Tiền Giang: Nhiều giải pháp phòng chống hạn, mặn trong mùa khô

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 00:18, 13/03/2018

(TN&MT) – Vừa qua, tỉnh Tiền Giang đã đề ra nhiều giải pháp để thực hiện nhằm chủ động nguồn nước tưới tiêu, phòng chống hạn mặn, phục vụ sản xuất, ổn định đời...

 

(TN&MT) – Vừa qua, tỉnh Tiền Giang đã đề ra nhiều giải pháp để thực hiện nhằm chủ động nguồn nước tưới tiêu, phòng chống hạn mặn, phục vụ sản xuất, ổn định đời sống dân sinh trên địa bàn trong mùa khô 2018.

H1
Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh Tiền Giang


Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Tiền Giang, cho biết: Để chủ động phòng chống hạn, xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh, ngay từ đầu năm 2018, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành chỉ thị về “Phòng chống hạn mặn và cháy rừng”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra kế hoạch về “Phòng chống hạn mặn, bảo vệ sản xuất và đảm bảo cấp nước sinh hoạt” trong mùa khô năm 2018 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Với mục tiêu đảm bảo ngăn mặn, giữ ngọt đủ nước tưới cho 71.263ha lúa, 6.870ha hoa màu; ngăn mặn, bảo vệ 77.674ha vườn cây ăn trái và khóm ở các huyện phía Tây; đặc biệt là bảo đảm nước sinh hoạt cho khoảng 558.209 dân trên địa bàn các huyện phía Đông tỉnh Tiền Giang.

Qua đó, UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu các ngành, các cấp chủ động tổ chức thực hiện nhiệm vụ và tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến nhân dân về diễn biến phức tạp của tình hình thời tiết để chủ động ứng phó với tinh thần tích cực, khẩn trương, cảnh giác cao, nhất là diễn biến của tình hình hạn, xâm nhập mặn để phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. Tăng cường kiểm tra và lập kế hoạch duy tu, sửa chữa, nâng cấp các công trình ngăn mặn, dẫn và trữ nước ngọt, đáp ứng kịp thời công tác phòng chống hạn và xâm nhập mặn xâm nhập mặn vào mùa khô 2018 cụ thể cho từng khu vực dự án, từng địa phương, đơn vị, để chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả.

Tổ chức kiểm tra hệ thống công trình thủy lợi, rà soát những khu vực có khả năng thiếu nước, hạn, mặn xâm nhập trên địa bàn. Qua đó, xây dựng kế hoạch phòng chống hạn mặn xâm nhập, bảo vệ sản xuất, đặc biệt là quan tâm giải pháp cấp nước, trữ nước cho sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho người dân trong trường hợp nguồn nước bị thiếu hụt.

Tăng cường kiểm tra đồng ruộng, tổ chức phân phối nước chặt chẽ và linh hoạt đảm bảo sử dụng nước hiệu quả. Trên cơ sở khả năng cân đối nguồn nước, có biện pháp hướng dẫn nhân dân gieo trồng và bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý. Đối với những vùng không đảm bảo nguồn nước tưới cho suốt vụ phải khuyến cáo nhân dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng lựa chọn những loại cây phù hợp với điều kiện của địa phương.

Bên cạnh đó, thường xuyên thông báo nhân dân biết tình hình hạn, mặn, để chủ động chuẩn bị các phương tiện bơm và tổ chức tốt việc bơm tưới phục vụ sản xuất trong mùa khô hạn. Tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng tiết kiệm nước và giữ vệ sinh nguồn nước, không xả rác và nước nhiễm bẩn vào nguồn cung cấp nước, nhằm hạn chế tình trạng gây ô nhiễm nguồn nước trong mùa khô.

Đồng thời, tổ chức trục vớt lục bình, chướng ngại vật trên các tuyến kênh do địa phương quản lý. Chủ động sử dụng ngân sách địa phương thực hiện nạo vét các tuyến kênh cấp 2, cấp 3, để trữ nước, bơm chuyền cứu lúa. Bảo dưỡng, duy tu, sửa chữa công trình thủy lợi phục vụ công tác phòng chống hạn, mặn, đảm bảo sản xuất không để tình trạng kênh, mương bồi lắng gây thiếu nước tưới. Đối với những khu vực có cao trình mặt ruộng thấp, phải tổ chức tôn cao bờ bao để bảo vệ những vùng trũng khi hệ thống kênh làm nhiệm vụ tích trữ nước. Có chính sách biểu dương, khuyến khích những địa phương, tổ chức, cá nhân có những đề xuất, sáng kiến chống hạn, mặn hiệu quả.
 

H2
Cống Long Uông, thuộc dự án thủy lợi Gò Công làm nhiệm vụ ngăn mặn, giữ ngọt


Theo ông Nguyễn Thiện Pháp, vừa qua, tỉnh Tiền Giang đầu tư gần 25 tỷ đồng thi công nạo vét, mở rộng 92 tuyến kênh mương nội đồng có tổng chiều dài trên 135.000m và khối lượng đất đào đắp gần 1 triệu mét khối để nhằm bảo đảm nguồn nước tưới tiêu, chống hạn phục vụ gần 30.000 ha đất canh tác thuộc các huyện duyên hải Gò Công.

Về kế hoạch lâu dài, ông Pháp cho biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiến nghị các ngành, các cấp quan tâm đầu đầu tư tập trung vào 3 vùng dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đối với vùng ngọt hóa Gò Công: Kiến nghị giúp tỉnh về giải pháp và hỗ trợ kinh phí lập dự án dẫn nước ngọt từ sông Tiền qua kênh Chợ Gạo bổ cấp nguồn nước cho vùng ngọt hóa Gò Công; nâng mức hỗ trợ kinh phí hàng năm thực hiện dự án đê biển Gò Công là 216,8 tỷ đồng; thực hiện dự án hoàn thiện ngọt hóa Gò Công, ước tổng mức đầu tư 617 tỷ đồng.

Đối với vùng dự án Phú Thạnh – Phú Đông: Đắp đập hai đầu sông cửa Trung để tạo hồ có sức chứa khoảng 35 triệu mét khối nước ngọt phục vụ cho trên 9.488ha đất sản xuất và sinh hoạt của 46.422 người dân ở huyện Tân Phú Đông, kinh phí 895 tỷ đồng; thực hiện dự án các tuyến đê huyện Tân Phú Đông với tổng mức đầu tư là 1.682 tỷ đồng để ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ sản xuất và phòng chống nước dâng do bão theo chương trình nâng cấp đê biển các tỉnh phía Nam của Chính Phủ.

Đối với khu vực phía Tây: Thực hiện dự án ngăn mặn, giữ ngọt Thuộc Nhiêu – Mỹ Long, với quy mô dự án: xây dựng và cải tạo nâng cấp 140 cống để ngăn mặn, trữ ngọt cho mùa khô; chống lũ, triều cường vào mùa mưa; xây dựng, cải tạo và nâng cấp trên 3.700m đê bao vượt lũ, kết hợp trải đá mặt đê làm đường giao thôngvà các hạng mục khác với tổng nhu cầu vốn đầu tư khoảng 300 tỷ đồng.