Kỳ tích trên sông Cái Lớn…

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 00:00, 23/02/2015

(TN&MT) Vào xuân Ất Mùi đầu nguồn sông Cái Lớn náo nức hướng tới sự kiện điều chỉnh địa giới hành chính huyện Long Mỹ để thành lập thị xã Long Mỹ...
   
(TN&MT) Vào xuân Ất Mùi - 2015, nơi đầu nguồn sông Cái Lớn náo nức hướng tới sự kiện điều chỉnh địa giới hành chính huyện Long Mỹ để thành lập thị xã Long Mỹ. Sự kiện này đánh dấu bước tiến lịch sử trong cuộc trường kỳ trị thủy, khai mở tài nguyên đất trên cánh đồng hoang vu rộng lớn nằm giữa vùng bờ Tây sông Hậu với vịnh Thái Lan...
   
Vùng hoang địa đã lùi xa vào quá khứ…
   
  Đứng trên cầu Phú Xuyên, nhìn bao quát ngã ba Trà Ban sông Cái Lớn trên bến, dưới thuyền tàu, ghe, người, xe tất bật, chợ, phố, công viên, trường học, bệnh viện, trụ sở, bờ kè… khang trang sầm uất, không ai hình dung nổi đây là trung tâm vùng hoang địa ngày xưa.
   
   
Một góc đô thị Long Mỹ bên bờ tại ngã ba Trà Ban sông Cái Lớn.
   
  Trên đất Long Mỹ hơn 17 ngàn người các dân tộc Việt, Hoa, Khmer, Chăm quần tụ sinh sống ổn định, sung túc trong các xóm, ấp… tiền lộ, hậu sông, ao nuôi thủy sản, vườn cây và những đồng lúa phì nhiêu luân vụ quanh năm… có thể còn xuất xứ liên quan đến những người do Mạc Cửu (khi làm Óc Nha cho vua Chân Lạp), chiêu dụ về vùng Mang Khảm (Hà Tiên) làm ăn. Nhưng cảnh “Đường đi Rạch Giá thị phá sơn trường/Dưới sông sấu lội, trên bờ cọp um” của đầu thế kỷ XVIII – thời Mạc Cửu mang ngọc lụa đến Thuận Hóa (mùa Thu năm Mậu Tý - 1708) dâng biểu xin dâng vùng đất này cho Chúa Nguyễn Phúc Chu và được ban ấn tín, phong làm Tổng Trấn Hà Tiên,… chỉ còn lấp lánh trong ca dao, huyền thoại.
   
  Đường đi Rạch Giá – con sông Cái Lớn, con đường mà Chúa Nguyễn Ánh đã đào thoát khỏi sự truy đuổi của quân Tây Sơn ra vịnh Thái Lan vào cuối thế kỷ thứ XVIII (năm 1777) vẫn còn đây với những con rạch nhánh nhóc chằng chịt, mang tên Cái Nai, Cái Nhum, Cái Rắn,… của thuở sơ khai, đan xen rất nhiều tuyến kênh mới ăn sâu vô nội đồng. Song, ngay cả con cháu của lớp tiền nhân đầu thế kỷ thứ XIX mang nỗi niềm biệt xứ về đây với giấc mộng đổi đời, trong đó có dân miệt Tân Trụ (Long An) sau trận Nguyễn Trung Trực chỉ huy đốt tiểu hạm Espérance của quân Pháp (10/12/1861) trên vàm Nhật Tảo, bị giặc đàn áp, chèo chống về chốn này nương náu, mưu sinh, chống giặc, giờ cũng đã thành người cố cựu.
   
  Và qui luật dòng chảy, chất lượng nước trên sông Cái Lớn cũng đã thay đổi bởi sự can thiệp của con người trong quá trình khai mở đất đai. Dòng nước mặn biển Tây đạp lên từ vịnh Thái Lan theo sông Cái Lớn chảy vào đất Kiên Giang 40km, đi qua Vườn quốc gia U Minh Thượng, đến ngã ba Di Hạn giáp tỉnh Hậu Giang chia thành 3 chỉ lưu (sông Nước Trong, sông Cái Tư và sông Nước Đục) chảy vào đất Long Mỹ gần tới Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng từ ngàn xưa - giờ đã bị đẩy lùi ra khỏi địa bàn Long Mỹ, về phía vịnh Thái Lan.
   
Cuộc trường kỳ trị thủy còn tiếp diễn…
   
  Ranh giới mặn – ngọt trên sông Cái Lớn dịch chuyển hơn 20km về phía vịnh Thái Lan, là một kỳ tích con người tạo nên trong thời gian hàng thế kỷ. Bước đột phá được ghi nhận từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX - khi chính quyền thuộc địa Pháp huy động phương tiện xáng múc cùng sức dân bản xứ đào các tuyến kênh xáng Xà No, kênh xáng Nàng Mau, kênh xáng Lái Hiếu, kênh Trà Ban… dẫn nguồn sông Hậu đổ về sông Cái Lớn, tháo ra vịnh Thái Lan.
   
   
Trạm bơm điện trong mô hình thủy lợi khép kín, chủ động sử dụng nguồn nước phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp.
   
  Ngay khi đào xong các con kênh (năm 1907), chính quyền thuộc địa Pháp đặt quận Long Mỹ tại ngã ba Trà Ban sông Cái Lớn, khi đó phong trào chiếm hữu đất đai diễn ra rầm rộ. Ghi chép của nhà Nam bộ học – Sơn Nam, cho biết: “Ngay khi vừa đào xong những con kinh đầu tiêu, dân tứ xứ tới cất nhà, làm ruộng mà nhà nước không cần giúp đỡ về vốn liếng, gia súc, cây lá gì cả. Họ đến cánh đồng bao la giữa Hậu Giang và vịnh Xiêm La, mạnh ai nấy chiếm, nấy cắm ranh. Chỉ trong 3 năm (1927 – 1930) họ tự động chiếm 17.000 mẫu”.
   
  Kể từ đó, cánh đồng hoang vu bao la chuyển mình thành vựa lúa của vùng châu thổ. Chỉ 29 năm sau khi đào các con kênh, diện tích trồng lúa của Rạch Giá (bao gồm cả Long Mỹ) tăng gấp nhiều lần (từ 1.948 mẫu lên 142.223 mẫu). Đến năm 1930, Rạch Giá vượt lên đứng đầu Nam Kỳ với 358.900 mẫu trồng lúa, trong đó các điền chủ người Pháp chiếm tới 50.000 mẫu. Năng suất canh tác tăng gấp hơn 2 lần so với thời Gia Long, Minh Mạng (từ 5 – 7 giạ/công lên 12 – 14 giạ/công). Trên bờ ngã ba Trà Ban mọc lên các nhà máy xay xát, dưới sông tàu, ghe tất bật vận chuyển lúa gạo đi các nơi, trung tâm lúa gạo lớn đã hình thành tại đây từ thuở ấy.
   
  Thế nhưng, sau ngày giải phóng (1975), nước mặn vẫn còn tại ngã ba Trà Ban sông Cái Lớn, có lúc vô tới vàm Cái Nai (xã Long Trị), bà con trồng lúa trúng - thất bấp bênh. Để tăng lực tấn công nước mặn, mùa khô năm 1976, chính quyền cách mạng huyện Long Mỹ vận động dân đắp đập “Trà Ban Nhỏ” ngăn mặn, đào kênh “Mười Thước” dài 25km, rộng 10m, sâu 2,5m, dẫn nguồn kênh xáng Lái Hiếu về thị trấn Long Mỹ, qua Thuận Hưng ra ngã ba Di Hạn. “Từ hàng nghìn năm nay, lần đầu tiên người dân và vùng đất này có nước ngọt sử dụng và sản xuất” – Ông Bảy Hùng (Phạm Ngọc Hùng) lúc đó là cán bộ huyện, giờ nghỉ hưu, vẫn nhắc, xúc động thốt lên.
   
  Và những năm 90 thế kỷ XX, cải tạo thủy lợi trở thành giải pháp mà Đảng và dân Long Mỹ dồn lực thực hiện để đột phá, vượt khó, đổi mới. Kênh Hậu Giang 3 nối dòng nước ngọt từ Phụng Hiệp qua đất Long Mỹ, kênh Hậu Giang 2, kênh Hậu Giang 1, kênh Long Mỹ 2, đập ngăn mặn Bàu Ráng… liên tiếp được ngân sách đầu tư thi công cùng sự góp sức của dân để cải tạo nội đồng. Đến năm 1995, Long Mỹ đã có 1.300km kênh thuỷ lợi nội đồng được đào đắp, diện tích ngọt hóa mở rộng thêm ở các xã Thuận Hưng, Xà Phiên, Lương Tâm, Vĩnh Viễn....
   
  Nhiều cán bộ lãnh đạo Long Mỹ trưởng thành và không thể nào quên một thời lặn lội cải tạo thủy lợi trên đồng đất này. Nhất là ông Hai Lành (Huỳnh Ngọc Lành), nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, từng làm Bí thư, Chủ tịch huyện thời kỳ này. Đến giờ, ông vẫn tâm đắc với việc đào kênh dẫn nước ngọt, ngăn mặn, phục vụ sản xuất kết hợp lấy đất làm nền hạ xây dựng những con đường mà Đảng và dân Long Mỹ đã làm. Ông nhớ trong 10 năm (1991 – 2000), cả huyện đào đắp tới 16 triệu mét khối đất xây dựng giao thông, thủy lợi tạo nguồn, nội đồng và ngọt hóa cơ bản diện tích nhiễm mặn trên địa bàn.
   
Vươn tới chủ động quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn nước…
   
  Ông Sáu Tâm (Nguyễn Thanh Tâm) - người trưởng thành từ phong trào cải tạo thủy lợi, xây dựng giao thông từ thời đổi mới, giờ làm Bí thư Huyện ủy, vẫn đang tích cực lãnh chỉ đạo huy động nguồn lực, sức dân, đầu tư đào đắp, nạo vét hệ thống kênh mương nội đồng kết hợp xây dựng giao thông làm đê bao khép kín tiểu vùng, gắn trạm bơm máy, chủ động tưới tiêu, đối phó tình trạng xâm mặn do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, lưu lượng nước đổ từ dòng Mê Kông giảm… để phát triển sản xuất trên quê hương.
   
   
Công trình đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh, ứng phó biến đổi khí hậu đang được tiến hành tại địa bàn Long Mỹ.
   
  Hàng năm, Long Mỹ tiếp tục đào mới, nạo vét, khai thông dòng chảy hàng trăm ngàn khối đất, nhiều công trình thuỷ lợi, được xây dựng, nâng cấp cùng với việc củng cố, đổi mới cơ chế quản lý, phát huy hiệu quả, đảm bảo tưới tiêu phục vụ sản xuất, dân sinh và phòng chống lụt bão, thích ứng biến đổi khí hậu. Đáng kể, công trình đê bao ngăn mặn dài 70,2km từ xã Lương Tâm đến xã Tân Tiến (Vị Thanh), dự án nuôi trồng thuỷ sản, đầu tư các tuyến đê bao khép kín phục vụ cho sản xuất nông nghiệp…
   
  Thành quả từ kỳ tích trị thủy, khai mở tiềm năng tài nguyên đất ở Long Mỹ được ghi nhận đến nay là: đã có 50,4% (17.831ha) diện tích đất nông nghiệp được khép kín, trong đó có 11.790ha chủ động tưới tiêu bằng 44 trạm bơm máy tập trung. Đã có 98% đất sản xuất đạt giá trị kinh tế 80 triệu đồng/ha/năm trong đó có nhiều mô hình đạt 150 triệu đồng/ha/năm trở lên. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn 5 năm gần đây gia tăng gấp gần 3 lần (từ 9,957 triệu đồng/người/năm lên 28,59 triệu đồng). Công nghiệp, thương mại – dịch vụ, đô thị, cũng phát triển. Tốc độ tăng trưởng đạt bình quân 13,14%/năm. Bằng kinh nghiệm, tâm huyết với quê hương, ông Sáu Tâm thấu rõ: thực hiện tốt việc huy động nguồn lực đầu tư cải tạo thủy lợi, giao thông là điều kiện thuận lợi để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo vùng quy hoạch, tổ chức sản xuất theo hướng liên kết, cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao; xây dựng nông thôn mới; phát triển đô thị…
   
  Đô thị Long Mỹ hôm nay đã hình thành các điều kiện được hội tụ từ kỳ tích trong cuộc trường kỳ trị thủy, khai mở đất hoang. Và Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang – Trần Công Chánh, đã “bắt đúng mạch”, khi cho rằng: nên áp dụng mô hình “đô thị nước” để kiến thiết, phát triển thị xã Long Mỹ trong tương lai. Có thể đầu tư sẽ tốn kém hơn “bê tông hóa” nhưng phát huy được lợi thế đặc trưng vùng sông nước để xây dựng đô thị thân thiện với môi trường, phát triển bền vững.
   
Bài & ảnh: Hùng Long