Đà Nẵng: Thấp thỏm sợ biển “nuốt” làng
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 00:00, 26/12/2014
(TN&MT) - Kể từ khi đổ đất san lấp eo biển dưới chân đèo Hải Vân làm hơn 60 hộ dân khu vực này phải sống trong cảnh bất an, lo sợ vì tình trạng biển xâm lấn
(TN&MT) - Kể từ khi đổ đất san lấp eo biển dưới chân đèo Hải Vân, thuộc phường Hoà Hiệp Bắc, để xây dựng kè và kho xăng dầu K83 (từ tháng 2/2013), làm thay đổi dòng chảy hơn 60 hộ dân khu vực này phải sống trong cảnh bất an, lo sợ vì tình trạng biển xâm lấn, ảnh hưởng đến đời sống.
Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của những đợt không khí lạnh, triều cường dâng cao, tại khu vực phường Hòa Hiệp Bắc, biển tiếp tục xâm thực mạnh vào đất liền. Người dân ở đây cho biết, hiện tượng nước biển xâm lấn ăn sâu vào gần mép các nhà dân kéo dài từ hơn một năm nay, đỉnh điểm vào các ngày có sóng lớn hoặc bão gây đảo lộn đến cuộc sống.
Ông Trương Văn Mừng (53 tuổi, ở tổ 4 phường Hòa Hiệp Bắc) bức xúc: “Mỗi lần sóng lớn là nước biển đánh tới tấp vào nhà, phải dọn dẹp cực khổ, nhiều người phải xin đi trú ở các nhà cao tầng vì lo sợ bị đe dọa đến tính mạng”.
Ông Mừng bên bờ biển giờ chỉ cách nhà ông 2. 3 mét
Đặc biệt, đến mỗi mùa mưa bão, sóng đánh sâu vào hàng chục mét gây sạt lở các nền, sân nhà dân, nước biển tràn vào lênh láng nên nhiều người rất lo sợ. Con đường bê tông do người dân xây dựng phục vụ việc đi lại và những hàng cây thông, dương liễu được trồng để chắn sóng cũng bị sóng biển đánh gãy đổ, còn trơ trọi lại cát. Bất an trước tình cảnh đó, một số hộ dân đã phải bỏ nhà chuyển đi nơi khác sống, ông Mừng cho biết.
Cả hàng thông dài khu vực nhà dân chắn sóng bị xâm thực gần hết
Bà Lê Thị Hải (51 tuổi, tổ 4, phường Hòa Hiệp Bắc) cho biết: từ khi Kho xăng dầu K83 được xây dựng, tình trạng nước biển xâm thực ngày càng nghiêm trọng. Nước biển cứ ăn dần ăn dần khiến cây cối nhà bà bị trốc hết. Đặc biệt là những ngày mưa bão. Trước đây, bờ biển cách nhà hơn 100 mét, giờ chỉ còn vài mét nữa là đến nhà. “Cơn bão Nari năm ngoái, nước lên đến tận nhà. Cả gia đình phải ôm nhau chạy lên nhà hoang của công nhân phía trên cao tạm lánh. Chờ nước rút mới dám về. Giờ đêm nằm ngủ thấy sóng to là sợ”- bà Hải lo lắng cho biết.
“Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương rồi nhưng chỉ thấy họ đến ngó rồi thôi chứ chưa làm gì cả. Chúng tôi mong thành phố sớm xây dựng bờ kè chắn sóng để người dân yên tâm sinh sống”- bà Hải nói.
Từ khi kho xăng dầu 83 được xây dựng và xây bờ kè lấn ra biển làm thay đổi dòng chảy tự nhiên nên xảy ra tình trạng biển xâm thực
Ông Nguyễn Như Nghĩa, Tổ trưởng tổ 4 (phường Hòa Hiệp Bắc) cho biết, cơn bão Nari vào tháng 10/2013 đã khiến thủy triều xâm thực mạnh vào khu vực bờ biển này cuốn đi hàng cây phi lao dài 600m trên bãi biển nhằm chắn sóng được nhà nước trồng vào năm 2010. Dù những hộ dân này đã được di tản, nhưng sóng dữ đã cuốn trôi nhiều tài sản, nhà cửa dân hư hỏng nặng. Mùa biển động năm nay, những bao tải cát dùng làm bờ kè tạm cũng bị sóng cuốn trôi hết. Nếu chính quyền không nhanh chóng xây kè biển, chẳng mấy chốc làng sẽ trôi ra biển.
Người dân bỏ cát vào bao tải làm bờ kè nhưng cũng bị sóng cuốn trôi
Trao đổi với phóng viên, ông Thân Đức Minh- Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc cho biết, khu vực bị xâm thực dài khoảng 500m, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hơn 60 hộ dân. Trước đây, bờ biển cách xa nhà dân hơn 150m, có cả hàng thông dài nhưng từ khi xây dựng kho xăng dầu K83 (Công ty Xăng dầu Quân đội) làm thay đổi dòng chảy tự nhiên gây nên xâm thực sâu vào đất liền dọc bờ biển hai tổ 4, 5.
Hiện, biển đã xâm thực cuốn trôi cả dãy thông trồng để chắn sóng, cây cối, bờ kè của dân. Trước tình trạng này, phường đã kiến nghị lên UBND thành phố đề xuất cấp kinh phí xây kè bê tông chắn sóng nối từ kho xăng dầu K83 đến khu vực nhà dân với chiều dài khoảng 600m. Mới đây UBND Thành phố thông báo công trình này đang được thực hiện các thủ tục để xin vốn của Trung ương với tổng mức đầu tư 41,5 tỷ. “Chúng tôi chỉ đề xuất cấp trên, còn việc khi nào có kinh phí để xây thì chỉ biết chờ. Khi có tình trạng xâm thực nặng xảy ra, phường chỉ có thể tổ chức sơ tán dân”- ông Minh nói.
Bài & ảnh: Lan Anh – Văn Hà