Vũng Tàu: Quyết tâm xử lý triệt để các “điểm đen” về ô nhiễm môi trường
Tin tức - Ngày đăng : 12:28, 08/08/2019
Nhận diện các “điểm đen” ô nhiễm
Theo báo cáo mới đây của UBND TP. Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), hiện nay, các “điểm đen” về ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố tập trung chủ yếu tại khu vực kênh Bến Đình, khu vực Cửa Lấp và khu vực đê Hải Đăng. Các “điểm đen” đã tồn tại từ nhiều năm nay, do đó việc xử lý triệt để các “điểm đen” này còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, khu vực Cửa Lấp là một trong những điểm “nóng” nhất về tình trạng ô nhiễm môi trường của TP. Vũng Tàu tính đến thời điểm hiện nay.
Cụ thể, khu vực Cửa Lấp, nơi giáp ranh giữa TP. Vũng Tàu và huyện Long Điền (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), là 01 nhánh của sông Dinh, chảy qua TP. Vũng Tàu, huyện Long Điền rồi đổ ra biển. Đây là khu vực có ý nghĩa quan trọng đối với sinh hoạt cũng như hoạt động sản xuất của tỉnh và là khu vực tiếp giáp với bãi biển của các khu du lịch TP .Vũng Tàu. Tuy nhiên, thời gian qua, khu vực này đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi tình trạng ô nhiễm do nguồn nước thải chưa qua xử lý của các cơ sở chế biến hải sản.
Trong năm 2018, khu vực Cửa Lấp có 131 cơ sở chế biến hải sản, trong đó có 33 cơ sở cấp tỉnh quản lý, 98 cơ sở thuộc quyền quản lý của TP Vũng Tàu và huyện Long Điền. Thời gian qua, các ngành chức năng đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ môi trường nên tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động chế biến hải sản khu vực này đã được cải thiện. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một số cơ sở quy mô nhỏ, hộ gia đình chưa có giải pháp xử lý nước thải nên nước thải chưa qua xử lý vẫn đang được thải ra môi trường, gây ô nhiễm, bức xúc cho người dân.
Tiếp theo là khu vực kênh Bến Đình thuộc địa bàn phường 5, 9, Thắng Nhì (TP. Vũng Tàu), đây là một trong những tuyến kênh quan trọng trong hoạt động đường thủy của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Cùng với sự phát triển nghề cá, tình hình ô nhiễm môi trường tại khu vực này đang ngày càng nghiêm trọng. Tình trạng xả rác, nước thải bẩn xuống kênh của một số hộ sinh sống ven kênh và một số chủ tàu đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Trong khi đó, dự án nạo vét kênh Bến Đình đã được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có chủ trương thực hiện từ năm 2002, tuy nhiên đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện nên tình trạng ứ đọng bùn cát và chất thải lâu ngày càng khiến kênh này bị ô nhiễm trầm trọng hơn. Còn tại khu vực đê Hải Đăng, phường 12 (TP. Vũng Tàu), hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi do hoạt động chế biến hải sản cũng chưa được xử lý triệt để gây ảnh hưởng đến môi trường sống và sức khỏe của người dân.
Triển khai nhiều giải pháp căn cơ
Cũng theo báo cáo của UBND TP. Vũng Tàu, vấn đề bảo vệ môi trường đã và đang được chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm. Theo đó, để cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường kênh Bến Đình, ngày 24/5/2018, UBND TP. Vũng Tàu đã ban hành Quyết định số 2298/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch tổng thể cải thiện môi trường kênh Bến Đình thuộc các phường 5, 9, Thắng Nhì (TP. Vũng Tàu), trong đó đã giao cụ thể nhiệm vụ thực hiện cho từng cơ quan, đơn vị để thực hiện.
Bên cạnh đó, từ năm 2018 đến nay, UBND TP. Vũng Tàu đã ban hành 15 Văn bản chỉ đạo liên quan đến việc cải thiện ô nhiễm môi trường kênh Bến Đình. Song song đó, UBND TP. Vũng Tàu cũng đã tổ chức sơ kết để đánh giá kết quả bước đầu và đề ra các phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tiếp theo. Ngoài ra, UBND TP. Vũng Tàu còn hướng dẫn các chủ tàu và hộ dân ký bản cam kết thu gom chất thải.
Đồng thời, gửi Thư ngỏ đến HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ các phường: 5, 9, Thắng Nhì, toàn thể nhân dân các phường này và chủ các phương tiện tàu, thuyền hoạt động trên kênh Bến Đình quyết tâm thực hiện chủ trương của TP. Vũng Tàu, cùng chung tay hành động để thực hiện mục tiêu “Thực hiện đổ rác đúng nơi quy định, không xả rác, đổ rác thải gây ô nhiễm môi trường, không phóng uế bừa bãi xuống kênh Bến Đình, không xây dựng lấn chiếm kênh Bến Đình”.
Ngoài ra, UBND TP. Vũng Tàu cũng đã ban hành Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với các cơ sở hoạt động ven kênh và các phương tiện hoạt động trên kênh Bến Đình để hướng dẫn, chấn chỉnh, đề ra lộ trình khắc phục đối với các vấn đề còn tồn tại về môi trường của các cơ sở, phương tiện...
Đối với khu vực Cửa Lấp, UBND TP. Vũng Tàu đã tổ chức kiểm tra định kỳ hàng năm, đề xuất xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm về môi trường. Từ năm 2017 đến nay, Thành phố đã ban hành 25 văn bản chỉ đạo liên quan đến giải quyết ô nhiễm môi trường khu vực Cửa Lấp, xử phạt và đề xuất tỉnh xử phạt gần 02 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động có thời hạn 04 cơ sở chế biến hải sản.
Trong 06 tháng đầu năm 2019, UBND TP. Vũng Tàu cũng đã phối hợp với Xí nghiệp Cấp nước Vũng Tàu triển khai thực hiện cắt nước đối với 12 cơ sở chế biến hải sản trên địa bàn phường 12, trong đó 02 cơ sở theo danh sách “điểm nóng” của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và 10 cơ sở phát sinh mới, tính đến thời điểm hiện nay 12 cơ sở đã ngưng hoạt động hoàn toàn.
Đối với “điểm đen” ô nhiễm môi trường khu vực đê Hải Đăng, UBND TP. Vũng Tàu đã chỉ đạo UBND phường 12 thường xuyên ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường đặc biệt khu vực dưới gầm cầu và dọc 02 tuyến đê định kỳ theo tháng, quý; kiểm tra, kịp thời ngăn chặn, xử lý các trường hợp xây dựng không phép, trái phép khu vực đê chân cầu Cửa Lấp.
Cùng với đó, tuyên tuyền, vận động người dân địa phương thu gom rác thải, bỏ rác đúng nơi quy định. Riêng đối với các hộ dân sinh sống và làm nghề biển khu vực đê Hải Đăng, TP. Vũng Tàu cũng đã hướng dẫn người dân sinh hoạt đảm bảo vệ sinh môi trường. Ngoài ra, khảo sát, đề xuất các khu vực cần cải tạo nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị.
Lãnh đạo TP. Vũng Tàu cho biết: Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân TP. Vũng Tàu, đến nay các “điểm đen” về ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố đã được khắc phục, cải thiện đáng kể. Trong đó, phải kể đến môi trường khu vực kênh Bến Đình. Hiện nay, môi trường tại khu vực này đã có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực.
Đặc biệt là khu vực phường Thắng Nhì, lượng rác trôi nổi trên kênh đã giảm đáng kể; 100% các hộ dân sinh sống trên địa bàn phường Thắng Nhì, phường 5 đã chuyển giao rác thải phát sinh hàng ngày cho các đơn vị thu gom rác tại địa phương; ý thức bảo vệ môi trường của người dân sống trong khu vực kênh Bến Đình được nâng cao, người dân ủng hộ chủ trương của thành phố, thường xuyên phối hợp với các cơ quan quản lý ra quân dọn vệ sinh môi trường tại khu vực này.
Bên cạnh đó, đối với các cơ sở sản xuất hoạt động ven kênh đã có những động thái tích cực về bảo vệ môi trường. Các Cảng cá đã có bảng thông báo, sơ đồ hướng dẫn, trang bị các thùng thu gom rác thải. Theo đó, tất cả tàu thuyền cập Cảng phải thực hiện thu gom các loại chất thải cho Ban Quản lý Cảng cá để vận chuyển, xử lý; các Cảng cá đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung, tuyệt đối không để nước trên bề mặt Cảng xả thải trực tiếp xuống kênh.
Cũng theo bà Trương Thị Hường, nhằm xử lý triệt để 03 “điểm đen” về ô nhiễm môi trường, thời gian tới, TP. Vũng Tàu tiếp tục thực hiện Kế hoạch nhằm cải thiện ô nhiễm môi trường kênh Bến Đình; duy trì công tác tuyên truyền, ra quân dọn dẹp vệ sinh khu vực kênh; tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở chế biến hải sản; kiểm tra xử lý theo danh sách “điểm nóng” của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đối với các cơ sở đã cắt nước nếu tiếp tục có hành vi tái phạm, UBND TP. Vũng Tàu sẽ kiên quyết xử lý vi phạm về xây dựng nhà xưởng. Ngoài ra, TP. Vũng Tàu cũng sẽ đẩy nhanh công tác bồi thường và giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Cụm tiểu thủ công nghiệp Phước Thắng để di dời các cơ sở sản xuất nằm xen kẽ trong khu dân cư vào khu công nghiệp tập trung… trên địa bàn.