Sử dụng hiệu quả kịch bản BĐKH và nước biển dâng

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 00:00, 02/06/2016

(TN&MT) - Kịch bản Biến đổi khí hậu và nước biển dâng (BĐKH&NBD) cho Việt Nam phiên bản năm 2016 đã được Hội đồng thẩm định gồm các nhà khoa học đầu ngành thông qua và chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ. Vấn đề các nhà quản lý quan tâm hiện nay là làm thế nào để ứng dụng bản đồ này vào thực tiễn từng ngành, lĩnh vực và địa phương cụ thể.

Kịch bản chi tiết đến từng xã

Một trong những điểm mới của Kịch bản BĐKH&NBD cho Việt Nam phiên bản năm 2016 là cung cấp bản đồ nguy cơ ngập do nước biển dâng cho khu vực đồng bằng, ven biển, các đảo và quần đảo của Việt Nam. Theo bảng thống kê nguy cơ ngập, ứng với mực nước biển dâng 1m, Ðồng bằng sông Hồng có nguy cơ ngập khoảng 16,8% diện tích (khoảng 1,5 triệu ha), Ðồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) ngập trên diện rộng với khoảng 38,9% diện tích (khoảng 4 triệu ha). Riêng Kiên Giang là tỉnh ven biển có nguy cơ ngập cao nhất cả nước (khoảng 77% diện tích). Khu vực các tỉnh ven biển miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận có nguy cơ bị ngập ít hơn, khoảng 1,47% tổng diện tích và tập trung ở Thừa Thiên - Huế. Bên cạnh đó, cụm đảo Vân Đồn, cụm đảo Côn Đảo và Phúc Quốc thuộc nhóm các đảo có nguy cơ ngập cao nhất… Mức độ chi tiết của bản đồ nguy cơ ngập phụ thuộc vào tỷ lệ bản đồ địa hình, và hiện đã có bản đồ nguy cơ ngập đến cấp xã.

Theo Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu - đơn vị chủ trì xây dựng Kịch bản, Viện đang hoàn thiện bản đồ nguy cơ ngập cấp xã đối với 28 tỉnh ven biển, 6 tỉnh ĐBSCL không ven biển và 10 đảo lớn, nhằm phục vụ công tác ứng phó cấp bách với ảnh hưởng của BĐKH và nước biển dâng. Để làm được điều này, bản đồ địa hình của các địa phương phải tỷ lệ chi tiết tới 1:2000. Sau khi hoàn thành, các địa phương có thể truy cập khu vực của mình trên màn hình máy tính, phóng to bản đồ đến từng phường xã và biết được các thông tin như diện tích đất có nguy cơ ngập, diện tích đất nông nghiệp, đất ở bị ảnh hưởng… So với kịch bản 2012, các địa phương có thể nâng cao hiệu quả đánh giác tác động do mực nước biển dâng cao, đặc biệt là cấp cơ sở.

Bản đồi ngập lụt tại tỉnh Quảng Ninh năm 2015. Ảnh: MH
Bản đồi ngập lụt tại tỉnh Quảng Ninh năm 2015. Ảnh: MH

Giáo sư Trần Thục, Chủ nhiệm Nhóm biên soạn chính Kịch bản BĐKH&NBD cho Việt Nam phiên bản 2016 cho biết: Có ý kiến cho rằng, bản đồ nguy cơ ngập nên tính toán tới cơ sở hạ tầng ở địa phương như: đê bao, nhà máy, công trình ven biển… sẽ sát thực hơn. Nhưng theo Nhóm biên soạn, điều này, nằm ngoài khả năng của các nhà khoa học, bởi bản đồ nguy cơ ngập dùng để dự báo trong dài hạn, còn cơ sở hạ tầng lại thay đổi theo thời gian và kế hoạch của từng địa phương, không thể dự tính được để đưa vào kịch bản.

Theo Giáo sư Trần Thục, nội dung kịch bản vẫn bám sát mục đích chính là cung cấp cơ sở dữ liệu nền cho các Bộ, ngành và địa phương đánh giá tác động, mức độ dễ bị tổn thương và rủi ro do BĐKH, từ đó, xác định giải pháp ứng phó phù hợp.

Cung cấp thông tin nền cho địa phương

Góp ý với Nhóm biên soạn, ông Nguyễn Văn Tuệ, Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cho rằng: Đứng từ góc độ nhà quản lý sẽ quan tâm đến vấn đề Kịch bản phiên bản 2016 khác biệt như thế nào với phiên bản 2012, cũng như độ tin cậy của các kết quả tính toán khí hậu và nước biển dâng. Cần nhấn mạnh dữ liệu chính xác đến mức độ nào, chi tiết đến đâu. Kịch bản nên có phần trình bày rõ ràng hơn những điểm này để thuận tiện cho quá trình cập nhật thông tin thay cho kịch bản 2012.

Đồng tình với ý kiến này, PGS.TS Nguyễn Văn Thắng, Viện trưởng Viện Khoa học KTTV&BĐKH khẳng định: Sau khi các ngành, lĩnh vực, địa phương được chuyển giao Kịch bản phiên bản 2016, nếu có vướng mắc trong quá trình sử dụng, hoàn toàn có thể gửi yêu cầu, góp ý tới Viện để được giải đáp, tư vấn. Kịch bản BĐKH&NBD sẽ tiếp tục được cập nhật theo lộ trình của Ban liên Chính phủ về BĐKH, bổ sung những kiến nghị để hoàn thiện trong lần cập nhật sau.

Các chuyên gia khuyến nghị, việc sử dụng kịch bản BĐKH và nước biển dâng trong đánh giá tác động và xây dựng các giải pháp ứng phó cần được xem xét và lựa chọn phù hợp với các tiêu chí: Tính đặc thù (của từng ngành, lĩnh vực và địa phương…); tính đa mục tiêu, tính hiệu quả nhiều mặt (kinh tế, xã hội, môi trường); tính bền vững; tính khả thi, khả năng lồng ghép với các chiến lược, chính sách và kế hoạch phát triển.

Trước nhiều ý kiến đề xuất việc nên đưa ra những khuyến nghị cụ thể hơn cho các lĩnh vực, GS Trần Thục cho rằng: Kịch bản BĐKH&NBD không phải văn bản pháp quy Nhà nước, không thể khuyến nghị cụ thể mà chỉ cung cấp thông tin nền. Tùy theo điều kiện cụ thể mà các Bộ, ngành, địa phương hay tổ chức sẽ sử dụng để tính toán tác động của BĐKH.

Việc triển khai, xây dựng và thực hiện các giải pháp ứng phó với BĐKH cần phải xác định được mức độ ưu tiên tùy theo nhu cầu thực tiễn, nguồn lực theo giai đoạn, từ đó, lựa chọn kịch bản phù hợp. Ví dụ như Kịch bản RCP 4.5 có thể áp dụng với các tiêu chuẩn thiết kế cho công trình có thời hạn sử dụng khoảng vài chục năm, quy hoạch, kế hoạch ngắn hạn, trong khi, Kịch bản RCP 8.5 cần được áp dụng cho các công trình mang tính vĩ mô tới hàng trăm năm, các quy hoạch, kế hoạch dài hạn. Chọn kịch bản nào là tùy theo mục đích của người sử dụng chứ các nhà xây dựng kịch bản không thể áp đặt.

Nhóm biên soạn khẳng định, đầu vào thông tin dùng để xây dựng kịch bản đều có độ chính xác cao và đáng tin cậy. Tuy vậy, Kịch bản luôn tồn tại những điểm chưa chắc chắn do phụ thuộc vào các kịch bản phát thải khí nhà kính, hiểu biết hạn chế về hệ thống khí tượng toàn cầu, phương pháp xây dựng kịch bản… “Người sử dụng cần xem xét và phân tích cẩn thận mọi khả năng xảy ra của khí hậu tương lai, nên tham vấn ý kiến chuyên gia để xác định các giá trị và khoảng biến đổi phù hợp nhât, sử dụng trong quá trình lập kế hoạch”, Giáo sư nhấn mạnh.

Khánh Ly