TP.HCM: Hai nhiệm vụ cấp bách trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt

Tin tức - Ngày đăng : 12:28, 22/07/2019

(TN&MT) - TP.HCM đang trong giai đoạn tăng tốc chuyển đổi công nghệ xử lý rác thải từ chôn lấp hợp vệ sinh sang đốt phát điện, sản xuất phân compost nhằm hạn chế mùi hôi phát sinh từ quá trình xử lý. Đồng thời, Thành phố cũng đang gấp rút sắp xếp lại lực lượng rác dân lập cũng như chuyển đổi hàng ngàn phương tiện thu gom, vận chuyển rác không đạt chuẩn.
xe rac
Lực lượng rác dân lập tham quan mẫu xe thu gom rác đạt chuẩn

Chuyển đổi công nghệ xử lý rác

TP.HCM mỗi ngày phát sinh hơn 8.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt, tất cả đều được thu gom, xử lý an toàn, hợp vệ sinh. Tuy nhiên, đến nay, công nghệ xử lý rác của đô thị lớn nhất cả nước này chủ yếu là chôn lấp hợp vệ sinh (70%), còn lại là công nghệ đốt không phát điện và sản xuất phân compost.

Hiện nay, tất cả khối lượng rác thải sinh hoạt của thành phố được thu gom và chuyển về 03 Nhà máy xử lý, trong đó Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (Đa Phước, Bình Chánh) xử lý 5.000 tấn bằng hình thức chôn lấp hợp vệ sinh; Nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa và Nhà máy xử lý rác VietStar (Khu xử lý rác Tây Bắc Củ Chi) xử lý hơn 3.000 tấn bằng công nghệ đốt (không phát điện) và làm phân compost (tỷ lệ tro sỉ loại ra phải chôn lấp còn tương đối lớn). 

Tuy nhiên, thời gian qua, người dân sinh sống xung quanh cả 03 nhà máy xử lý rác thải trên đều phản ánh tình trạng ô nhiễm về mùi hôi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt và sức khỏe. Người dân đã nhiều lần phản ánh đến các cấp chính quyền thành phố đề nghị có biện pháp xử lý, ngăn mùi hôi phát tán ra môi trường trong quá trình xử lý rác.

Theo Nghị quyết số 03/NQ-HĐND ngày 11/6/2017 của HĐND TP.HCM về công tác bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư và quản lý chất thải trên địa bàn thành phố, đến năm 2020, giảm tỉ lệ rác thải chôn lấp xuống 50% và giảm xuống còn 20% vào năm 2025.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: Nhằm đảm bảo mục tiêu này, một mặt thành phố sẽ chuyển đổi công nghệ xử lý tại các nhà máy rác hiện hữu và kêu gọi đầu tư nhà máy xử lý rác bằng công nghệ hiện đại trên thế giới - đốt rác phát điện.

Về chuyển đổi công nghệ, hiện chủ đầu tư Khu xử lý rác Đa Phước đã cam kết chuyển 2.000 tấn rác đang được chôn lấp hợp vệ sinh sang công nghệ đốt, thu khí gas; Công ty Tâm Sinh Nghĩa và Công ty VietStar đang quá trình làm thủ tục xin giấy phép để xây dựng nhà máy xử lý rác dùng công nghệ đốt phát điện với tổng công suất 6.000 tấn. Sở TN&MT đã yêu cầu 02 doanh nghiệp này đến cuối năm 2020 phải đưa vào vận hành 02 nhà máy này, nếu không chuyển đổi công nghệ buộc phải dừng một phần hợp đồng đã ký trước đây với các nhà máy.

Về xây dựng các dự án xử lý rác bằng công nghệ mới, từ ngày 5/8 đến 5/9/2019, Sở TN&MT TP.HCM sẽ triển khai đấu thầu rộng rãi đầu tư nhà máy xử lý rác bằng công nghệ đốt phát điện có công suất 1.000 tấn/ ngày. Đồng thời, Sở TN&MT sẽ tham mưu UBND Thành phố rút ngắn quy trình đấu thầu để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phấn đấu khởi công trong quý 2/2020. 

“Chuẩn hóa” lực lượng rác dân lập

Hiện tại, công tác thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn TP.HCM được thực hiện bởi hai hệ thống: Hệ thống thu gom công lập, chiếm tỷ lệ thu gom khoảng 40%; hệ thống thu gom rác dân lập, chiếm khoảng 60%. Mặc dù chiếm tỷ lệ thu gom lớn, nhưng quy mô hoạt động của lực lượng thu gom rác dân lập còn nhỏ lẻ, phân tán; phương tiện thu gom tại nguồn hầu hết còn khá thô sơ (đa số là xe ba gác, xe thùng gắn vào xe máy kéo…) không đảm bảo yêu cầu về môi trường và an toàn khi tham gia giao thông.

Chính vì vậy, trong những năm qua, TP.HCM đang triển khai từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng thu gom rác dân lập theo hướng chuyên nghiệp, phương tiện thu gom được đồng bộ, thống nhất đáp ứng yêu cầu vệ sinh môi trường đô thị.

TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2020, hoàn thành việc chuyển đổi lực lượng thu gom rác dân lập thành các hợp tác xã (HTX) hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân; đến năm 2021, toàn bộ dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt được đấu thầu định kỳ; đảm bảo phương tiện, thiết bị thu gom, vận chuyển phù hợp với các nhóm chất thải đã được phân loại.

Đến thời điểm tháng 4/2019, UBND các quận - huyện đã vận động được hơn 616 Tổ, đường dây rác dân lập gia nhập vào HTX Vệ sinh môi trường hoặc chuyển đổi lên Công ty tư nhân; đồng thời, Thành phố hiện có có 23 HTX vệ sinh môi trường và 160 Công ty tư nhân thu gom rác.

Đặc biệt, ngày 02/10/2018, UBND TP.HCM đã ra văn bản yêu cầu các đơn vị thu gom hoàn tất việc chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển đạt chuẩn về môi trường chậm nhất đến hết tháng 10/2019. Như vậy, chỉ còn rất ít thời gian cho việc hoàn thành  tuy nhiên đến nay nhiều thành viên của lực lượng rác dân lập vẫn còn nhiều băn khoăn và chưa thật sự sẵn sàng.

Ông Võ Văn Hùng, Giám đốc HTX Dịch vụ Môi trường Bình Chánh kiến nghị: “Thành phố cần có những bước đi phù hợp với điều kiện của lực lượng thu gom rác và đặc thù của từng địa bàn. Bởi HTX của ông hiện có 153 phương tiện phải chuyển đổi, nếu tính bình quân 400 triệu/ xe thì HTX phải cần hơn 60 tỷ đồng.

Đây là mức kinh phí quá lớn nên cần phải có lộ trình dài hơi và hợp lý. Đối với các đường dây rác chưa vào HTX, thành lập Công ty tư nhân hay những hộ thu gom nhỏ lẻ thì vấn đề mức giá để mua mới phương tiện thu gom, vận chuyển rác đạt chuẩn càng là vấn đề nghiêm trọng, kể cả khi đã được hỗ trợ vốn vay”.

Còn ông Phạm Văn Tuyên, một đường dây rác dân lập tại phường Phú Trung (quận Tân Phú) cho biết, việc mua xe gom rác đạt chuẩn trước thời điểm tháng 10/2019 là “quá sức” và hiện tại đang rất lo lắng, chưa có cách giải quyết.

Như vậy, rõ ràng lộ trình hoàn tất việc chuyển đổi phương tiện thu gom rác đạt chuẩn và sắp xếp lại đội ngũ rác dân lập của TP.HCM rất khó có thể hoàn thành đúng kế hoạch.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: Định hướng của thành phố là toàn bộ dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn được đấu thầu, do đó việc tổ chức, sắp xếp lực lượng thu gom  rác dân lập vào HTX hoặc doanh nghiệp, thực hiện đồng thời việc chuyển đổi phương tiện thu gom tại nguồn phù hợp với quy định nhằm giúp cho lực lượng thu gom rác dân lập đủ năng lực, điều kiện tham gia vào công tác đấu thầu thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn khi thành phố triển khai đồng bộ trên địa bàn 24 quận, huyện.

Ngày 22/10/2018, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 38 về khung giá dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố với tinh thần tính đúng tính đủ, tiến tới mục tiêu người xả rác (chủ nguồn thải) phải chi trả toàn bộ chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác, góp phần đảm bảo hỗ kịp thời cho hệ thống thu gom, vận chuyển rác nói chung là lực lượng rác dân lập nói riêng.