Hỗ trợ 5 tỉnh ĐBSCL ứng phó với BĐKH
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 00:00, 07/09/2015
Vừa qua, tại An Giang, Tổ chức GIZ phối hợp với Bộ NN-PTNT, 5 tỉnh ĐBSCL tổ chức sơ kết chương trình "Bảo vệ tổng hợp vùng ven biển và rừng ngập mặn ĐBSCL nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu" (ICMP) giai đoạn 1 và họp Ban điều hành để triển khai thực hiện giai đoạn 2.
Trồng rừng ngập mặn |
Theo đại diện chương trình GIZ, trong giai đoạn 1 (2011 - 2014) Chương trình đã xây dựng các giải pháp kỹ thuật giúp đường bờ dịch chuyển thêm 108 m ra phía biển, dành lại đất bồi phục vụ cho rừng ngập mặn; hình thành 10 ha bãi bồi ven biển; 99% đê biển của Sóc Trăng và Bạc Liêu không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sóng biển; 603 ha rừng ngập mặn được phục hồi; 22 mô hình sinh kế phục vụ 8.500 hộ gia đình làm giảm áp lực môi trường và tăng thu nhập lên đến 60% như: Phục tráng 67 ha giống lúa mùa nổi tại An Giang, nghiên cứu và nhân giống 32 tấn lúa chịu mặn tại Bạc Liêu, nuôi tôm sinh thái…
Giai đoạn 2 được triển khai từ năm 2015 - 2018 với mục tiêu là nâng cao năng lực thể chế, tài chính và lập kế hoạch để thúc đẩy phát triển vùng ĐBSCL có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu cho các lĩnh vực: Tái sinh rừng ngập mặn, bảo vệ rừng ven biển, gây dựng các cơ hội tạo cơ hội thông qua thực hiện canh tác. Dự án sẻ được thực hiện tại 5 tỉnh gồm: An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng dự kiến kết thúc vào tháng 8/2017.
Hoạt động của giai đoạn này là tiếp tục hỗ trợ xây dựng và thí điểm chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, đồng quản lý rừng; xây dựng hệ thống thông tin ngành thủy sản, quy chế quản lý vùng Tứ giác Long Xuyên, nhân rộng các mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững. Hỗ trợ lồng ghép vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu vào chiến lược phát triển kinh tế xã hội của vùng.
PV