REED+, cách tiếp cận mới trong giảm thiểu biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 00:00, 12/11/2014

(TN&MT) - Hội thảo về “Cách tiếp cận cảnh quan để thực hiện REDD+ cho mục đích phát triển bền vững và giảm thiểu biến đổi khí hậu ở Việt Nam” vừa được tổ chức...
(TN&MT) - Ngày 11/11/2014, tại tỉnh Đắk Lắk, Tổng cục Lâm nghiệp phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Nông lâm thế giới (ICRAF) đã tổ chức Hội thảo về “Cách tiếp cận cảnh quan để thực hiện REDD+ cho mục đích phát triển bền vững và giảm thiểu biến đổi khí hậu ở Việt Nam”.
   
  Trước vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu, Việt Nam đã và đang tích cực tham gia các nỗ lực về giảm thiểu biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính. Trong đó cơ chế REED+ (Giảm phát thải từ phá rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, bảo tồn và nâng cao trữ lượng Cacbon rừng) được coi là biện pháp hiệu quả về kinh tế trong giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời giúp huy động nguồn hỗ trợ cho việc phát triển, bảo vệ rừng.
   
Bảo vệ rừng là một cách chống biến đổi khí hậu
   
  Ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Việt Nam có khoảng 10,5 triệu ha rừng tự nhiên. Tuy nhiên, mới chỉ có 5,5 triệu ha rừng là có tiền để chi trả cho việc quản lý, bảo vệ; số diện tích rừng còn lại hiện vẫn chưa có nguồn kinh phí. Nếu không có một cách tiếp cận cảnh quan thì sẽ khó để giữ được rừng, và REED+ đang là cách tiếp cận mới.
   
  Cách tiếp cận dựa trên cảnh quan sẽ giúp cơ chế REDD+ bền vững và ứng phó tốt hơn với những nguyên nhân gây mất rừng, suy thoái rừng. “Tuy nhiên, chúng ta cần rà soát các khái niệm về tiếp cận cảnh quan trên cái nhìn rộng về quy mô, số lượng, tác nhân, sự phân bổ nguồn lực… và xây dựng các biện pháp cụ thể để đóng góp hiệu quả cho sự phát triển chung của chương trình REDD+ ở nước ta”, ông Ngãi nhấn mạnh.
   
  Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Hoài Dương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk cho biết: Chương trình hành động Quốc gia về REDD+ mở ra triển vọng mới cho công tác quản lý bảo vệ phát triển rừng ở Việt Nam, là cơ hội để huy động các nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực bảo vệ phát triển rừng, chống biến đổi khí hậu.
   
T.H