Hòa Bình: Hơn 7.000 hộ ở vùng nguy cơ thiên tai chưa được di dời

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 00:00, 07/08/2014

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 7.146 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ thiên tai nhưng chưa được bố trí sắp xếp, ổn định đến nơi ở mới an toàn.
   
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 7.146 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ thiên tai nhưng chưa được bố trí sắp xếp, ổn định đến nơi ở mới an toàn. Trong đó huyện Lạc Thủy nhiều nhất với 2.447 hộ, tiếp đến là các huyện: Đà Bắc 1.038 hộ, Yên Thủy 1.007 hộ, Lạc Sơn: 875 hộ, Tân Lạc 700 hộ, Cao Phong 345 hộ, Kim Bôi 336 hộ, Mai Châu 190 hộ, Kỳ Sơn 99 hộ; Lương Sơn 41 hộ và thành phố Hòa Bình là 68 hộ. 

  Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, năm 2014 các yếu tố khí hậu, thời tiết diễn biến hết sức phức tạp. 
   
   
   
  Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho các hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ thiên tai, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hòa Bình) đã ban hành văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn của huyện và các phòng, ban liên quan thực hiện khảo sát, rà soát, cập nhật, xác định những khu vực dân cư nằm trong vùng có nguy cơ khi có mưa lũ xảy ra trên địa bàn.
   
  Các đơn vị này phải lập phương án theo dõi, cảnh báo thiên tai, phương án sơ tán và chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, trang thiết bị, hệ thống thông tin, nhu yếu phẩm cho hoạt động phòng, chống thiên tai để chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương các hậu quả khi có mưa lũ xảy ra. 

  Các đơn vị cũng cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra diễn biến thời tiết, thiên tai và các hiện tượng sạt lở đất, đá xảy ra trên địa bàn để kịp thời cảnh báo cho nhân dân di chuyển đến nơi an toàn; chủ động thực hiện phòng chống thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ".
   
  Cơ quan chức năng phải đặc biệt chú ý đến vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai và khu vực có các đối tượng dễ bị tổn thương; tại các khu vực có nguy cơ cao lũ ống, lũ quét, ngập úng, sạt lở đất, đá ở ven sông, suối, ven đồi phải tổ chức kiểm tra thường xuyên, chặt chẽ để cảnh báo cho nhân dân chủ động phòng tránh, di dời nhằm đảm bảo an toàn cho người và tài sản. Kiên quyết di chuyển dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn khi có tình huống cấp bách./.
   
TTXVN