TP.HCM: Tăng tốc chuyển đổi công nghệ xử lý rác
Tin tức - Ngày đăng : 15:46, 19/07/2019
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết, theo Nghị quyết số 03/NQ-HĐND ngày 11/6/2017 của HĐND Thành phố về công tác bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư và quản lý chất thải trên địa bàn thành phố, đến năm 2020, giảm tỉ lệ rác thải chôn lấp xuống 50% và giảm xuống còn 20% vào năm 2025.
Hiện nay, TP.HCM có 3 nhà máy xử lý rác với tổng công suất hơn 8.000 tấn mỗi ngày. Trong đó, Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (Đa Phước, Bình Chánh) xử lý 5.000 tấn bằng hình thức chôn lấp hợp vệ sinh. Đồng thời, Nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa và Nhà máy xử lý rác VietStar (Khu xử lý rác Tây Bắc Củ Chi) xử lý hơn 3.000 tấn bằng công nghệ đốt và làm phân compost.
Tuy nhiên, 02 nhà máy này mặc dù sử dụng công nghệ đốt rác nhưng không phát điện; đồng thời sản xuất phân compost nhưng tỷ lệ tro sỉ loại ra phải chôn lấp còn tương đối lớn. Nhằm đảm bảo mục tiêu đến năm 2020 giảm tỷ lệ chôn lấp rác xuống 50%, một mặt Thành phố sẽ chuyển đổi công nghệ xử lý tại các nhà máy rác hiện hữu và kêu gọi đầu tư nhà máy xử lý rác bằng công nghệ hiện đại trên thế giới (đốt rác phát điện).
Về chuyển đổi công nghệ, hiện chủ đầu tư Khu xử lý rác Đa Phước đã cam kết chuyển 2.000 tấn rác đang được chôn lấp hợp vệ sinh sang công nghệ đốt, thu khí gas; Công ty Tâm Sinh Nghĩa và Công ty VietStar đang quá trình làm thủ tục xin giấy phép để xây dựng nhà máy xử lý rác dùng công nghệ đốt phát điện với tổng công suất 6.000 tấn. Sở TN&MT đã yêu cầu 02 doanh nghiệp này đến cuối năm 2020 phải đưa vào vận hành 02 nhà máy này, nếu không chuyển đổi công nghệ buộc phải dừng một phần hợp đồng đã ký trước đây với các nhà máy.
Về xây dựng các dự án xử lý rác bằng công nghệ mới, từ ngày 5/8 đến 5/9/2019, Sở TN&MT TP.HCM sẽ triển khai đấu thầu rộng rãi đầu tư nhà máy xử lý rác bằng công nghệ đốt phát điện có công suất 1.000 tấn/ ngày. Đồng thời, Sở TN&MT sẽ tham mưu UBND TP.HCM rút ngắn quy trình đấu thầu để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phấn đấu khởi công trong quý 2/2020.
Phát biểu chỉ đạo về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị Sở TN&MT cần tăng cường giám sát các doanh nghiệp đã cam kết chuyển đổi công nghệ xử lý rác phải thực hiện nghiêm lộ trình, đảm bảo hoàn thành các dự án đúng tiến độ. Nếu như các nhà máy không thực hiện chuyển đổi đúng kế hoạch sẽ kiên quyết đình chỉ hoạt động.
Về xây dựng các nhà máy xử lý rác bằng công nghệ mới, Sở TN&MT cần thực hiện đúng lộ trình đã đưa ra trong việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; đồng thời trong quá trình triển khai xây dựng dự án nếu gặp vướng mắc thì cần xin ý kiến chỉ đạo kịp thời của Lãnh đạo Thành phố và các Bộ ngành liên quan.
Thực hiện Chỉ thị số 19 ngày 19/10/2018 của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về thực hiện cuộc vận động “Người dân không xả rác ra đường và kênh rạch vì thành phố sạch và giảm ngập nước”, đến nay, toàn thành phố đã xóa 79 điểm phát sinh rác tự phát gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Tổ chức vớt lục bình, rong cỏ, rác thải, nạo vét khơi thông dòng chảy tại các tuyến kênh rạch, đã phát quang các bụi rậm, thu gom rác thải, khơi thông dòng chảy tại 09 tuyến kênh rạch.
Triển khai xây dựng hệ thống tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh về trật tự đô thị và vệ sinh môi trường; tiếp nhận và giải quyết 2.570/2.590 ý kiến phản ánh của người dân (đạt tỷ lệ 99,2%) bằng nhiều hình thức khác nhau. Kiểm tra, nhắc nhở 172 trường hợp vi phạm, lập biên bản, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 359 trường hợp với số tiền phạt khoảng 279 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, sử dụng trái phép các công trình trên bề mặt nước...
Hoạt động tuyên truyền chương trình giảm sử dụng túi ni lông và rác thải nhựa đã tác động tích cực đến nhận thức, thái độ và hành vi sử dụng túi nylon khó phân huỷ của cộng đồng; các hệ thống siêu thị đều đã áp dụng các giải pháp giảm sử dụng túi nylon, chuyển sang sử dụng túi nylon thân thiện với môi trường; các hoạt động “nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nylon khó phân huỷ”, mô hình kinh doanh giảm thiểu rác thải nhựa… ngày càng phổ biến trên địa bàn thành phố.