hiệu quả.

Đối với UBND huyện, thành phố phải tích cực theo dõi thông tin, khảo sát thực tế để phối hợp các ngành chức năng, chủ động triển khai, hướng dẫn và hỗ trợ nhân dân trên địa bàn phòng tránh hạn mặn, dự trữ, cung cấp nước ngọt một cách hiệu quả.

H2
Dự trữ nước ngọt, bố trí sản xuất trong nhân dân để triển khai các biện pháp hỗ trợ, phòng tránh, hạn chế thiệt hại xảy ra

Được biết, để chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống, ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn vụ đông xuân 2017-2018 trong điều kiện biến đổi khí hậu, tỉnh Bến Tre cần thêm trên 112 tỉ đồng để thực hiện việc xây dựng các công trình thủy lợi, nạo vét các cửa sông lấy nước, sửa chữa cống, đắp đập tạm để trữ nước ngọt, ngăn mặn xâm nhập. Do ngân sách hạn hẹp, UBND tỉnh Bến Tre đã kiến nghị Trung ương hỗ trợ trên 61 tỉ đồng để địa phương thực hiện các giải pháp ngăn mặn, chống hạn trong vụ đông xuân 2017-2018.

Năm 2016 tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh xuất hiện sớm và hết sức khốc liệt. Nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng gây nhiều thiệt hại rất nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân. Qua tổng kết của Sở NN&PTNT Bến Tre, ước tổng thiệt hại của ngành nông nghiệp tỉnh nhà do hạn mặn trong các năm qua là 1.794 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại 22.379 ha lúa, cây màu 483,7 ha, cây giống thiệt hại 183 ha, cây ăn trái bị ảnh hưởng 5.760 ha; Riêng cây công nghiệp 1.312 ha, trong đó, diện tích dừa bị ảnh hưởng 1.213 ha, chủ yếu là rụng trái non và làm giảm năng suất thu hoạch.