Xử lý triệt để chất thải - giải pháp cắt giảm khí nhà kính hiệu quả
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 00:00, 15/01/2015
(TN&MT) - Trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, việc cắt giảm khí nhà kính bằng cách xử lý triệt để chất thải cần được triển khai rộng rãi.
(TN&MT) - Trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, việc cắt giảm khí nhà kính bằng cách xử lý triệt để chất thải đang cho thấy những hiệu quả tích cực, rất cần được triển khai rộng rãi.
Để cắt giảm khí gây hiệu ứng nhà kính thì việc xử lý chất thải rắn đang là vấn đề quan trọng. Ảnh: MH
Phát thải gia tăng do ô nhiễm
Trong những năm gần đây, lĩnh vực quản lý chất thải đã có rất nhiều bước tiến đáng kể và áp dụng thành công các công nghệ tiên tiến trong công tác thu gom, xử lý, tái chế và tái tạo chất thải. Quá trình này nhằm cải thiện sức khoẻ cộng đồng và giảm thiểu các tác động tới môi trường. Tuy nhiên, kết quả kiểm kê khí nhà kính năm 2010 cho thấy, lĩnh vực chất thải vẫn chiếm tỷ lệ cao với tổng lượng phát thải 15,352 triệu tấn CO2, trong đó phát thải từ các bãi chôn lấp chất thải rắn khoảng 5,005 triệu tấn CO2. Điển hình là chất thải rắn phát sinh từ các lò giết mổ hiện nay đang là nguồn gây ô nhiễm nước, không khí và phát sinh khí nhà kính cao.
Theo các chuyên gia, chất thải rắn phát sinh từ các lò giết mổ thực chất là các thành phần không được sử dụng trong quá trình giết mổ như: Cặn, phân, các chất bẩn trong lòng ruột của gia súc và các mảnh vụn từ lòng, mề, ruột, xương... Các thành phần này chứa một lượng lớn các chất hữu cơ chưa phân hủy, chứa rất nhiều loại vi khuẩn, virut, nấm có hại cho sức khỏe của con người.
Thực tế, các lò giết mổ không có hệ thống xử lý, hoặc xử lý cầm chừng do việc đầu tư xử lý tốn kinh phí cao. Vì vậy, cần phải có một dây chuyền công nghệ để xử lý môi trường với giá thành đầu tư, vận hành hợp lý phù hợp với điều kiện của các cơ sở giết mổ tập trung quy mô từ nhỏ đến lớn tại Việt Nam.
Biến chất thải thành tài nguyên
Ông Vũ Tiến Nhiên, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết: Thực tiễn của công tác quản lý chất thải rắn cho thấy “chất thải là một nguồn tài nguyên” nếu có cách tiếp cận, thu và sử dụng hợp lý thì hoạt động này đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cắt giảm lượng khí nhà kính phát sinh.
Nhằm có một cơ sở đề xuất các biện pháp làm giảm các nguyên nhân gây ra hiệu ứng khí nhà kính, giúp các địa phương có sự lựa trong quản lý chất thải rắn hiệu qua, thời gian qua, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và BĐKH đã thực hiện đề tài nghiên cứu “Quá trình hình thành khí sinh học trong bể yếm khí xử lý chất thải rắn của lò giết mổ gia súc”. Để thúc đẩy quá trình phân hủy ban đầu thì vi sinh vật yếm khí được bổ sung là bùn của bể yếm khí lấy từ hệ thống xử lý nước thải. Mô hình bể yếm khí nghiên cứu có thể tích 50 lít, có cánh khuấy đạo trộn, cửa nạp và xả chất thải. Ngoài ra còn có hệ thống thu và đo các thành phần của khí sinh ra.
Qua thời gian nghiên cứu, kết quả thu được là: Quá trình phân hủy diễn ra trong hơn 2 tháng và phân hủy mạnh nhất là vào khoảng 1 tháng sau khi ủ (từ ngày thứ 28 đến ngày thứ 35). Trong thời gian này, lượng khí sinh ra trung bình là 16,58 lít/ngày, trong đó lượng khí mêtan thu được trung bình là 10,9 lít/ngày. Lượng khí thu được lớn nhất là 17,86 lít trong ngày thứ 34, trong đó có 11,79 lít mêtan chiếm 66% và 6,07 lít CO2 chiếm 34%. Thành phần khí sinh học trong đó khí mêtan dao động trong khoảng từ 61,6% đến 66,8% theo thể tích. Với kết quả này đã xác định được thời gian cho một mẻ ủ yếm khí chất thải lò giết mổ, đồng thời xác định hàm lượng và chất lượng khí sinh ra. Nghiên cứu này cũng đã góp phần định hướng cho quy trình xử lý chất thải rắn lò giết mổ và tiền xử lý khí sinh học trước khi đưa vào sử dụng.
Ông Bạch Quang Dũng, Viện Khoa học KTTV& BĐKH cho rằng: BĐKH có quan hệ mật thiết với lượng phát sinh khí nhà kính từ các hoạt động của con người trong đó lĩnh vực quản lý chất thải rắn cũng có một vai trò khá quan trọng. Thông qua công nghệ xử lý, thu gom cùng các chính sách phù hợp thì lượng khí gây hiệu ứng nhà kính sẽ được cắt giảm đáng kể. Kết quả nghiên cứu quá trình hình thành khí sinh học trong bể yếm khí xử lý chất thải rắn của lò giết mổ gia súc đã cơ bản giải quyết được các yêu cầu trên. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao khi xây dựng bể xử lý chất thải thì cần chú ý đến quy mô lò mổ để áp dụng cho từng mẻ ủ để quá trình phân hủy được triệt để, giảm ô nhiễm môi trường và giảm tác nhân gây ra BĐKH.
Linh Nga