Hiểm họa sông Ba “nuốt chửng” buôn làng
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 00:00, 08/09/2014
(TN&MT) - Dòng sông Ba huyền thoại của vùng đất Tây Nguyên đã đi vào thơ ca, văn hóa ngàn đời bây giờ trở nên hung dữ lạ thường.
(TN&MT) - Bắt nguồn từ cao nguyên Kon Plông (tỉnh Kon Tum), sông Ba chảy qua nhiều địa phận của tỉnh Gia Lai và trở thành nguồn lợi lớn cho người dân nơi đây. Thế nhưng, dòng sông Ba huyền thoại của vùng đất Tây Nguyên đã đi vào thơ ca, văn hóa ngàn đời bây giờ trở nên hung dữ lạ thường. Nước sông cuồn cuộn gào thét, cuốn phăng tất cả những gì nó gặp phải như đất đá, nhà cửa, gia súc…, hay thậm chí là cả tính mạng của con người.
Hiểm họa từ sông Ba
Sông Ba hay còn gọi là sông Đà Rằng (theo tiếng Chăm cổ tức là con sông lau sậy), được bắt nguồn từ dãy núi Ngọc Linh, phía Tây Bắc tỉnh Kon Tum, từ độ cao hơn 2.000m so với mực nước biển, chảy qua 3 tỉnh Kon Tum, Gia Lai và Phú Yên. Sông Ba dài 374km, là một trong 9 hệ thống sông chính ở nước ta và là con sông lớn nhất ở khu vực Nam Trung Bộ. Đây cũng là một trong hai con sông lớn nhất Tây Nguyên có lưu vực rộng tới 13.900km2, trong đó 8.656km2 nằm trên địa phận tỉnh Gia Lai.
Sông Ba không những gắn liền với văn hóa bao đời nay của người dân bản địa mà còn là nguồn sống của hàng triệu người dân xung quanh nó, là nơi cung cấp nước sinh hoạt và nước sản xuất cho nhiều địa phương ở phía Đông và Đông Nam tỉnh Gia Lai. Trong đó, “chảo lửa” Krông Pa được xem là một trong những huyện được hưởng lợi nhiều nhất từ con sông này về thủy sinh, môi trường, khoáng sản… Hằng năm, sông Ba còn bồi đắp một lượng phù sa lớn cho vùng đất này, góp phần nâng cao sản lượng nông sản cho bà con nơi đây.
Tuy nhiên, những chuyện tốt đẹp ấy của dòng sông huyền thoại nay đã là “quá vãng”. Những năm trở lại đây, tình hình sạt lở đất hai bên bờ sông Ba đoạn chảy qua huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) ngày càng nghiêm trọng. Tìm đến UBND xã Chư Rcăm (huyện Krông Pa) vào một ngày đầu tháng 9/2014, trong cái nắng chang chang, chúng tôi được lãnh đạo xã dẫn đến buôn H’Lang (xã Chư Rcăm), một trong những nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất của sạt lở đất.
Đi trên con đường gập ghềnh qua buôn H’Lang, trước mắt chúng tôi là một khung cảnh nghèo nàn, trơ trọi cây cối. Ông Vũ Thanh Điểm, Phó Bí thư Đảng ủy xã Chư Rcăm, cho hay: trên địa bàn xã có trên 63% dân số là đồng bào Ja Rai, sinh sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp (trồng lúa, ngô). Trước kia, khi dòng chảy sông Ba còn nhỏ, đây là nơi cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất và đánh bắt cá cho người dân quanh đây. Song, vài năm trở lại đây, dòng chảy lớn hơn rất nhiều, mưa lũ xảy ra liên tục đã cuốn đi hầu hết đất canh tác màu mỡ và hoa màu của bà con dân làng. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của họ, đời sống đã nghèo nay lại càng khó khăn hơn.
Dừng chân tại bờ sông Ba phía sau buôn H’Lang, chúng tôi nhận thấy hiện sông Ba đã ăn sâu vào đất liền từ 15-20m, tạo thành vách đứng cao từ 7-15m. Từ đầu năm 2014 đến nay, vùng Đông Nam tỉnh Gia Lai chưa có trận mưa lớn nào nên sông xâm xấp nước, một vài người Ja Rai đang dùng ghe nhỏ để đánh bắt cá.
Chúng tôi gặp vợ chồng ông Nay Mép và bà Rơ Lan Tul đang gùi ngô từ trên rẫy về. Họ phải leo qua vách đứng do sạt lở bờ sông Ba mới lên được trên bờ. Dưới cái nắng gắt của những ngày đầu tháng 9, bà Rơ Lan Tul vừa lau vội giọt mồ hôi, vừa nói: “Mình với chồng đi bẻ ngô đã rất mệt nhưng vẫn phải trèo qua vách cao này để về buôn. Ngày trước, vách này thấp hơn, nhưng nay càng ngày càng cao do năm nào đất cũng sạt xuống, mỗi năm đi lại khó khăn hơn. Đất rẫy trồng ngô và ruộng lúa nhà mình bị sông Ba lấn vào gần hết rồi, không biết vài năm nữa có còn đất mà trồng trọt không”.
Cẩn thận di chuyển qua vách đất lở xuống gần lòng sông Ba, chúng tôi nói chuyện với anh Nay Thơm, người dân buôn H’Lang. Đang đánh bắt cá cùng anh em trong nhà, anh Nay Thơm cho biết: “Giờ này nước sông rút xuống nên anh em mình xuống dưới này đánh cá, chiều chiều đến tối nước sông lên, áp sát vào bờ, chảy mạnh lắm cuốn hết đất xuống sông. Năm ngoái khu nhà mồ của buôn mình ở đằng kia cũng bị cuốn theo dòng nước, giờ phải di chuyển nhà mồ ra chỗ khác. Mùa mưa đến, bà con Ja Rai trong buôn H’Lang sợ lắm, chỉ cần mưa to, lũ về là cả vùng này ngập trong biển nước, nhà cửa, gia súc bị cuốn trôi, nhiều người còn thiệt mạng hay mất tích”.
Theo chúng tôi được biết, không chỉ riêng gì xã Chư Rcăm mà tại nhiều xã khác trong huyện Krông Pa như Ia Rsai, Ia H’dreh, Ia Rmok, Ia Rsươm... và những nơi có sông Ba chảy qua như huyện Ia Pa, thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) cũng đang đối diện với tình trạng sạt lở đất đai, khiến nhà cửa, hoa màu bị thu hẹp, hệ thống cầu cống, đường giao thông... bị ảnh hưởng nặng nề.
Hi vọng và chờ đợi
Những năm gần đây, sông Ba đã có sự biến đổi dòng chảy rất lớn, tạo nên những đoạn xung yếu có chiều dài bất thường, gây sạt lở nghiêm trọng và kéo dài. Xã Chư Rcăm thuộc hữu ngạn sông Ba, có nhiều buôn làng chịu ảnh hưởng nặng bởi sạt lở đất. Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Krông Pa cho biết, buôn H’Lang có 239 hộ (với trên 1.300 nhân khẩu) thì có tới 110 hộ (với 560 nhân khẩu) đang trong tình trạng cần di dời khẩn cấp. Nhiều ngôi nhà chỉ cách mép sông Ba chừng 15-20m.
Trước thực trạng trên, những năm qua, huyện Krông Pa đã xây dựng phương án di dời các hộ dân sông trong vùng sạt lở để đảm bảo được an toàn tính mạng cũng như tài sản cho người dân trong mùa mưa bão và nhằm ổn định cuộc sống lâu dài, phát triển sản xuất bền vững cho nhân dân.
Ông Hà Văn Đường, Phó chủ tịch UBND xã Chư Rcăm (huyện Krông Pa), cho biết: Ngày 3/9/2014, UBND xã Chư Rcăm đã tiến hành đưa 68 hộ dân của buôn H’Lang sang khu tái định cư mới thuộc xã Ia Rsai (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) và giao cho UBND xã Ia Rsai quản lý. Những hộ dân còn lại nằm trong khu vực nguy hiểm do sạt lở thì vẫn phải “chờ” di dời vì chưa có đủ kinh phí để tiến hành.
Theo ông Đinh Xuân Duyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Krông Pa, khó khăn của địa phương là cơ sở hạ tầng để đưa dân đến tái định cư rất hạn hẹp. Đến nơi ở mới phải quy hoạch, đền bù giải phóng mặt bằng, rồi hệ thống điện, nước sinh hoạt và cơ sở hạ tầng... nên cần có nguồn kinh phí lớn.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường online, hiện nay huyện Krông Pa đã lập dự án bố trí dân cư vùng sạt lở buôn H’Lang, cách trung tâm xã Chư Rcăm 3km trình lên UBND tỉnh Gia Lai. Quy mô dự án sắp xếp, bố trí dân cư cho 110 hộ và các công trình cơ sở hạ tầng của buôn với diện tích 18ha. Sau khi san ủi mặt bằng, chia mỗi ô rộng 1ha để bố trí cho 10 hộ. Đường giao thông nội thôn dài 5.500m, rộng 10m, bố trí các cống thoát nước ngang và dọc ở các vị trí giao nhau.
Công trình hạ tầng bố trí ở khu vực giữa buôn và giáp đường liên thôn thành một cụm gồm trường học 6 phòng cho nhà trẻ, mầm non, tiểu học, sân thể thao, nhà sinh hoạt cộng đồng, trạm cấp nước tập trung, trạm điện… với diện tích bố trí 13.000m2. Khu vực nhà mồ và khu chứa rác thải bố trí phía Đông Nam thôn, cách đất ở 500m... Tổng mức đầu tư của dự án hơn 54 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, để đảm bảo tính ổn định lâu dài cho tài sản của người dân cùng các công trình giao thông, huyện Krông Pa cũng đã lập dự án xây dựng kè chống sạt lở bờ sông Ba gửi lên cấp trên. Dự án này được chia thành 6 địa điểm xây dựng và qua địa bàn các xã Ia Rsai, Ia Rsươm, qua khu vực cầu Lệ Bắc, quốc lộ 25, thuộc xã Chư Rcăm, với tổng chiều dài 5km. Tổng mức kinh phí đầu tư hơn 250 tỷ đồng.
Song, quy hoạch, thiết kế chi tiết là vậy, nhưng với một tỉnh miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội còn rất hạn hẹp như Gia Lai, thì để huy động được nguồn vốn hơn 300 tỷ đồng rõ ràng là “lực bất tòng tâm”. Và như vậy, chính quyền các cấp huyện vùng sâu Krông Pa cứ phải “chờ đợi và hi vọng”.
Sạt lở đất hai bên bờ sông Ba đã, đang và sẽ là hiểm họa khôn lường cho người dân huyện Krông Pa. Một mùa mưa bão đang chuẩn bị tràn về, với những tác hại ghê gớm. Đồng bào Ja Rai ở xã Chư Rcăm lại tiếp tục thấp thỏm lo âu, khi sông Ba chực chờ lấn sâu vào bờ, cuốn trôi nhà cửa, tài sản cùng rẫy vườn đã đồng hành cùng bà con suốt hàng chục năm qua.
Bài & ảnh: Quế Mai