Việt Nam - Nhật Bản thúc đẩy thực hiện Cơ chế tín chỉ chung JCM

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 00:00, 23/09/2014

(TN&MT) - Đó là nội dung chính của Hội thảo Tăng cường nhận thức về cơ chế JCM do Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu tổ chức sáng 23/9 tại Hà Nội.
   
(TN&MT) - Đó là nội dung chính của Hội thảo Tăng cường nhận thức về cơ chế JCM do Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) phối hợp với Viện nghiên cứu Chiến lược Môi trường toàn cầu Nhật Bản (IGES) tổ chức sáng 23/9 tại Hà Nội.
   
Các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo
   
  Dự hội thảo có lãnh đạo Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, đại diện các Cục, Vụ, Viện liên quan của Bộ TN&MT và gần 50 đại biểu là đại diện các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Xây dựng, NN&PTNT, Giao thông vận tải, Tài chính, Khoa học công nghệ cùng các chuyên gia về phát triển đến từ Nhật Bản. 
   
  Phát biểu tại Hội thảo, ông Kenji Asakawa - Trưởng phòng Khí hậu và môi trường (Viện chiến lược và Môi trường toàn cầu Nhật Bản) đánh giá cao sự đóng góp tích cực của phía Việt Nam mà đặc biệt là Bộ TN&MT trong việc thực hiện dự án cơ chế tín chỉ chung JCM.
   
  “Hiện Nhật Bản đã phát triển tăng cường nhân lực cho việc thực hiện tín chỉ chung JCM tại 10 quốc gia trên thế giới. Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản mà trực tiếp là Bộ TN&MT Việt Nam, Bộ Môi trường và Bộ Kinh tế Thương mại & Công thương Nhật Bản đã ký kết chương trình phối hợp. Chúng tôi rất mong Bộ TN&MT cùng các Bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là các doanh nghiệp Việt Nam ủng hộ, tham gia dự án để góp phần giảm phát thải cacbon toàn cầu” – ông Asakawa nói.
   
  Cơ chế tín chỉ chung – JCM là phương pháp tiếp cận mới được đề xuất bởi Nhật Bản hay còn gọi là Cơ chế tín chỉ bù trừ song phương (BOCM). Phía Nhật Bản sẽ cung cấp tài chính, công nghệ để thực hiện các dự án giúp giảm phát thải khí nhà kính tại các quốc gia đối tác. Các dự án này được thực hiện chuyển đổi thành các tín chỉ cacbon và Nhật Bản có thể được sử dụng các tín chỉ này. Việc hợp tác về JCM mở ra một cơ hội để Việt Nam phát triển các công nghệ sạch.
   
  Tham gia cơ chế tín chỉ JCM, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được phía Nhật Bản hỗ trợ một lượng tài chính đáng kể để phát triển sạch và bền vững. Tính đến hết tháng 8/2014, Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương trao đổi, thảo luận với phía Nhật Bản và đã lựa chọn 4 dự án để triển khai thí điểm ngay trong năm 2014. 
   
  Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Tuệ - Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu nhấn mạnh: “Nhằm thúc đẩy triển khai thực hiện các dự án thí điểm, cũng như thực hiện Bản ghi nhớ đã được ký kết, việc tăng cường hiểu biết về Cơ chế JCM là rất cần thiết, đặc biệt là đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp của Việt Nam và Nhật Bản. Tôi đề nghị đại diện của phía Nhật Bản và các chuyên gia Việt Nam tích cực trao đổi về các vấn đề có liên quan, nhằm góp phần hoàn thiện các phương pháp luận, cũng như thực hiện hiệu quả các hoạt động liên quan đến Cơ chế JCM tại Việt Nam”.
   
  Dự kiến, đến cuối năm 2014, Bộ trưởng Bộ TN&MT sẽ ký, ban hành Thông tư quy định xây dựng và thực hiện các dự án theo cơ chế JCM tại Việt Nam.
   
Tin & ảnh: Việt Hùng