Thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 00:00, 03/10/2014
Bộ Xây dựng vừa có Tờ trình số 77/TTr-BXD ngày 19/9 gửi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống thoát nước (HTTN) và xử lý nước thải (XLNT) khu vực dân...
Bộ Xây dựng vừa có Tờ trình số 77/TTr-BXD ngày 19/9 gửi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống thoát nước (HTTN) và xử lý nước thải (XLNT) khu vực dân cư, khu công nghiệp thuộc lưu vực sông Đồng Nai đến năm 2030.
Mục tiêu quy hoạch nhằm dự báo nhu cầu thoát nước và xử lý nước thải; xác định các vùng tiêu thoát nước…, làm cơ sở cho việc lập, rà soát các quy hoạch, các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thuộc phạm vi lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.
Đầu tư hệ thống thoát nước trên lưu vực sông Đồng Nai
Phạm vi quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích lưu vực hệ thống sông Đồng Nai (khoảng 47.000 km2) thuộc ranh giới hành chính của 12 tỉnh/thành phố bao gồm: TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh, Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, Ninh Thuận, Bình Thuận, với dân số dân số hơn 16 triệu người, trong đó dân cư khu vực đô thị khoảng 11,2 triệu người, diện tích đất KCN vào khoảng 19.000ha. Dự báo đến năm 2030, quy mô dân số đô thị lưu vực sông Đồng Nai tăng lên khoảng 13 triệu người và 50.000ha đất công nghiệp.
Do tốc độ đô thị hóa nhanh cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các KCN trong khu vực nên đã phát sinh khối lượng lớn nước thải ra môi trường tự nhiên. Ước tính, tổng lưu lượng nước thải trong phạm vi của lưu vực hệ thống sông Đồng Nai hiện nay là khoảng 1,5 triệu m3/ngày đêm (dự kiến sẽ tăng gấp 2 lần vào năm 2030), nhưng số lượng được thu gom và xử lý trước khi xả ra môi trường chỉ chiếm khoảng 15%.
Vì vậy, Đồ án quy hoạch HTTN và XLNT khu dân cư, KCN lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2030 được lập nhằm cụ thể hóa Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước đó, đồng thời đáp ứng các yêu cầu về quản lý nhà nước cũng như làm cơ sở cho việc lập và triển khai các dự án thoát và XLNT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.
Bên cạnh đó, Đồ án đã đưa ra các quan điểm quy hoạch cũng như những nguyên tắc phát triển các HTTN, XLNT toàn lưu vực hệ thống sông Đồng Nai. Theo đó, quy hoạch phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch sử dụng đất; Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; định hướng phát triển thoát nước đô thị và KCN Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050… Đồng thời, phù hợp với Quy hoạch HTTN và XLNT cho các khu dân cư và các khu công nghiệp bảo đảm phát triển hệ thống thoát nước ổn định, bền vững trên cơ sở xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước mưa, nước thải từ thu gom, chuyển tải đến xử lý theo từng lưu vực; bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai… Đồ án quy hoạch cũng đã đề xuất các nhóm giải pháp quy hoạch thoát nước và xử lý nước thải toàn lưu vực hệ thống sông Đồng Nai có tính kế thừa các quy hoạch liên quan (như quy hoạch đô thị, thủy lợi, thoát nước,…), thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng...
Tuy nhiên, Đồ án cần rà soát, điều chỉnh và bổ sung số liệu hiện trạng thoát nước và XLNT, hồ điều hòa, tên địa danh cho phù hợp với các quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch chuyên ngành đã và đang triển khai đảm bảo tính thống nhất; bổ sung các bất cập trong công tác quản lý thoát nước và XLNT, cơ chế tài chính và nguồn lực thực hiện; tổng hợp và đánh giá các giải pháp công nghệ XLNT đang áp dụng nhằm đề xuất các giải pháp công nghệ phù hợp và bổ sung các giải pháp để thực hiện quy hoạch...
Dự kiến, vốn đầu tư xây dựng HTTN (bao gồm hệ thống thoát nước mưa, nước thải, trạm xử lý nước thải) trong phạm vi lưu vực sông Đồng Nai đến năm 2020 khoảng trên 99 nghìn tỷ đồng. Trong đó, bao gồm nguồn vốn từ ngân sách nhà nước; vốn ODA, vốn tài trợ nước ngoài; vốn tín dụng đầu tư; vốn hợp pháp từ các nhà đầu tư trong, ngoài nước và các thành phần kinh tế khác.
Linh Linh