Tàu đánh cá và phương tiện thủy nội địa phát sinh ô nhiễm dầu nghiêm trọng
Tin tức - Ngày đăng : 18:44, 28/06/2019
Theo các chuyên gia về môi trường, các phương tiện tàu biển là nguồn gây ô nhiễm rất lớn đối với môi trường. Đặc biệt tại các thành phố cảng và ven biển do chúng sử dụng nhiên liệu nhựa đường kém chất lượng, có lượng khí thải rất cao. Hoạt động của tàu biển (bao gồm cả tàu cá và tàu hàng) là một trong những nguồn nhân tạo đóng góp đáng kể vào sự ô nhiễm không khí.
Trong khi đó, ô nhiễm dầu và dầu tràn dù nồng độ dầu trong nước chỉ 0,1mg/l cũng có thể gây chết các loài sinh vật phù du và ảnh hưởng lớn đến con non và ấu trùng của các sinh vật đáy biển.
Giám đốc điều hành Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam thuộc Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) – ông Phạn Văn Sơn cho hay, qua thực tiễn 21 năm hoạt động trong lĩnh vực ứng phó sự cố và xử lý ô nhiễm dầu tràn nhận thấy, tổng lượng dầu khoáng xả ra môi trường từ các cơ sở trên bờ, các phương tiện nổi dưới nước gộp lại nhiều hơn gấp hàng trăm lần so với tổng lượng dầu khoáng từ các sự cố tràn dầu mà các phương tiện truyền thông và cơ quan quản lý biết đến.
Để ngăn ngừa ô nhiễm dầu đối với môi trường nước, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư 20/VBHN-BGTVT ngày 19 tháng 11 năm 2013 về tiêu chuẩn kĩ thuật quốc gia ngăn ngừa ô nhiễm do phương tiện thủy nội địa (Qui phạm QCVN 17/2011/BGTVT). Tuy nhiên, văn bản này chỉ tác động đến một phần nhỏ trong tổng số các loại phương tiện nổi hoạt động trên mặt nước tại Việt Nam.
Mặt khác, việc tuân thủ Quy phạm ngăn ngừa ô nhiễm do phương tiện thủy nội địa QCVN 17/2011/BGTVT bị vướng mắc. Cụ thể, các phương tiện thủy nội địa có động cơ thủy công suất dưới 220kW phải thu gom nước đáy tàu nhiễm dầu vào bồn/can chứa, đưa lên bờ giao cho các trạm xử lý tập trung. Trong khi, hiện nay tại Việt Nam chưa có các trạm xử lý nước đáy tàu tập trung tại các cảng. Thậm chí, nếu có trạm xử lý nước đáy tàu tập trung như vậy thì mỗi ngày có hàng chục cho đến trăm tàu thuyền tại mỗi cảng phải mất phần lớn thời gian hoạt động sản xuất cho chờ đợi tới lượt xách nước/bơm nước từ tàu lên trạm xử lý tại cảng. Đây là điều khó khả thi.
Cho đến nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chưa ban hành các văn bản, quy phạm liên quan đến ngăn ngừa ô nhiễm môi trường do dầu phát sinh từ nước đáy tàu của tàu thuyền đánh cá.
Theo ông Phạn Văn Sơn, tình trạng dầu rò rỉ từ động cơ thủy, ống dẫn, van nối… rơi xuống khoang nước đáy tàu; động cơ thủy của tàu thuyền đánh cá thường cũ nên lượng dầu rò rỉ càng nhiều và diễn ra phổ biến. Dầu nổi sẽ nhanh chóng bị khuyếch tán, nhũ tương trong khoang nước đáy tàu do bị tác động rung của động cơ thủy, của sóng, tạo thành các hạt keo dầu nước hoặc keo nước dầu làm tăng khối lượng nước nhiễm dầu lên nhiều lần. Khi bơm xả nước từ khoang đáy tàu ra môi trường, mắt thường chỉ thấy váng dầu mỏng nổi trên mặt nước bởi nguyên nhân này.
Do vậy, lượng dầu xả ra môi trường của hàng trăm ngàn tàu thuyền đánh cá nói riêng và hàng triệu các phương tiện nổi khác, các cơ sở trên bờ nói chung gây ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng, làm suy hại nguồn lợi thủy sản.
“Chỉ có giải pháp xử lý tại chỗ nước đáy tàu nhiễm dầu bằng vật liệu có khả năng thu hồi dầu lẫn trong nước hiệu quả cao, thao tác sử dụng đơn giản thay thế cho thiết bị phân ly dầu nước đắt tiền mới phù hợp đối với các tàu thuyền đánh cá nói riêng và hàng triệu phương tiện thủy nội địa nói chung”, Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam đề xuất.