Bộ TN&MT kiểm tra công tác quản lý chất thải rắn tại tỉnh Lạng Sơn

Tin tức - Ngày đăng : 21:04, 26/06/2019

(TN&MT) – Ngày 26/6, Đoàn Kiểm tra theo Quyết định số 1330/QĐ-BTNMT ngày 29/5/2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường do ông Nguyễn Kim Tuyển – Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc (Tổng cục Môi trường) làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Lạng Sơn về công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh.
A1
Quang cảnh buổi làm việc.

Báo cáo với Đoàn kiểm tra, Phó Giám đốc Sở TN&MT Lạng Sơn Ngô Viết Hải cho biết, mỗi ngày tại khu vực đô thị thuộc các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng 215,5 tấn rác thải, trong đó thu gom, xử lý hơn 207,5 tấn, chiếm 96,3%. Trên địa bàn các huyện, thành phố có 15 tổ chức thực hiện thu gom, xử lý rác thải. Chất thải rắn sinh hoạt hiện nay chủ yếu được thu gom tại các đô thị và một phần tại các xã lân cận (khu vực nông thôn).

A2
Tỉnh Lạng Sơn nêu những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị Trung ương quan tâm, xem xét giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến công tác quản lý chất thải rắn

Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh được thu gom vào các thùng đựng rác sau đó sử dụng xe vận chuyển rác đến trạm trung chuyển và đưa về các cơ sở xử lý rác thải (bãi chôn lấp, lò đốt). Rác thải khu vực nông thôn được thu gom một phần bởi các đơn vị thu gom, xử lý rác, phần lớn còn lại được các tổ đội, hộ gia đình thu gom, tự xử lý bằng đốt hoặc chôn lấp. Tỷ lệ thu gom, xử lý ước đạt 50%.
 

A3
Quang cảnh cuộc họp

Theo quy hoạch quản lý chất chải rắn tỉnh Lạng Sơn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, toàn tỉnh có 7 bãi chôn lấp chất thải rắn. Hiện nay 5 bãi đang hoạt động, 1 bãi đang tạm dừng hoạt động và 1 bãi không hoạt động. 5 bãi rác hiện nay đang hoạt động đều nằm trong quy hoạch. Việc quản lý, vận hành các bãi rác hiện nay đã bàn giao cho doanh nghiệp quản lý.

UBND tỉnh cũng đã phê duyệt đầu tư dự án cơ sở hạ tầng, lắp đặt trạm cân điện tử, nhà điều hành, đường điện vào các bãi xử lý rác ở các huyện: Lộc Bình, Đình Lập, Văn Quan, Bắc Sơn và các đơn vị đã hoàn thành việc đầu tư theo quy định. Tuy nhiên, các bãi rác tại huyện có công suất nhỏ, chỉ đảm bảo việc xử lý rác tại địa phương trong thời gian từ 7 đến 10 năm. Trên địa bàn tỉnh hiện chưa có nhà máy xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt nào đi vào hoạt động.

Đối với dự án Nhà máy tái chế, xử lý chất thải rắn thành phố Lạng Sơn mới đang trong giai đoạn triển khai các thủ tục bước đầu. Hiện tỉnh có 3 lò đốt rác được đầu tư xây dựng, trong đó 2 lò đốt đang hoạt động, 1 lò đốt chưa hoạt động. Theo quy hoạch chất thải rắn của tỉnh, không quy hoạch vị trí các điểm lắp đạt lò đốt rác thải (chỉ quy hoạch khu xử lý chất thải theo phương pháp chôn lấp và nhà máy xử lý, tái chế chất thải).

 

A4
Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc Nguyễn Kim Tuyển đề nghị Lạng Sơn tiếp tục quan tâm quản lý, xử lý chất thải rắn, góp phần bảo vệ môi trường


Cũng theo ông Hải, việc triển khai quy hoạch các vị trí chôn lấp và xử lý rác thải bước đầu cơ bản đáp ứng được giai đoạn hiện nay của tỉnh. Tuy nhiên, một số điểm quy hoạch không còn phù hợp như: bãi rác Đèo Quao quy hoạch là khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho huyện Chi Lăng và Hữu Lũng hiện nay không còn hoạt động (cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng). Quy hoạch quản lý chất thải rắn của tỉnh mới chỉ thực hiện quy hoạch thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chưa thực hiện quy hoạch khu vực, thu gom, xử lý chất thải rắn khác.
 

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu khẳng định, tỉnh hết sức quan tâm đến công tác vệ sinh môi trường nói chung và quản lý chất thải rắn nói riêng. Tuy nhiên, công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn còn nhiều khó khăn, vướng mắc như: việc lựa chọn công nghệ xử lý rác thải còn lúng túng; quản lý chất thải rắn ở đô thị còn có sự chồng chéo; chất thải rắn chưa được phân loại tại nguồn gây ảnh hưởng đến hiệu quả xử lý rác thải; nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn không còn phù hợp…

Ông Hồ Tiến Thiệu kiến nghị Trung ương quan tâm, xem xét việc ban hành quy định thống nhất về công tác quản lý chất thải rắn từ Trung ương đến địa phương, trong đó, cấp tỉnh Sở TN&MT là đầu mối giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về chất thải rắn ở địa phương. Đối với các lĩnh vực chuyên ngành cần giao cho các cơ quan chuyên ngành (nông nghiệp, y tế, xây dựng, khoa học công nghệ) nhằm phát huy lợi thế về nhân lực, trình độ chuyên môn, huy động sức mạnh tổng hợp trong bảo vệ môi trường. Có chính sách hỗ trợ kinh phí cho các tỉnh miền núi biên giới để thực hiện quản lý chất thải rắn. Xem xét, tổng hợp các điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh (khu vực trụ sở UBND xã Hoàng Văn Thụ, huyện Bình Gia; khu chính thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng và thôn Na Hoa, xã Sơn Hà, huyện Hữu Lũng) đã được xác định nhưng chưa được xử lý, cải tạo phục hồi môi trường, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung vào kế hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên phạm vi cả nước.


Phát biểu kết luận buổi làm việc, Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc Nguyễn Kim Tuyển ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của tỉnh Lạng Sơn trong công tác quản lý chất thải rắn, trong đó đã triển khai, thực hiện quy hoạch kịp thời, đúng quy trình; triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng, người dân và doanh nghiệp đối với vấn đề này. Trưởng đoàn kiểm tra lưu ý, trước quá trình đô thị hóa nhanh như hiện nay, công tác vệ sinh môi trường cũng như việc quản lý chất thải rắn là vấn đề cần được quan tâm đầu tư đúng mức. Vì vậy, tỉnh cần tăng cường vận động nguồn lực xã hội hóa tham gia xử lý chất thải rắn trên địa bàn, quan tâm đầu tư về nguồn lực, con người làm công tác bảo vệ môi trường. Đối với các kiến nghị, đề xuất của tỉnh, Đoàn kiểm tra tiếp thu và sẽ tổng hợp, báo cáo Bộ TN&MT.

Trong chương trình, Đoàn cũng đã kiểm tra thực địa tại bãi rác Tân Lang, huyện Văn Lãng.