Việc xả nước hồ Tây vào sông Tô Lịch khiến quá trình thí điểm công nghệ xử lý nước thải Nhật Bản gần như phải làm lại từ đầu

Tin tức - Ngày đăng : 13:39, 17/07/2019

(TN&MT) - Khoảng 1,5 triệu m3 nước từ hồ Tây được xả vào sông Tô Lịch đã cuốn đi hầu hết các vi sinh vật sản sinh quá trình thí điểm xử lý nước sông ô nhiễm bằng công nghệ Nhật Bản được triển khai ở đầu nguồn con sông này, khiến quá trình thí điểm để đánh giá tác động gần như phải làm lại từ đầu.
dsc03190 1
Lượng nước lớn đổ vào sông Tô Lịch

Liên quan đến việc đơn vị vận hành hồ Tây tiến hành xả khoảng 1,5 triệu m3 nước từ Hồ Tây vào sông Tô Lịch từ ngày 9 đến 12/7/2019, mới đây Chủ tịch Tổ chức xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản đã chính thức gửi Công văn tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Hà Nội, các Sở, ngành, đơn vị liên quan về việc báo cáo về ảnh hưởng của sự việc đến kết quả quá trình thí điểm của Công nghệ Nano-Bioreactor đang được triển khai ở đầu nguồn con sông này.

“Sau khi chuyên gia Nhật Bản chúng tôi kiểm tra hệ vi sinh vật của tấm Bioreactor thì thấy toàn bộ hệ vi sinh vật có lợi do các tấm Bioreactor kích hoạt trong vòng gần 2 tháng qua đã trong chốc lát bị cuốn trôi và không còn ở khu 300m để đánh giá nữa.

dsc03185 1
Lượng nước lớn làm ngập chìm hệ thống phun mưa của khu thí điểm

Do vậy, gần như chúng tôi phải làm lại từ đầu và cần thời gian tối thiểu trên 1 tháng để kích hoạt trở lại hệ vi sinh vật có lợi thì lấy mẫu đánh giá ở khu vực thí điểm mới chính xác, khách quan. Do vậy, Tổ chức xúc tiến Thương mại-Môi trường Nhật Bản trân trọng báo cáo với Ngài Thủ tướng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND Thành phố Hà Nội cùng các Sở, ngành, đơn vị có liên quan về việc lùi thời gian thí điểm thêm 02 tháng”, trích đoạn báo cáo nêu.

Qua sự việc, Tổ chức xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản cũng đề nghị đơn vị vận hành hồ Tây cố gắng điều chỉnh việc xả nước từ Hồ Tây sau khi thí điểm của chúng tôi hoàn thành, trừ trường hợp bất khả kháng bão lũ tràn về gây mất an toàn cho Hồ Tây thì bắt buộc phải xả nước để quá trình thí điểm có kết quả tốt nhất.