Đấu tranh với vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã: Không để nhờn luật

Tin tức - Ngày đăng : 11:23, 23/07/2019

(TN&MT) - Khó có thể thống kê hết được số loài hoang dã nguy cấp đang dần bị khai thác cạn kiệt để phục vụ cho buôn bán trái phép qua biên giới tại các châu lục, điều này không những ảnh hưởng tiêu cực tới nguồn tài nguyên thiên nhiên, đẩy nhiều loài đến bờ vực tuyệt chủng mà còn trở thành vấn đề tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, có các mối liên hệ với tội phạm buôn bán ma túy, buôn người, rửa tiền....
Anh 1 trang 8
Một vụ buôn bán ngà voi xuyên biên giới được các lực lượng chức năng phát hiện. Ảnh: Lan Anh

Với quyết tâm thanh lọc loại hình tội phạm này, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị Chỉ thị số 28/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách phòng ngừa, đấu tranh với hành vi xâm hại các loài động vật hoang dã trái pháp luật. Chỉ thị khẳng định cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong việc đấu tranh với tình trạng buôn bán trái phép loài hoang dã diễn ra hiện nay.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn rà soát, kiểm tra, xử lý nghiêm các hoạt động buôn bán ngà voi, sừng tê giác trái pháp luật; tập trung kiểm tra các làng nghề, cơ sở chế biến, cửa hàng bán đồ lưu niệm tại các địa điểm du lịch, sân bay, bến tàu, cơ sở buôn bán, bào chế thuốc y học cổ truyền,… và công khai kết quả xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trường hợp để xảy ra vi phạm, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc để xảy ra các vi phạm tại địa bàn do mình quản lý.

Lực lượng chức năng thả động vật về môi trường thiên nhiên Ảnh Văn Đát
Lực lượng chức năng thu giữ và trả động vật hoang dã về với môi trường tự nhiên

Năm 2018, đánh dấu một khởi đầu mới trong nỗ lực ngăn chặn tình trạng buôn bán ĐVHD tại Việt Nam của các cơ quan chức năng. Một số bản án nghiêm khắc trong thời gian gần đây cho thấy, cơ quan tiến hành tố tụng tại các địa phương đã nhận thức được tính nghiêm trọng và sự cần thiết phải nghiêm trị các tội phạm về ĐVHD theo quy định của pháp luật.

Tiêu biểu trong năm 2018, hai bản án tù giam đã được tuyên đối với hai đối tượng được cho là cầm đầu các đường dây buôn bán ĐVHD lớn xuyên quốc gia. Trong đó, Hoàng Tuấn Hải phải chịu án 4 năm 6 tháng tù giam (đã có hiệu lực) cho hành vi buôn bán trái phép rùa biển và Nguyễn Mậu Chiến - đối tượng cầm đầu một đường dây buôn lậu ĐVHD lớn tại Việt Nam cũng nhận án 13 tháng tù giam (bản án phúc thẩm là 16 tháng tù giam) cho hành vi tàng trữ, vận chuyển trái phép sừng tê giác và các sản phẩm của loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm khác. Ngoài ra, trong một số vụ án quan trọng khác, các đối tượng cũng bị xử lý thích đáng theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

Đã đến lúc những kẻ cầm đầu của các mạng lưới buôn lậu ĐVHD của Việt Nam phải chịu trách nhiệm trước pháp luật vì thu lợi bất chính từ hoạt động buôn bán các loài ĐVHD nguy cấp, quý hiếm, gây đe dọa đến môi trường, đời sống con người cũng như ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.