Phát triển năng lượng điện gió để ứng phó với BĐKH

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 00:00, 23/02/2016

  (TN&MT) - Ngoài lợi ích về cung cấp bổ sung điện năng cho nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội, việc phát triển năng lượng điện gió còn góp phần giảm ô...

 

(TN&MT) - Ngoài lợi ích về cung cấp bổ sung điện năng cho nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội, việc phát triển năng lượng điện gió còn góp phần giảm ô nhiễm không khí, giúp cải thiện chất lượng môi trường trước thách thức của BĐKH.

Theo đánh giá của các nhà khoa học Viện KTTV&BĐKH, tại Việt Nam, tình trạng thiếu hụt điện vẫn đang diễn ra trong nhiều năm qua do nhu cầu năng lượng ngày một gia tăng cho phát triển kinh tế- xã hội. Nguồn điện năng chủ yếu của nước ta là thủy điện và nhiệt điện (than, khí và dầu). Nếu khai thác quá mức nguồn năng lượng này sẽ dẫn đến cạn kiệt nhiên liệu hóa thạch và gây ô nhiễm môi trường.

Vì vậy, việc sử dụng các nguồn năng lượng điện gió là một trong những hướng đi phù hợp cho Việt Nam trong tương lai. Trong đó, năng lượng gió được xem là một nguồn năng lượng tái tạo hiệu quả có thể bổ sung đáng kể nguồn năng lượng cho phát triển kinh tế- xã hội và góp phần giảm phát thải khí nhà kính. Đặc biệt, năng lượng gió không có chất phóng xạ hoặc gây ô nhiễm nguồn nước, không làm suy kiệt hay phá hoại nguồn tài nguyên thiên nhiên. Bên cạnh đó, năng lượng gió không phải thực hiện việc khai thác mỏ quặng, khoan và vận chuyển nhiên liệu nên nó sẽ không gây ra ô nhiễm môi trường trên diện rộng…

Nhà máy điện gió ở Bạc Liêu thân thiện với môi trường
Nhà máy điện gió ở Bạc Liêu thân thiện với môi trường

 

Công trình điện gió tại Bình Thuận
Công trình điện gió tại Bình Thuận

Bà Huỳnh Thị Lan Hương, Phó viện trưởng Viện Khoa học KTTV &BĐKH cho biết: với hơn 3.000km đường bờ biển và các đảo lớn nhỏ, tiềm năng năng lượng gió ở Việt Nam được đánh giá vào khoảng 513.360 MW, đủ tiềm năng gió để phát triển các dự án điện gió với quy mô lớn. Thực tế, tính tới thời điểm hiện nay, Việt Nam đang thực hiện được 4 dự án điện gió, trong đó mới có 3 dự án điện gió hoàn thành đầu tư giai đoạn một và đi vào hoạt động là dự án điện gió ở huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận với công suất 30MW, bao gồm 20 tuốcbin 1,5MW; dự án ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long thuộc tỉnh Bạc Liêu có công suất 99 MW gồm 62 tuabin gió x 1.6 MW; dự án điện gió lai tạo với máy phát điện diesel tại huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận có công suất là 9 MW gồm 3 tuabin gió x 2 MW và 6 máy phát diesel x 0,5 MW (dự án tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang xây dựng).

Theo tính toán, với mức độ phát triển điện gió như hiện nay thì đến năm 2020, điện gió có thể góp phần làm giảm được khoảng 1,5 triệu tấn CO2 vào năm 2020 và mức giảm tích lũy từ 2010 đến năm 2020 là hơn 5,2 triệu tấn. Đến năm 2030, lượng phát thải sẽ giảm gấp đôi với khoảng 10,1 triệu tấn và mức giảm tích lũy có thể đạt đến 66,6 triệu tấn từ năm 2020 đến năm 2030.

Tin & ảnh: Linh Nga