Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về khí hậu: Phát huy sức mạnh toàn xã hội
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 00:00, 07/09/2016
Từng bước giảm phát thải, thích ứng BĐKH
Tại Hội thảo tham vấn Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về khí hậu, Bộ TN&MT đã công bố bản dự thảo Kế hoạch gồm 2 giai đoạn triển khai. Từ năm 2016 – 2020, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động ứng phó với BĐKH đã được phê duyệt; đồng thời, chuẩn bị về mặt pháp lý, nguồn lực để đến năm 2020, sẵn sàng thực hiện các nghĩa vụ do Thỏa thuận Paris quy định. Giai đoạn 2020 – 2030, sẽ tập trung nguồn lực để hoàn thành các mục tiêu đã cam kết trong Đóng góp dự kiến quốc gia tự quyết định (INDC) và các nhiệm vụ mở mới theo yêu cầu của Thỏa thuận Paris.
Đáng chú ý, dự thảo Kế hoạch đã có sự kết nối cả hệ thống chính trị cùng tham gia vào các hành động ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh của quốc gia. Các Bộ, ngành, địa phương, UBND các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp, các cơ quan liên quan được phân chia thực hiện 80 nhiệm vụ và 104 hành động chính sách từ nay đến năm 2020 và 2030. Tùy theo chức năng, nhiệm vụ chuyên môn, các Bộ sẽ đảm nhận chủ trì những nhiệm vụ xây dựng và triển khai chính sách, xây dựng và triển khai các hoạt động giảm nhẹ, thích ứng trong lĩnh vực được giao. Trong đó, Bộ TN&MT được giao chủ trì giám sát, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ theo quy định quốc tế trong điều kiện hoàn cảnh Việt Nam; Bộ KH&ĐT tập trung điều chuyển nguồn tài chính công, tư cho phù hợp với tăng trưởng ít phát thải và chống chịu cao với BĐKH; Bộ Tài chính sẽ tập trung bố trí nguồn lực, thực hiện công khai, minh bạch trong huy động và bố trí nguồn lực, tạo điều kiện thu hút tài chính cho ứng phó BĐKH và thực hiện các đóng góp trong INDC của Việt Nam…
Phát huy sức mạnh toàn xã hội để từng bước giảm phát thải, thích ứng BĐKH. Ảnh: MH |
Các cơ quan theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao sẽ định kỳ báo cáo Văn phòng Ủy ban Quốc gia về BĐKH và Bộ TN&MT để tổng hợp, báo báo lên Chính phủ trước ngày 31/10 hằng năm.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh đến việc cần có sự kết nối và triển khai đồng bộ của tất cả các thành phần trong xã hội để có được kết quả cao nhất về ứng phó BĐKH: “Để thực hiện thành công Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu tại Việt Nam, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các Bộ, ngành Trung ương, các tổ chức chính trị, xã hội và nhất là sự tham gia của khu vực tư nhân, các doanh nghiệp và người dân sẽ là động lực lớn góp phần cho sự thành công của Kế hoạch. Đồng thời, Việt Nam mong muốn có sự hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ tài chính, tri thức và kinh nghiệm quản lý để thực hiện tốt trách nhiệm giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Tạo điều kiện thu hút các nguồn lực
Hiện, các chuyên gia trong và ngoài nước rất quan tâm đến những thay đổi trong các cơ chế, chính sách của Việt Nam về BĐKH, tăng trưởng xanh và những tác động tiềm tàng đối với toàn bộ nền kinh tế, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là khối tư nhân. Theo ông Mozaharul Alam, Điều phối viên BĐKH UNEP Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương: Lần đầu tiên trong lịch sử, Thỏa thuận Paris đã nhấn mạnh về vai trò của khối phi Nhà nước trong các nỗ lực giảm phát thải. Bản Kế hoạch của Việt Nam cần làm rõ hơn khả năng tài chính của Chính phủ có thể chi được bao nhiêu. Đồng thời, phải có và lộ trình chính sách thu hút sự tham gia của toàn xã hội, đặc biệt các tổ chức dân sự xã hội, các tổ chức phi Chính phủ và khối doanh nghiệp bù đắp những khoảng trống còn lại theo tinh thần của Thỏa thuận Paris.
Theo ông Haoliang Xu, Giám đốc Khu vực châu Á Thái Bình Dương của UNDP, năng lượng là lĩnh vực chủ chốt đối với Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu giảm thiểu theo INDC. Việt Nam cần làm rõ lợi ích mà khối doanh nghiệp trong và ngoài nước nhận được khi tham gia Kế hoạch; việc tạo điều kiện cho các dự án đầu tư của doanh nghiệp sẽ bổ sung cho các khoản chi của Chính phủ và đẩy mạnh đầu tư xanh. Khu vực tư nhân cũng có thể góp phần giảm chi phí cho nghiên cứu và phát triển thông qua việc ứng dụng công nghệ tiên tiến đã được thích nghi với điều kiện riêng của Việt Nam.
Đại diện các đối tác quốc tế cũng khẳng định việc sẽ hỗ trợ Việt Nam về tài chính, kinh nghiệm quản lý, nâng cao năng lực và khoa học công nghệ để thực hiện INDC. Họ cũng đề xuất cần có lộ trình giảm phát thải rõ ràng, cụ thể hơn trong từng lĩnh vực để làm cơ sở cho những dự án dài hơi.
Theo ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT), Tổ trưởng Tổ công tác xây dựng Kế hoạch, phát triển nguồn lực con người, công nghệ, tài chính cũng là một trong những trụ cột của Thỏa thuận Paris. Kế hoạch xây dựng 14 nhiệm vụ liên quan đến nội dung này được triển khai, trong đó, có nhiệm vụ bắt buộc là xây dựng văn bản hướng dẫn về tài chính và đầu tư cho BĐKH. Ngoài ra, ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ về nâng cao năng lực, đánh giá nhu cầu công nghệ ứng phó BĐKH phù hợp với điều kiện của Việt Nam; rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích chuyển giao công nghệ về BĐKH… Các nhiệm vụ về giám sát, công khai, minh bạch cũng sẽ được chú trọng để đánh giá chính xác hiệu quả việc thực hiện các nhiệm vụ, tạo tâm lý yên tâm cho các nhà đầu tư.
Khánh Ly