Ứng phó BĐKH miền núi phía Bắc: Cần quy hoạch tổng thể - khai thác tài nguyên hợp lý
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 00:00, 20/01/2015
(TN&MT) - Mặc dù đã có nhiều biện pháp phòng chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, nhưng những năm gần đây, các tỉnh thuộc miền núi Bắc Bộ luôn phải hứng...
(TN&MT) - Mặc dù đã có nhiều biện pháp phòng chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, nhưng những năm gần đây, các tỉnh thuộc miền núi Bắc Bộ luôn phải hứng chịu những đợt lũ có sức tàn phá mạnh. Nguyên nhân gây ra thảm họa này là do biến đổi khí hậu (BĐKH) và tình trang khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên. Do vậy, rất cần có một giải pháp quy hoạch tổng thể ở khu vực này.
Thảm họa sạt lở và lũ quét
Biến đổi khí hậu thường được nhắc đến với các biểu hiện rõ rệt là nước biển dâng, xâm nhập mặn gây nguy hại cho các tỉnh ven biển. Thế nhưng, mấy năm trở lại đây, cứ sau mỗi đợt bão, mọi người lại lo ngại đến mưa lũ. Đặc biệt các khu vực vùng núi thường phải chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai này.
Theo Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia: Năm 2014, nước ta chịu ảnh hưởng bởi 4 cơn bão. Tuy không gây thiệt hại nhiều cho ngư dân trên biển, nhưng mưa lũ sau bão đã tàn phá và gây thiệt hại nặng nề ở khu vực có địa hình dốc. Điển hình mưa lũ sau cơn bão số 2 (Rammasun) diễn ra từ ngày 18 đến ngày 21/7 tại các tỉnh vùng núi Bắc Bộ có lượng mưa phổ biến từ 100 - 300mm đã gây ra ngập lụt, sụt lở đất, đá ở nhiều nơi và làm 28 người chết, 5 người bị thương, gây ra nhiều thiệt hại vật chất với ước tính thiệt hại khoảng 150 tỷ đồng.
Lũ sau cơn bão số 2 năm 2014 tại Bắc Kạn gây thiệt hại nghiêm trọng cho địa phương.
Mặc dù các tỉnh vùng núi Bắc Bộ có diện tích đất dốc tương đối lớn, là tiềm năng để khai thác kinh tế nông, lâm nghiệp.
Nhưng do việc khai thác quá mức các nguồn tài nguyên thiên nhiên nên sự cân bằng sinh thái đang dần bị phá vỡ. Bên cạnh đó, do tình hình BĐKH đang diễn ra ngày một phức tạp, do đó vào mùa mưa ở vùng đất dốc này nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống rất cao. Thực tế cho thấy, những năm gần đây mưa lũ xuất hiện ở khu vực này ngày càng nhiều hơn đã làm cho tầng đất mặt bị mỏng dần, nghèo kiệt dinh dưỡng, nhiều nơi này đã không còn khả năng sản xuất…
Quy hoạch kinh tế gắn với thông tin khí hậu
Theo đánh giá của các chuyên gia khoa học, với tình hình BĐKH đang diễn ra ngày càng phức tạp thì trong thời gian tới các vùng đất dốc chắc chắn sẽ phải chịu thêm nhiều tác động bất lợi với các hiện tượng tiêu cực. Do đó, các tỉnh thuộc khu vực Bắc Bộ cần triển khai mạnh mẽ hơn kế hoạch ứng phó với BĐKH. Trong đó, cần tập trung xem xét tác động của BĐKH dựa theo các bản đồ phân vùng lũ quét, bản đồ phân vùng khí hậu… để xây dựng quy hoạch tổng thể, quy hoạch sử dụng đất. Bên cạnh đó, các tỉnh cũng cần xác định giải pháp khoa học công nghệ phù hợp như xây dựng quy hoạch tổng thể lưu vực sông, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nước, nâng cao khả năng thoát lũ, tiêu úng…
Các chuyên gia cũng cho rằng: Do phần lớn diện tích ở khu vực này là đồi núi, nên rừng đóng vai trò hết sức quan trọng đối với đời sống của người dân. Ngoài việc mang lại hiệu quả kinh tế, rừng còn góp phần vào làm hạn chế các thảm họa thiên tai. Tuy nhiên, thời gian qua tình trạng chặt phá rừng ở khu vực này vẫn diễn ra khá phổ và chưa được kiểm soát tốt, nên khi mưa to nên đã tạo ra lũ quét dữ dội. Do đó, thời gian tới, việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ rừng, thích ứng với BĐKH cho người dân cần được các tỉnh miền núi Bắc Bộ triển khai mạnh mẽ hơn. Về lâu dài các tỉnh cần khảo sát, quy hoạch và đầu tư trồng rừng phòng hộ đầu nguồn, tạo lá chắn để giảm thiểu lũ do BĐKH gây ra.
Linh Nga