Kon Tum: Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng giúp người dân ổn định cuộc sống
Tin tức - Ngày đăng : 08:06, 27/06/2019
Tỉnh Kon Tum hiện có hơn 360.000 ha rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) được Nhà nước giao cho 22 đơn vị, tổ chức; 74 UBND xã, thị trấn và gần 3.600 hộ gia đình, 34 cộng đồng dân cư thôn bảo vệ. Theo đó, số tiền chi trả DVMTR mà mỗi chủ rừng được hưởng phụ thuộc vào diện tích rừng và chất lượng rừng được giao khoán bảo vệ.
Theo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum, từ chính sách chi trả DVMTR, năm 2017, thu nhập trung bình của một hộ gia đình, cá nhân là 5.186.000 đồng, thu nhập trung bình của một cộng đồng dân cư thôn là 53.936.000 đồng. Năm 2018, thu nhập trung bình của một hộ gia đình, cá nhân là 8.789.373 đồng, thu nhập trung bình của một cộng đồng dân cư thôn là 88.389.000 đồng. Những con số này cho thấy, chính sách chi trả DVMTR đang giúp người dân trên địa bàn nâng cao thu nhập hằng năm, cũng đồng nghĩa với việc diện tích rừng giao khoán được bà con bảo vệ ngày càng tốt hơn.
Để có được kết quả này, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum đã thường xuyên tổ chức các Hội nghị tuyên truyền chính sách chi trả DVMTR; quản lý bảo vệ rừng và hướng dẫn quản lý, sử dụng tiền DVMTR hiệu quả thông qua các mô hình phát triển sinh kế. Việc lồng ghép giữa tuyên truyền chính sách và giới thiệu mô hình phát triển sinh kế được bà con quan tâm lắng nghe. Qua mỗi buổi truyền thông, bà con được giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm để tìm được cho mình một mô hình phát triển sinh kế phù hợp, sử dụng nguồn tiền DVMTR một cách hiệu quả.
Được Nhà nước giao quản lý, bảo vệ 29 ha, trong đó có 12 ha đất có rừng từ năm 2011 đến nay, các thành viên trong gia đình ông A Din (làng Trấp, xã Ya Tăng, huyện Sa Thầy, Kon Tum) ngoài thời gian làm lúa, trồng cao su đều thay nhau lên rừng để coi sóc, bảo vệ. Rừng như ngôi nhà thứ hai, thân thuộc và mang lại nhiều lợi ích cho cuộc sống gia đình ông.
“Gia đình tôi lúc trước cũng rất khó khăn. Nhờ nguồn tiền chi trả DVMTR và hướng dẫn của cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum, năm 2017, tôi đã trồng được vườn bời lời 1.000 cây, có tiền trang trải sinh hoạt, sử dụng lúc ốm đau hay mua phân bón cho cây trồng. Tôi luôn nói các con phải bảo vệ rừng thật tốt vì rừng mang lại nhiều lợi ích cho gia đình”, ông A Din chia sẻ.
Gia đình bà Y Lan (làng Lút, xã Ya Tăng, huyện Sa Thầy) nhận bảo vệ 7,05 ha rừng, mỗi năm nhận được trên 3,2 triệu đồng tiền chi trả DVMTR. Tuy số tiền không nhiều, nhưng nhờ nhanh nhạy và được cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum hướng dẫn, bà Y Lan đã mạnh dạn đầu tư trồng mì trên toàn bộ đất rẫy. Đến kỳ thu hoạch, trừ chi phí, gia đình bà Y Lan thu lợi trên 17 triệu đồng mỗi năm.
“Trồng mì vừa không tốn nhiều công chăm sóc, đầu tư lại phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai ở địa phương nên cho năng suất khá. Vừa rồi, giá mì tăng hơn so với mọi năm nên gia đình tôi cũng thu được một khoản tiền, dành tiết kiệm khi cần. Bà con trong làng bây giờ ai cũng sử dụng tiền chi trả DVMTR để đầu tư trồng mì trên đất rẫy nên đời sống không còn khó khăn như trước nữa. Từ đó, bà con rất tích cực tham gia bảo vệ rừng để được nhận tiền DVMTR”, bà Y Lan bộc bạch.
Khẳng định vai trò của chính sách chi trả DVMTR tại tỉnh Kon Tum, ông Hồ Thanh Hoàng - Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum cho biết: “Việc người dân sử dụng hiệu quả nguồn tiền chi trả DVMTR không những từng bước cải thiện đời sống của người dân, nâng cao ý thức trách nhiệm của chủ rừng, nâng số hộ gia đình, cộng đồng dân cư thôn được nhận khoán bảo vệ rừng, mà còn huy động được một nguồn lực lớn cho công tác tuần tra, bảo vệ rừng một cách thường xuyên. Từ đó, đẩy mạnh công tác xã hội hóa nghề rừng, góp phần tích cực giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh chính trị và trật tự xã hội được ổn định ở các địa bàn dân cư, nhất là ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh”.