Lưu vực sông Quảng Bình - Quảng Trị: Xây dựng công nghệ cảnh báo lũ lụt

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 00:00, 14/07/2016

(TN&MT) - Để giúp người dân vùng hạ lưu các lưu vực sông Gianh, sông Kiến Giang, sông Bến Hải, sông Thạch Hãn, chủ động sơ tán và chạy lũ, Trung tâm Khí tượng Thủy văn (KTTV) Quốc gia đã thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học xây dựng công nghệ dự báo lũ và cảnh báo ngập lụt, đảm bảo cảnh báo lũ trước 24 - 48 giờ, dự báo quá trình lũ và cảnh báo ngập lụt trước 12 - 24 giờ.
Người dân di chuyển qua vùng ngập lụt tại Quảng Bình. Ảnh: MH
Người dân di chuyển qua vùng ngập lụt tại Quảng Bình. Ảnh: MH

Quảng Bình, Quảng Trị là 2 tỉnh thuộc khu vực Trung Trung Bộ, Quảng Bình có 2 lưu vực sông chính là sông Gianh, sông Kiến Giang, Quảng Trị có 2 lưu vực sông chính là sông Thạch Hãn và sông Bến Hải. Các lưu vực sông này đều giống nhau là sự phân hóa giữa đồng bằng và miền núi trên các lưu vực sông rất rõ rệt, hầu như không có phần trung du và địa hình chuyển tiếp, các dãy núi từ dải Trường Sơn chạy ra sát biển tiếp nối với các khu vực trũng ven biển, do vậy, khi xảy ra mưa lớn, thường gây ngập lụt cho vùng đồng bằng hạ lưu sông. Bên cạnh đó, vùng ven biển lại có cồn cát cao chạy song song với bờ biển làm hạn chế đáng kể khả năng thoát lũ khiến cho vấn đề ngập lụt càng trở nên trầm trọng hơn. Trên các lưu vực sông thuộc khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Trị, đã xuất hiện những trận lũ lụt lớn, mực nước đỉnh lũ dâng cao, thời gian duy trì lũ kéo dài như năm: 1998, 1999, 2007, 2009, 2010… gây thiệt hại lớn về tính mạng và tài sản của nhân dân.

Trước thực trạng đó, Đề tài "Nghiên cứu xây dựng công nghệ cảnh báo, dự báo lũ và cảnh báo ngập lụt cho các sông chính ở Quảng Bình, Quảng Trị" được cho phép thực hiện với mục tiêu xây dựng công nghệ cảnh báo, dự báo lũ và cảnh báo ngập lụt vùng hạ lưu sông cho các lưu vực sông Gianh, sông Kiến Giang, sông Bến Hải, sông Thạch Hãn, cảnh báo lũ trước 24 - 48 giờ, dự báo quá trình lũ và cảnh báo ngập lụt trước 12 - 24 giờ.

Sau 2 năm nghiên cứu, đề tài đã hoàn thành được việc Xây dựng được bộ CSDL KTTV, bản đồ ngập lụt, các tài liệu điều tra khảo sát vết lũ, hồ sơ các trận lũ lớn, bản đồ phân bố mưa... cho các lưu vực sông Gianh, Kiến Giang, Bến Hải, Thạch Hãn.

Các nhà khoa học cũng xác định được các ngưỡng giám sát mưa, lũ trên các lưu vực sông theo các tiêu chí: Tổng lượng mưa theo các thời đoạn; cấp báo động lũ, cường suất lũ. Đồng thời, phân loại hình thế thời tiết và xây dựng được các mẫu phân bố mưa ứng với các loại hiện tượng thời tiết (HTTT) gây mưa lũ trên các lưu vực sông. Xây dựng được phương án cảnh báo lũ lớn và ngập lụt từ HTTT gây mưa, cho phép cảnh báo lũ lớn cho hệ thống sông với thời gian trước 24 - 48 giờ.

Bên cạnh đó, đã xây dựng được các mẫu phân bố mưa theo không gian và thời gian làm đầu vào cho mô hình dự báo lũ. Ứng dụng được các kết quả dự báo mưa từ hệ thống dự báo thời tiết tổ hợp hạn ngắn của Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương gồm 2 mô hình WRFARW, WRFNMM chạy với đầu vào là các trường phân tích và  dự báo của 5 mô hình toàn cầu (GEM, GFS, GME, GSM, NOGAPS), trong đó, đã đánh giá chất lượng các kết quả dự báo mưa của các mô hình số trị, đưa ra các khuyến cáo khi sử dụng và đưa ra phương án hiệu chỉnh mưa dự báo số cho phù hợp với tình hình thực tế làm đầu vào cho mô hình dự báo; ứng dụng được kết quả dự tính mực nước triều làm đầu vào cho mô hình thủy lực.

Đề tài đã xây dựng phần mềm kết nối tất cả các chương trình, mô hình, các số liệu dự báo số trị, mưa synop cho mô hình; bán tự động cập nhật đầu vào cho các mô hình dự báo; hiệu chỉnh dự báo mưa; giao diện vận hành mô hình và kết xuất kết quả dự báo dưới dạng text, bản tin thành công nghệ cảnh báo, dự báo lũ và cảnh báo ngập lụt cho 4 hệ thống sông: Gianh, Kiến Giang, Bến Hải, Thạch Hãn.

Công nghệ cảnh báo, dự báo lũ và cảnh báo ngập lụt cho các sông chính ở Quảng Bình, Quảng Trị đã được thử nghiệm như trong điều kiện tác nghiệp từ ngày 1/8 đến ngày 30/11/2013. Kết quả thử nghiệm cho thấy, mô hình đáp ứng được các yêu cầu nghiệp vụ như: giám sát, cảnh báo, dự báo lũ, cảnh báo ngập lụt hỗ trợ các dự báo viên ở Trung ương cũng như địa phương trong công tác tác nghiệp dự báo lũ;  có khả năng cảnh báo lũ trước 24 - 48 giờ, dự báo quá trình lũ và cảnh báo ngập lụt trước 12 - 24 giờ, rút ngắn thời gian tác nghiệp, đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng, yêu cầu nghiệp vụ ở Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương và Đài KTTV khu vực Trung Trung Bộ.

Tuy vậy, để công tác dự báo, cảnh báo, đạt độ chính xác cao, các nhà khoa học cũng khuyến nghị cần tăng cường số lượng trạm đo mưa, đặc biệt là trên các lưu vực miền núi, nơi đầu nguồn sinh lũ như đầu nguồn sông Rào Nậy, sông Rào Trổ, sông Rào Quán, sông Đắkrông. Đồng thời, nâng cấp các trạm đo mực nước vùng thượng lưu sông (trạm Đồng Tâm – sông Gianh, trạm Kiến Giang – sông Kiến Giang, trạm Đắkrông – sông Đắkrông, trạm Đầu Mầu – sông Hiếu, trạm Tân Lâm – sông Rào Trổ) lên trạm đo lưu lượng. Trong dự báo tác nghiệp cần  tập trung nghiên cứu về phương pháp tiền xử lý mưa dự báo trong tác nghiệp để nâng cao chất lượng dự báo và các bộ thông số mô hình cần tiếp tục được hiệu chỉnh, đảm bảo độ ổn định trong mọi trường hợp xảy ra lũ.

Minh Thư