Tiềm năng cất giữ CO2 ở các trũng trầm tích miền Bắc
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 00:00, 18/12/2017
Đây là kết quả của đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn, đề xuất giải pháp công nghệ cất giữ CO2 trong các hệ tầng, cấu trúc địa chất ở Miền Bắc Việt Nam”, do TS. Hồ Hữu Hiếu (Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản) làm chủ nhiệm. Đề tài thuộc Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2011 – 2015.
Vết lộ địa chất trầm tích gần chùa Bái Đính (Ninh Bình) |
Để có kết quả phân loại trên, TS. Hồ Hữu Hiếu đã nghiên cứu tiềm năng của các trũng trầm tích thông qua 17 tiêu chí gồm: Tân kiến tạo (hoạt động địa chấn); Kích thước trũng; Độ sâu trũng trầm tích; Môi trường trầm tích; Mật độ đứt gãy; Địa chất thủy văn; Điều kiện địa nhiệt; Tiềm năng hydrocarbon; Mức độ các hoạt động thăm dò và khai thác hydrocarbon; Tiềm năng than và khí than; Tầng chứa; Tầng chắn; Ghép cặp chứa/chắn; Vị trí trũng (trên đất liền/ ngoài khơi); Cơ sở hạ tầng; Nguồn CO2; Sự sẵn có số liệu nghiên cứu dưới sâu.
Từ đó, đề tài nghiên cứu chi tiết về đặc điểm địa tầng, cấu trúc - kiến tạo, đặc trưng của tầng chứa và tầng chắn, giới hạn độ sâu cất giữ trong từng trũng trầm tích nêu trên làm cơ sở khoanh định các diện tích triển vọng cất giữ CO2. Trong đó, Trũng Châu thổ Sông Hồng và Trũng An Châu được lựa chọn để đánh giá chi tiết và khoanh định. Từ các nghiên cứu này, TS. Hồ Hữu Hiếu đã xây dựng Sơ đồ phân vùng triển vọng tiềm năng cất giữ CO2 lãnh thổ miền Bắc Việt Nam tỷ lệ 1/500.000; Cơ sở dữ liệu địa chất chi tiết của các khu vực/cấu trúc địa chất triển vọng cất giữ CO2 trong 2 bồn trầm tích được chọn.
Ngoài ra, đề tài cũng lựa chọn mỏ khí Tiền Hải (Thái Bình) để xây dựng mô hình cấu trúc địa chất và hành vi của CO2 trong quá trình cất giữ CO2, bao gồm: mô hình đứt gãy, độ sâu tầng chứa khí, phân bố độ rỗng các tầng chứa, mô phỏng bơm ép CO2, đánh giá hiệu quả kinh tế cho việc cất giữa CO2. Từ đó, dựng mô hình 2D và 3D mô phỏng giải pháp công nghệ cất giữ CO2 cho 1 cấu trúc địa chất điển hình và đề xuất các giải pháp công nghệ cất giữ CO2 trong các thành tạo địa chất.
Đề tài cũng chỉ ra vấn đề cần lưu ý, đó là bản chất của CO2 có thể thay đổi khi cất giữ ở tầng sâu (thay đổi nhiệt độ, áp xuất) cũng như khả năng phản ứng của nó với thành phần của tầng chứa chưa thấy phân tích, đánh giá. Điều này có thể rất nguy hiểm vì khi tiến đến triển khai vấn đề này phải chắc chắn được sự vĩnh cửu trong an toàn kể cả xác định được nền địa chất ổn định mãi mãi.
V. Huyền