Áp thấp "sinh đôi" - hiện tượng thời tiết dị thường
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 00:00, 18/08/2016
(TN&MT) - Chỉ sau một ngày xuất hiện áp thấp nhiệt đới ở Bắc Biển Đông, trưa 16/8, ở Vịnh Bắc Bộ tiếp tục hình thành một vùng áp thấp "sinh đôi" tương tự. Theo...
(TN&MT) - Chỉ sau một ngày xuất hiện áp thấp nhiệt đới ở Bắc Biển Đông, trưa 16/8, ở Vịnh Bắc Bộ tiếp tục hình thành một vùng áp thấp “sinh đôi” tương tự. Theo đánh giá của các chuyên gia dự báo khí tượng, hiện tượng này rất hiếm thấy trên biển Đông.
Xuất hiện áp thấp “sinh đôi”. Ảnh: MH |
Xuất hiện áp thấp “sinh đôi”
Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương đánh giá: “Bão sinh đôi, sinh ba trên biển Đông là hiện tượng hiếm khi xảy ra, còn áp thấp sinh đôi, một hình thành ngoài biển Đông, một hình thành trong vịnh Bắc Bộ là chuyện vô cùng hiếm thấy”.
Cụ thể, về hiện tượng này, ông Cường cho biết, đầu giờ chiều ngày 16/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới vừa hình thành trên vịnh Bắc Bộ, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40 - 50km/h), giật cấp 7 - 9. Trong 12 giờ, áp thấp nhiệt đới trên vịnh Bắc Bộ hầu như ít dịch chuyển. Trong khi “người anh sinh đôi” của nó đang ở trên vùng bắc Biển Đông, gần Hồng Kông (Trung Quốc), sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 9 - 10.
Ông Cường cũng nhận định: “Sự xuất hiện của cơn áp thấp trên vịnh Bắc Bộ khiến cho tình hình trở nên phức tạp, khó lường và khó dự đoán hơn. Để nắm được diễn biến của nó ra sao, hiện nay, chúng tôi đang thu thập thông tin, phân tích các thông số của “cặp song sinh” này để sớm đưa ra các kịch bản có thể xảy ra”.
Thế giới đã từng có bão “song sinh”
Ông Cường cho biết, trên thế giới, đã từng chứng kiến những cơn bão song sinh kỳ dị, thậm chí là bão sinh ba. Có thể nói, đây là hiện tượng rất dị thường của thời tiết. ông Cường đưa ra ví dụ, năm 2013, thế giới đã chứng kiến sự xuất hiện của 3 cơn bão kỳ lạ nằm thẳng hàng nhau, nhóm bão thẳng hàng, đều nhau có tên gọi lần lượt là Phailin, Nari và Wipha. Cả 3 cơn bão này đều thẳng hàng và có độ xoáy đều nhau. Bão Phailin sau đó đã tàn phá Ấn Độ với 14 người chết, còn cơn bão Nari đã ập vào Philippines khiến 13 người thiệt mạng.
Sau đó, tháng 8/2015, trên biển Thái Bình Dương đã từng xuất hiện cặp siêu bão có cường độ tương đương nhau, sức gió mạnh cấp 15, giật trên cấp 17, cặp song sinh này có tên Goni và Atsani.
Cơn bão Goni ở gần lục địa Châu Á, có sức gió lên tới 185km/h, mạnh nhất ở vùng gần tâm bão cấp 15, giật trên cấp 17, xuất hiện ở vùng biển ngoài khơi Philippines và hướng về biển Đông, gây ra mưa lớn trong khu vực. Xa hơn về phía Đông, là cơn bão Atsani có sức gió lên tới 225km/h, hướng về phía Nhật Bản.
Với sức gió tối đa 170km/h và giật tới 205km/h, bão Goni đổ bộ vào phía bắc Philippines ngày 22/8/2015 gây mưa lớn, lở đất, lũ quét, ngập úng ở các khu vực trũng, thấp, có 5.000 người phải sơ tán và 10 người thiệt mạng dù đã được cảnh báo từ rất lâu trước đó. Sau đó cơn bão này tiếp tục càn quét Nhật Bản, Hàn Quốc gây ra nhiều thiệt hại về tài sản.
Thu Hà