Đồng bằng sông Cửu Long: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp để thích ứng với biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 00:00, 05/11/2014
(TN&MT) - Hội thảo “Tái cơ cấu phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL” đã diễn ra sáng ngày 5/11 tại...
(TN&MT) - Sáng 5/11/2014, trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL - Sóc Trăng 2014 (MDEC - Sóc Trăng 2014), đã diễn ra Hội thảo “Tái cơ cấu phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL”. Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND tỉnh Sóc Trăng đồng chủ trì tổ chức, với tham dự của gần 700 đại biểu các bộ ngành, các địa phương và các chuyên gia, nhà khoa học…
Nền nông nghiệp đối mặt nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu…
Hội thảo khẳng định vùng ĐBSCL có vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội, là vùng nông nghiệp trọng điểm của cả nước. Hàng năm, cung cấp hơn 50% sản lượng lúa, 70% lượng trái cây, đóng góp hơn 90% số lượng gạo xuất khẩu và gần 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước…
Tuy nhiên, ngành sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản tại khu vực này đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức từ biến đổi khí hậu, nước biển dâng; việc đầu tư và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tạo ra giá trị gia tăng cho vùng không cao. Hệ thống kết cấu hạ tầng vẫn còn thiếu đồng bộ, nhất là hạ tầng về giao thông thủy lợi. Do tác động của biến đổi khí hậu nên giá trị sản xuất nông nghiệp còn thiếu ổn định và có nguy cơ bị thu hẹp diện tích sản xuất trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, những cơ chế, chính sách đầu tư vào vùng còn thiếu và chưa đồng bộ. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành TƯ và địa phương thiếu chặt chẽ…
Ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, trong thời gian qua vùng ĐBSCL có nhiều đóng góp cho nền nông nghiệp trong nước và xuất khẩu, nhưng nền sản xuất nông nghiệp của vùng này cũng chịu nhiều tác động từ các yết tố cực đoan của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, làm suy thoái tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, ô nhiễm nguồn nước, phát sinh nhiều dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi... Từ đó, gia tăng chi phí sản xuất, giảm chất lượng nông sản, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Cùng chung quan điểm, ông Sơn Minh Thắng – Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Sóc Trăng lo lắng: “Ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do sản xuất còn tự phát, quy mô nhỏ, các mặt hàng làm ra sức cạnh tranh không cao, lại chịu nhiều rủi ro từ biến đổi khí hậu và nước biển dâng, việc triển khai thực hiện liên kết vùng chưa được quan tâm đúng mức, chưa có cơ chế đặc thù để thu hút các nguồn đầu tư vào vùng”.
Báo cáo từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bạc Liên, tính đến tháng 11/2014, sản lượng lúa của tỉnh đạt 1.030.000 tấn, sản lượng thủy sản đạt 2.80.000 tấn… tốc độ tăng trưởng kinh tế nông nghiệp hàng năm đạt từ 6 đến 7%, nhưng lĩnh vực sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp của tỉnh vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ thiếu bền vững, nguyên nhân một phần do các công trình, dự án thích ứng với biến đổi khí hậu chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất…
“Với 56km bờ biển, Bạc Liêu là 1 trong những tỉnh của vùng ĐBSCL có mức độ dễ bị tổn thương cao nhất trước sự biến đổi của khí hậu, nước biển dâng dẫn đến tình trạng thời gian vừa qua năng xuất nông nghiệp giảm, gia tăng tình trạng thiếu nước, thời tiết cực đoan gia tăng, các hệ sinh thái tan vỡ và bệnh tật trên cây trồng gia tăng trong”- Ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn tỉnh Bạc Liêu, cho biết.
Đề xuất nhiều giải pháp
Tham dự hội thảo, nhiều đại biểu có chung nhận định, để thực hiện có hiệu quả dự án tái cơ cấu phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng ở vùng ĐBSCL, yêu cầu đặt ra với các Bộ, ngành, các tỉnh, thành trong khu vực phải rà soát lại quy hoạch thủy lợi bảo vệ sản xuất và phục vụ sản xuất như đê biển, rừng ngập mặn, khu vực sạt lở bờ sông, bờ biển. Xác định các vùng sản xuất trọng điểm, đẩy nhanh đầu tư cơ sở hạ tầng bảo vệ sản xuất như đê biển, rừng ngập mặn ven biển, vùng sạt lở, hạ tầng phục vụ sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản theo quy hoạch. Xây dựng mạng lưới quan trắc, cảnh báo, giám sát chất lượng nước trên hệ thống kênh, rạch chính. Gom diện tích sản sản, nuôi trồng nhỏ lẻ, phân tán thành vùng sản xuất lớn để thuận tiện cho việc vận hành, quản lý hệ thống công trình đạt hiệu quả…
Ông Trần Chí Viễn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang cho rằng: qua các kết quả nghiên cứu của các ngành chuyên môn, các chuyên gia, nhà khoa học cho thấy, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản là một trong những nguyên nhân gây hiệu ứng nhà kính khiến nhiệt độ trái đất nóng lên, không khí, nguồn nước… bị ô nhiễm. Do vậy, để hạn chế được vấn đề này, cần phải tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, hình thành ý thức chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu trong cán bộ, người dân; Tăng cường việc áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, giảm sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hoá học trong sản xuất nông nghiệp; nghiên cứu triển khai thực hiện các dự án tận dụng các chất thải trong sản xuất nông nghiệp thành năng lượng sạch; tăng cường công tác quản lý nhà nước, đa dạng hóa các nguồn lực ứng phó với biến đổi khí hậu…
Bài & ảnh: Lê Hùng