Cao Bằng: Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn
Tin tức - Ngày đăng : 22:42, 05/08/2019
Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB), có tổng kinh phí thực hiện 225,5 triệu USD, được thực hiện từ năm 2016 - 2020 ở 21 tỉnh còn nhiều khó khăn về nguồn nước sinh hoạt cũng như nề nếp vệ sinh môi trường, đặc biệt là ở những nơi vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số.
Tại tỉnh Cao Bằng, chương trình sẽ thực hiện mục tiêu đấu nối cấp nước khoảng 12.600 đấu nối hoạt động; 35 xã đạt vệ sinh toàn xã; xây mới hoặc cải tạo khoảng 5.150 nhà tiêu hợp vệ sinh; xây mới, cải tạo công trình cấp nước và vệ sinh cho 56 trường học; 46 trạm y tế được xây mới, nâng cấp hoặc sửa chữa các công trình vệ sinh. Với tổng nguồn vốn thực hiện hơn 10 triệu 306 nghìn USD, gồm vốn vay Ngân hàng Thế giới hơn 9 triệu 392 nghìn USD, vốn đối ứng hơn 914 nghìn USD. Chương trình nhằm cải thiện hành vi vệ sinh, tăng cường tiếp cận bền vững nguồn nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Đồng thời, góp phần thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường nông thôn trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Chương trình gồm 3 hợp phần: Cấp nước nông thôn; vệ sinh môi trường nông thôn; nâng cao năng lực, truyền thông, giám sát và đánh giá.
Tỉnh Cao Bằng hiện có 73% số hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu, trong đó, 49,73% nhà tiêu hợp vệ sinh; 94,5% trạm y tế xã, phường có nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh; 69,07% trường học có nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh; 56,66% hộ chăn nuôi gia súc có chuồng trại hợp vệ sinh. Về cấp nước sinh hoạt nông thôn, toàn tỉnh có 866 công trình cấp nước tập trung, trong đó, 6,47% công trình hoạt động bền vững. 88% người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; 83,98% người nghèo được sử dụng nước hợp vệ sinh.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, chương trình sẽ đầu tư cải tạo 12.600 đấu nối; phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có 90% số dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Năm 2019, triển khai thực hiện vệ sinh toàn xã tại 6 xã: Phù Ngọc, Đào Ngạn (Hà Quảng); Chí Thảo, Phi Hải (Quảng Uyên); Đức Long, Đức Xuân (Thạch An). Xây mới 3 công trình, cải tạo 17 công trình cấp nước sinh hoạt đã xuống cấp nhằm đạt mức đầu nối mới trong năm là 5.880 đầu nối tại 26 xã thuộc 8 huyện trong tỉnh. Tập huấn về Sổ tay hướng dẫn thực hiện chương trình và hướng dẫn thực hiện các vấn đề về giới và dân tộc thiểu số; tập huấn về Sổ tay hướng dẫn và quy trình vận hành, bảo dưỡng các công trình cấp nước do UBND xã/cộng đồng quản lý cho cán bộ quản lý và vận hành công trình, thông tin giáo dục truyền thông về cấp nước; tổ chức họp tham vấn cộng đồng về các công trình cấp nước tại các xã triển khai trong năm 2019; tập huấn cho giảng viên nòng cốt (TOT), cán bộ thực hiện chương trình cấp huyện, xã, thôn, bản, khu vực tư nhân; tập huấn cho giảng viên nòng cốt của hệ thống giáo dục để cải thiện năng lực của ngành giáo dục và đào tạo, tăng cường khả năng hiểu và thực hiện hoạt động thay đổi hành vi trong trường học, duy trì tính bền vững của công trình cấp nước, vệ sinh.
Hội nghị tiến hành thảo luận về kế hoạch thực hiện các hợp phần, kế hoạch thực hiện đầu tư xây mới, cải tạo công trình nước và vệ sinh trạm y tế xã; nâng cao năng lực truyền thông, giám sát, đánh giá chương trình, nhằm thực hiện hiệu quả chương trình trên địa bàn tỉnh năm 2019 và những năm tiếp theo.