Kỳ vọng miền đất khát
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 00:00, 07/06/2016
“Đánh thức” những vùng đất hoang hóa
Một trong những xã đầu tiên được lựa chọn lắp đặt mô hình tưới tiết kiệm là An Hải (huyện Ninh Phước). Điều kiện tự nhiên nơi đây khắc nghiệt, ít mưa như phần lớn các khu vực khác trong tỉnh Ninh Thuận. Trong tổng diện tích 1.183 ha đất nông nghiệp, có tới 50% diện tích tại các thôn Tuấn Tú, Nam Cương, Hòa Thạnh là đất cát bạc màu, chỉ nhờ vào mạch nước ngầm và nước trời để sản xuất. Tình trạng mùa khô trong năm kéo dài tới 9 tháng (từ tháng 12 đến hết tháng 8 năm sau), khiến bà con rất khó chủ động nguồn nước canh tác.
Một vùng rau xanh mát trong mùa hạn ở xã Tân Hải. Ảnh: HM |
Thời gian đầu triển khai Dự án, Tổ chức Phát triển quốc tế IDE (Tổ chức tài trợ Dự án) đã hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ 50% chi phí lắp đặt mô hình thí điểm tưới nước tiết kiệm cho 9 hộ trong xã, 2 phương thức tưới chủ yếu là phun mưa và nhỏ giọt. Khi bơm hút nước tưới, chỉ cần một người theo dõi và điều chỉnh lượng nước tưới nhỏ giọt tận gốc cây hoặc tưới phun mưa trong 1 giờ là đủ nước cho cả ngày, giúp nông dân giảm công sức rất nhiều so với trước đây.
Dự án hướng tới đối tượng có thu nhập thấp nên chú trọng vào kỹ thuật đơn giản và vốn đầu tư ít. Số tiền lắp đặt hệ thống tưới phun, nhỏ giọt chỉ từ 1 - 3,5 triệu đồng/sào (1.000 m2), phù hợp với những hộ gia đình có quy mô sản xuất vừa và nhỏ, ít vốn nên đã hấp dẫn nông dân trong việc cải tạo những vùng đất khô cằn, bỏ hoang để sản xuất. Mô hình phù hợp tưới trên tất cả các loại cây từ rau màu ngắn ngày như: hành đỏ, hành tây, cà rốt, cà chua, củ cải… đến các loại cây ăn trái như táo, thanh long, nho… Qua đánh giá của Ban Quản lý dự án, mỗi vụ sản xuất, mô hình đã giúp cho bà con ở xã An Hải tiết kiệm từ 4,5 - 5 triệu đồng từ công làm đất, tưới nước, bơm thuốc, bón phân, lượng thuốc bảo vệ thực vật… Năng suất cây trồng tăng từ 20 - 40%, cá biệt có hộ tăng 50 - 70%, giúp người dân tăng thu nhập so với phương thức canh tác truyền thống.
Theo Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận, ban đầu, Hội ký kết triển khai Dự án từ tháng 7/2011 - 12/2013. Sau 2 năm triển khai, đã có 704 hộ lắp đặt sử dụng các hệ thống tưới nước tiết kiệm (gồm mô hình tưới phun mưa, nhỏ giọt và phun tia), trong đó, hỗ trợ hoàn toàn cho 21 hộ cận nghèo và 153 hộ nghèo. Tổng diện tích đất sản xuất có lắp đặt thiết bị là 145, trong đó, có 45 ha là mở rộng từ đất hoang hóa. Với những kết quả đạt được, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục đề nghị và được Tổ chức iDE tại Việt Nam tài trợ kinh phí để thực hiện từ tháng 11/2014 - 11/2015. Nhiều nông dân nhận thấy hiệu quả của mô hình cũng tự đầu tư kinh phí lắp đặt mô hình, hỗ trợ đắc lực cho việc chống chọi qua cơn đại hạn lịch sử tại Ninh Thuận, kéo dài suốt từ cuối năm 2014 đến nay.
Giữ màu xanh vùng khô hạn
Vừa qua, Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận phối hợp với Tổ chức iDE tại Việt Nam đã tổng kết Dự án. Kết quả triển khai từ tháng 7/2011 - 11/2015 cho thấy, có trên 2.300 hộ tham gia lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, với tổng diện tích gần 600 ha trên địa bàn 50 xã, phường, thị trấn (bao gồm một số hộ tự lắp đặt không nhận tài trợ của dự án). Tổng kinh phí thực hiện ước tính khoảng 2,1 tỷ đồng. Trong đó, dự án hỗ trợ 1,432 tỷ đồng, còn lại là đối ứng của nhân dân.
Công nghệ tưới nước tiết kiệm đã và đang là giải pháp giúp nông dân ở Ninh Thuận vươn lên thoát nghèo, đồng thời, khai hoang phục hóa hàng trăm ha đất và sản xuất có hiệu quả. Ngoài ra, dự án còn góp phần quan trọng bảo vệ tài nguyên nước, môi trường, rất phù hợp đặc điểm tự nhiên của tỉnh Ninh Thuận. Mô hình cũng góp phần ổn định sản xuất cho người nông dân trong thời kỳ khô hạn khắc nghiệt, là cơ sở để tỉnh Ninh Thuân triển khai quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn đến năm 2020.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam, nguồn kinh phí tài trợ của Tổ chức iDE Việt Nam không lớn, nhưng hiệu quả về giá trị kinh tế cao, tiết kiệm được nguồn nước trong điều kiện khí hậu nắng hạn. Mô hình đặc biệt đã phát huy hiệu quả khi nhân dân trên địa bàn tỉnh đang phải chống chịu với hạn hán nghiêm trọng nhất trong 10 năm qua.
Dự án đã kết thúc, nhưng mô hình tưới nước tiết kiệm cho nông dân nghèo vẫn được tuyên truyền và nhân rộng ra nhiều vùng hạn khác ở Nam Trung Bộ. Hiện, chính quyền các địa phương của Ninh Thuận đang tiếp tục vận động, khuyến khích nông dân mở rộng đầu tư mô hình này để tiết kiệm được nguồn nước trong mùa hạn và lợi được chi phí trong sản xuất.
K. Ly