Việt Nam: Đưa cam kết giảm phát thải khí nhà kính vào khung chính sách

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 00:00, 16/10/2014

(TN&MT) - Phát thải khí nhà kính (KNK) trong các hoạt động kinh doanh, sản xuất... là vấn đề đang được Việt Nam xem xét, đưa vào khung chính sách ứng phó BĐKH.
(TN&MT) - Việc đưa ra định mức cam kết giảm phát thải khí nhà kính (KNK) trong các hoạt động kinh doanh, sản xuất, sử dụng công nghệ và đặc biệt là trong các dự án phục vụ ứng phó BĐKH là vấn đề đang được Việt Nam xem xét, đưa vào khung chính sách ứng phó BĐKH.
   
Giảm phát thải khí nhà kính góp phần hạn chế nguyên nhân gây ra BĐKH.
   
Tốc độ phát thải nhanh hơn dự đoán
   
  Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ký và phê chuẩn Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) và Nghị định thư Kyoto. Mặc dù chưa có nghĩa vụ phải cắt giảm phát thải KNK nhưng lượng KNK của Việt Nam 5 năm qua đang ngày càng tăng. Chỉ tính từ năm 2005 đến năm 2010, tổng phát thải và hấp thụ KNK quốc gia từ 181.507 triệu tấn CO2 tăng lên 246.8 triệu tấn, trong đó lĩnh vực năng lượng phát thải KNK nhiều nhất với 141.171 triệu tấn chiếm 53.1% tổng phát thải, tiếp theo là lĩnh vực nông nghiệp với 88.355 triệu tấn chiếm 33.2% tổng phát thải… Sự gia tăng phát thải KNK đã và đang làm cho các hiện tượng của BĐKH diễn ra mạnh hơn, bất thường và khó dự báo hơn.
   
  Sự tăng nhanh về phát thải KNK đã góp phần không nhỏ đến việc làm trầm trọng hơn thời tiết cực đoan của Việt Nam. Thống kê cho thấy, trong vòng 10 năm trở lại đây, các loại thiên tai như: Bão, lũ, lụt, lũ quét, sạt lở đất, úng, hạn hán, xâm nhập mặn và các thiên tai khác đã làm chết và mất tích hơn 9.000 người, giá trị thiệt hại về tài sản ước chiếm khoảng 1,5% GDP/năm. Ðiều đáng lo ngại, những biến động bất thường của thời tiết, khí hậu đã đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp do bị thu hẹp diện tích đất nông nghiệp, cũng như tác động lớn đến sinh trưởng, năng suất cây trồng, thời vụ gieo trồng...
   
  Ðồng thời, BÐKH khiến tài nguyên nước suy giảm, hạn hán ngày một tăng ở một số vùng, mùa, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến việc cấp nước ở các vùng nông thôn, thành thị, cũng như các nhà máy thủy điện.
   
Điều chỉnh khung chính sách phù hợp
   
  Theo Ủy ban Quốc gia về BĐKH, giảm nhẹ phát thải KNK được xem là cơ hội để thu hút nguồn lực ứng phó với BĐKH, thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát thải ít các - bon.  Do đó, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, Việt Nam sẽ  đẩy mạnh việc giảm  phát thải KNK, thúc đẩy xây dựng thị  trường các - bon trong nước, đẩy mạnh sản xuất xanh, tiêu dùng bền vững để thực hiện hiệu quả nội dung, nhiệm vụ ứng phó với BĐKH, thúc đẩy tăng trưởng xanh đã đề ra trong Chiến lược quốc gia về BĐKH và thực hiện nhiệm vụ của một quốc gia với tư cách là thành viên của Công ước Khung của UNFCCC, tham gia triển khai các cơ chế  mới theo Thỏa thuận chung toàn cầu về  BĐKH. 
   
  Ngoài ra, theo  xu hướng chung trong chính sách biến đổi toàn cầu hiện nay cho thấy các quốc gia đang phát triển cần phải đưa mức cam kết giảm phát thải KNK, nâng cao mức đóng góp trong nỗ lực ứng phó với BĐKH. Theo đó, để bắt kịp xu hướng chung, Việt Nam sẽ đưa mức cam kết giảm phát thải KNK vào khung chính sách phát triển kinh tế xã hội, ứng phó BĐKH .
   
  Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết: Trước đây các hành động chính sách tập trung chủ yếu vào các hoạt động thích ứng, giai đoạn sau 2015 vấn đề  thích  ứng vẫn là trọng tâm, nhưng  giảm nhẹ phát thải KNK cũng là vấn đề quan trọng cần được quan tâm. Do vậy, giai đoạn sau năm 2015, Khung chính sách cần được định hướng ưu tiên các nội dung như: Tiếp tục  cụ  thể  hóa  các định hướng chiến lược đã nêu tại Chiến lược quốc gia về  biến đổi khí hậu và Chiến lược tăng trưởng xanh vào hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của các Bộ, ngành, trong đó phải chú trọng cả hai mặt thích ứng và giảm nhẹ tác động của BĐKH; xây dựng các chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư cho lĩnh vực  ứng phó với BĐKH; xây dựng các mô hình ứng phó dựa vào cộng đồng, xây dựng chính sách để tăng cường khả năng chống chịu trước BĐKH của các thành phố, cụm dân cư, khu vực dễ bị tổn thương… Từng bước cụ thể hóa các quy định mới nhất của quốc tế về BĐKH, trọng tâm là Khuôn khổ pháp lý toàn cầu mới về  BĐKH vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Trong hoạt động xây dựng lộ trình và phương thức tham gia giảm nhẹ phát thải KNK là mục tiêu quan trọng để  các cơ quan Việt Nam có đầy đủ cơ sở về pháp lý và nguồn lực thực hiện giảm nhẹ phát thải KNK từ hình thức tự nguyện hiện nay sang hình thức bắt buộc từ năm 2020; xây dựng cơ sở pháp lý để Việt Nam tiếp cận, tham gia và thực hiện các cơ  chế  hợp  tác  để  giảm  nhẹ  phát  thải  KNK  thông  qua  các  hành  động giảm nhẹ phát thải phù hợp điều kiện quốc gia, các cơ chế  thị  trường và phi thị  trường như:  Đối tác thị  trường các - bon, Cơ chế  tín chỉ  chung, định giá các-bon và các hình thức hợp tác song phương, đa phương khác.
   
Linh Nga