Triển khai đồng bộ chiến lược quốc gia phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng BĐKH
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 00:00, 30/10/2015
Theo đánh giá của Đài khí tượng thủy văn tỉnh, chế độ khí hậu, dòng chảy sông ngòi của khu vực Thanh Hóa đang chịu tác động chung của BĐKH. Trong những năm gần đây, mùa bão, lũ thường bắt đầu muộn và kết thúc sớm, hướng di chuyển của các cơn bão bất thường, số lượng các xoáy thuận nhiệt đới không thể hiện thành xu thế.
Những diễn biến bất thường của BĐKH đã gây nên nhiều hệ lụy. Năm 2013, do thời tiết bất thường nên rầy nâu, rầy lưng trắng phát sinh gây hại gần 5.000 ha lúa. Trong vụ đông, cơn bão số 7, số 8 gây mưa lớn đã cuốn trôi đi hàng trăm ha cây trồng vừa được bà con nông dân gieo vãi.
Năm 2014, đợt rét đậm, rét hại kéo dài đúng vào thời điểm bà con nông dân xuống đồng gieo cấy đã làm hơn 600 ha lúa bị chết cục bộ. Trong tháng 4, tháng 5 thời tiết âm u, mưa phùn kéo dài, sau đó lại nắng nóng và mưa giông làm gãy đổ hơn 6.000 ha ngô và các loại cây trồng, nhiều loại sâu bệnh bùng phát ở mật độ cao.
Năm 2015, hiện tượng El Nino tiếp diễn với cường độ mạnh hơn so với các năm trước, lượng dòng chảy trên các sông giảm dần, mực nước trung bình trên các sông chính thiếu hụt so với trung bình hàng năm. Điều này đồng nghĩa với việc xâm nhập mặn sẽ diễn ra gay gắt hơn. Trong vụ chiêm-xuân năm nay, vùng ven biển có tới 7.200 đến 9.000 ha lúa bị hạn do ảnh hưởng của xâm nhập mặn.
Tăng trưởng xanh là một nội dung gắn kết của chương trình phát triển KT-XH của Thanh Hóa trong tương lai
Trước tình hình đó, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai thực hiện đồng bộ các nội dung của chiến lược quốc gia phòng chống và giảm nhẹ thiên tai; lồng ghép hoạt động phòng chống thiên tai, thích ứng BĐKH vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong đó việc chủ động ứng phó với BĐKH thực hiện theo phương thức quản lý tổng hợp, thống nhất, liên ngành, liên vùng, vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa bảo đảm lợi ích lâu dài, trong đó lợi ích lâu dài là cơ bản; vừa bảo đảm toàn diện, vừa phải có trọng tâm, trọng điểm; có bước đi phù hợp trong từng giai đoạn.
Cùng với đó, UBND tỉnh đã ban hành quyết định thành lập ban chỉ đạo xây dựng kế hoạch hành động Chiến lược tăng trưởng xanh tỉnh Thanh Hóa và đề cương kế hoạch hành động, trong đó ban hành 3 giải pháp chính để thích ứng và đối phó với BĐKH: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về đối phó với BĐKH, giải pháp về thể chế chính sách, giải pháp về phát triển cơ sở hạ tầng.
Giải pháp của tỉnh Thanh Hóa từ nay đến năm 2020 là thực hiện có hiệu quả nội dung chương trình mục tiêu quốc gia về BĐKH và các chương trình, dự án có liên quan. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, hình thành ý thức chủ động ứng phó BĐKH đến các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân.
Tại hội nghị xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được UBND tỉnh phối hợp với Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam tổ chức đầu năm 2015, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo xây dựng kế hoạch hành động tăng trưởng xanh tỉnh Thanh Hóa, khẳng định: Tăng trưởng xanh là một nội dung gắn kết của chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong tương lai nhằm ứng phó với BĐKH. Cụ thể, tỉnh Thanh Hóa đang xây dựng Đề án tái cơ cấu kinh tế tỉnh Thanh Hóa gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Trên cơ sở đó, tỉnh Thanh Hóa sẽ sớm ban hành danh mục các lĩnh vực, dự án đầu tư theo hướng ưu tiên các công trình, dự án có ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, có khả năng tái tạo năng lượng, giảm phát thải nhà kính.
Phạm Lê