Đối mặt với "nóng hơn, khô hơn, mưa lũ nhiều hơn"
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 00:00, 23/03/2016
Sáng 23 tháng 3 năm 2016, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Lễ kỷ niệm ngày khí tượng thế giới 2016. Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển tới dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm .
Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên và môi trường sống của con người. Năm 2015, Chính phủ các quốc gia đã thông qua Hiệp định Paris về Khí hậu tại COP21 nhằm “khống chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu thấp hơn đáng kể 2oC so với thời kỳ tiền công nghiệp; nỗ lực hạn chế mức tăng nhiệt độ không vượt quá 1,5oC”.
Phát thải khí nhà kính ngày một tăng lên, nhiệt độ bề mặt trái đất và đại dương cũng đang tăng dần trên phạm vi toàn cầu. Do những hoạt động phát thải trong quá khứ và hiện tại, chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng đối mặt với xu thế gia tăng nắng nóng trong tương lai (ngày nóng, đêm ấm, sóng nhiệt). Cần phải xây dựng kế hoạch quản lý tổng hợp để chủ động đối phó với tình trạng hạn hán, cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách những hướng dẫn về những chính sách và kế hoạch quản lý đất đai hiệu quả và tăng cường khả năng tiếp cận với kiến thức khoa học và chia sẻ các kinh nghiệm ứng phó với hạn hán. Bên cạnh đó chúng ta cần bảo vệ cuộc sống và tài sản của người dân trước nguy cơ mưa lớn và lũ lụt thông qua việc dự báo các tác động, hậu quả khi hiện tượng xảy ra.
Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển phát biểu tại Lễ kỷ niệm
Ngay trong những tháng đầu năm 2016, hàng loạt vấn đề liên quan đến thời tiết khí hậu như băng tuyết xuất hiện ở các tỉnh phía Bắc và kéo xuống các tỉnh miền Trung; hạn hán, ngập mặn và biển xâm thực khoét sâu vào đất liền ở các tỉnh phía Nam... Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương xu thế diễn biến của thiên tai khí tượng thủy văn càng ngày càng khốc liệt hơn, diễn biến phức tạp khó lường hơn, khí hậu ngày càng nóng hơn, khô hơn, mưa bão lũ nhiều hơn.
Năm 2016, Tổ chức Khí tượng thế giới chọn chủ đề cho Ngày Khí tượng thế giới là:“Đối mặt với tương lai: Nóng hơn, khô hơn, mưa lũ nhiều hơn”. Đây là thông điệp, mục tiêu định hướng quan trọng cho toàn thế giới với những hoạt động thiết thực nhằm kỷ niệm 65 năm ngày thành lập WMO – đánh dấu mốc lịch sử quan trọng trong quá trình phát triển ngành Khí tượng Thủy văn thế giới nói chung và ngành Khí tượng Thủy văn Việt Nam nói riêng.
Có thể thấy vai trò của các Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia ngày càng quan trọng trong việc cung cấp số liệu hoa học, thành quả nghiên cứu và dịch vụ thiết thực mà xã hội cần để đối mặt với tương lai.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển đánh giá, ngành khí tượng thuỷ văn đã có những nỗ lực to lớn, từng bước nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo,quan trắc, thông tin dữ liệu phục vụ cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Năm 2015 Luật Khí tượng Thuỷ văn được Quốc Hội thông qua đã tạo ra khuôn khổ pháp lý cho hoạt động khí tượng thủy văn, là bước thay đổi quan trọng cho công tác quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn; bảo đảm điều kiện cho các hoạt động khí tượng thủy văn phát triển, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia.
Thứ trưởng cũng khẳng định, biến đổi khí hậu đã trở thành một trong những vấn đề an ninh phi truyền thống, đe dọa sự phát triển và tồn vong của toàn nhân loại. Giai đoạn 2011-2015 là giai đoạn nóng nhất theo các số liệu đã quan trắc được và năm 2015 – với tác động của hiện tượng El Nino – đã trở thành năm nóng nhất kể từ khi bắt đầu có quan trắc khí tượng thủy văn từ thế kỷ 19. Biến đổi khí hậu phá vỡ quy luật tự nhiên của các mùa, gia tăng tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan như: nắng nóng, hạn hán và mưa lũ. Các thay đổi đang hiện hữu này báo trước cho một tương lai mà nhân loại phải đối mặt: Nóng hơn, khô hơn, mưa lũ nhiều hơn.
Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm
Nhân ngày Khí tượng thế giới, Thứ trưởng đã đề nghị ngành Khí tượng Thuỷ văn tập trung triển khai xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là các văn bản hướng dẫn Luật khí tượng thủy văn, bao gồm các Nghị định, các Thông tư quy định thi hành Luật và các Thông tư quy định về kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật lĩnh vực khí tượng thủy văn; tiếp tục triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành Khí tượng Thủy văn đến năm 2020.
Đồng thời lồng ghép các nội dung liên quan tới khí tượng thuỷ văn vào Kế hoạch triển khai Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu như củng cố kiến thức khoa học về khí hậu; ngăn ngừa, giảm thiểu và giải quyết tổn thất, thiệt hại do các tác động xấu của biến đổi khí hậu; tăng cường hợp tác và hỗ trợ cho hệ thống dự báo, cảnh báo sớm thiên tai, thời tiết, sẵn sàng ứng phó khẩn cấp với thiên tai…
Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển cũng lưu ý cần chú trọng phát triển hơn nữa công tác dự báo, đặc biệt là dự báo khí hậu, dự báo và cảnh báo thiên tai, tổ chức các diễn đàn nhận định xu thế thời tiết thủy văn Việt Nam thường xuyên hơn. Cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan dự báo, các đơn vị chuyển tải thông tin dự báo và người sử dụng cuối cùng nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, biến đổi khí hậu gây ra và ứng phó chủ động hơn đối với các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan.
Sau Lễ kỷ Ngày Khí tượng thế giới năm 2016, Hội nghị chuyển sang phần Hội thảo khoa học nhằm cung cấp, chia sẻ, trao đổi thông tin về: Diễn biến gia tăng của nắng nóng, khô hạn, mưa lũ ở Việt Nam dưới tác động của biến đổi khí hậu và khả năng giám sát, cảnh báo, dự báo; Luật Khí tượng Thủy văn; Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam cập nhật.
Phạm Thu Hà