Tăng cường hoạt động KTTV phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền Trung

Tin tức - Ngày đăng : 13:34, 21/06/2019

(TN&MT) - Ngày 21/6, tại TP Hà Tĩnh, Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến dự thảo văn bản quy phạm pháp luật khí tượng thủy văn năm 2019 và tăng cường hoạt động khí tượng thủy văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh khu vực miền Trung. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Dương Tất Thắng và Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái chủ trì Hội nghị. 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Trần Hồng Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) cho biết, thời gian qua, hoạt động KTTV đã cơ bản tạo ra khung pháp lý và tạo ra bước thay đổi quan trọng công tác quản lý nhà nước về KTTV; bảo đảm điều kiện cho các hoạt động KTTV phát triển, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia.

anh Thái
Ông Trần Hồng Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn phát biểu khai mạc hội nghị

Tuy nhiên, công tác triển khai thi hành Luật KTTV và các văn bản quy định chi tiết Luật vẫn còn một số hạn chế, cần tiếp tục được rà soát, nghiên cứu, đề xuất bổ sung, hoàn thiện. Một số quy định về loại công trình chưa đủ cụ thể, chi tiết, dẫn đến khó khăn trong quá trình áp dụng; yêu cầu tiếp tục minh bạch hóa hồ sơ, đơn giản thủ tục hành chính cấp giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn cần được điều chỉnh thêm về kỹ thuật cho phù hợp.

Theo ông Trần Hồng Thái, do sự vận động của tự nhiên, bầu khí quyển, các hoạt động sinh học, sinh thái của tự nhiên cũng như hoạt động của con người nên thời tiết luôn có xu thế biến đổi, diễn biến thất thường và khó dự đoán. Vừa qua, trên các phương tiện truyền thông chúng ta thấy lần đầu tiên có hiện tượng hoa sữa nở trái mùa. Điều đó cho thấy, dự báo trong năm 2019 tình hình thời tiết diễn biến hết sức phức tạp, xu thế nắng nóng, mưa lũ thất thường, các cơn bão có diễn biến bất thường, cực đoan.

“Giảm bớt hạn chế trong công tác dự báo, cảnh báo thời tiết nguy hiểm đồng nghĩa với việc nâng cao đảm bảo an toàn tính mạng tài sản nhân dân, phục vụ phát triển kinh tế ổn định, bền vững và bảo đảm an ninh đất nước” - ông Trần Hồng Thái nhấn mạnh.

anh Thắng
Ông Dương Tất Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh phát biểu tại hội nghị

Để thực hiện điều này, trong những năm qua bên cạnh việc tập trung rà soát, sửa đổi, đề xuất xây dựng các thể chế KTTV, Tổng Cục KTTV đã chủ động phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước tiến hành các nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai trong cộng đồng; đồng thời các cơ sở đào tạo ở Việt Nam cũng thông qua xây dựng các chương trình đào tạo liên ngành về khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Hướng tới thúc đẩy xây dựng hoàn thiện thể chế, tăng cường công tác nghiên cứu, đào tạo liên ngành liên quan đến khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu thực hiện mục tiêu bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân, phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước nói chung và khu vực miền Trung nói riêng, Hội nghị hôm nay tổ chức trực tiếp lấy ý kiến các đơn vị, tổ chức ở khu vực miền Trung trong việc Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về mực nước tương ứng với các cấp báo động lũ trên các sông thuộc phạm vi cả nước. Việc góp ý cho ý kiến này là một hoạt động thiết thực đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có khai thác sử dụng và chịu tác động trực tiếp của báo động lũ.

chủ trì
Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái (phải) và ông Dương Tất Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh điều hành thảo luận tại hội nghị

Báo cáo công tác KTTV trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh tại Hội nghị nêu rõ, là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu ở khu vực miền Trung, trong những năm qua, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật KTTV và các quy định pháp luật về KTTV bằng các hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn. Đặc biệt, chú trọng đối với đồng bào ở miền núi, ngư dân ven biển, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thuộc phạm vi quản lý; đầu tư các trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng; chỉ đạo các cấp, các ngành quan tâm trong công tác phòng chống thiên tai, đặc biệt là các đợn vị chuyên trách.

Ông Dương Tất Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, với xu thế thời tiết có diễn biến ngày càng thất thường và khó dự đoán, đặc biệt là các hiện tượng thời tiết cực đoan trong những năm gần đây có xu thế gia tăng và mức độ xẩy ra ngày càng dày đặc, thì yêu cầu đặt ra trong công tác dự báo, cảnh báo thời tiết nguy hiểm cần phải được chú trọng hàng đầu. Ngoài việc đầu tư các cơ sở vật chất chuyên dụng cho việc quản lý, dự báo thì vẫn còn nhiều khó khăn thách thức khó lường, đặc biệt công tác xây dựng hoàn thiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này cần được tiếp tục quan tâm điều chỉnh, bổ sung, hoàn chỉnh.

chụp ảnh lưu niệm
Các đại biểu dự hội nghị chụp ảnh lưu niệm

“Chính vì vậy Hội nghị hôm nay là diễn đàn tạo cơ hội để quý vị đại biểu, các nhà khoa học, các nhà quản lý cùng trao đổi kinh nghiệm, góp ý, tháo gỡ vướng mắc, bất cập nhằm  tìm ra giải pháp phù hợp để hoàn thiện hệ thống Quy phạm pháp luật về khí tượng thủy văn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý, góp phần phục vụ  phát triển kinh tế - xã hội đất nước”, ông Dương Tất Thắng khẳng định.

Tại Hội nghị, các nhà quản lý, nhà khoa học đã thảo luận xung quanh nội dung về hệ thống pháp luật và nhu cầu tăng cường công tác KTTV phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; trao đổi và cho ý kiến đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 38/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật KTTV, dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai, dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định mực nước tương ứng với các cấp báo động lũ trên phạm vi các sông thuộc phạm vi cả nước (khu vực miền Trung).

toàn cảnh
Toàn cảnh hội nghị

Kết luận tại Hội nghị, Tổng Cục trưởng Trần Hồng Thái nhấn mạnh, công tác quản lý nhà nước về KTTV ở địa phương còn nhiều hạn chế; trong đó công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật về KTTV chưa đi vào chiều sâu, lực lượng quản lý nhà nước ở địa phương còn mỏng. Hơn nữa, chưa có sự phối hợp chặt chẽ, chia sẻ thông tin rộng rãi giữa cơ quan quản lý ngành dọc về KTTV và cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương.

Do vậy, cần sớm đẩy nhanh việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về KTTV. “Tại mỗi địa phương, các Đài KTTV khu vực và Đài KTTV mỗi tỉnh phải phối hợp chặt chẽ với các địa phương. Đồng thời, các tỉnh cũng cần có sự hỗ trợ, kết nối đối với các Đài. Phải coi thông tin khí tượng thủy văn là thông tin nền tảng, hạ tầng để quy hoạch phục vụ phát triển kinh tế xã hội, hình thành thị trường dịch vụ KTTV để phục vụ các địa phương”, Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái đề nghị.

ông Tuệ
Ông Nguyễn Văn Tuệ,
   Nguyên Phó Tổng cục trưởng
   Tổng cục KTTV

Ông Nguyễn Văn Tuệ - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV: Phát triển mạng lưới KTTV chuyên dùng ở các địa phương

Ngày 12 tháng 01 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 90/QĐ-TTg phê duyệt mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; trong đó mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn sẽ được duy trì, nâng cấp hiện đại hóa các trạm hiện có và điều chỉnh, bổ sung các trạm còn thiếu, đưa tổng số trạm quan trắc đến năm 2030 là 454 trạm khí tượng bề mặt, 640 trạm thủy văn, 77 trạm khí tượng hải văn và hàng ngàn điểm đo mưa độc lập.

Căn cứ vào mạng lưới trạm KTTV quốc gia và khu cầu khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu KTTV theo mục đích riêng, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, tổ chức lập và thống nhất phê duyệt kế hoạch phát triển mạng lưới trạm KTTV chuyên dùng của Bộ, ngành và địa phương mình.

Ông Phạm Hữu Tình, Chi cục trưởng Chi cục Biển, Hải đảo và Tài nguyên nước, Sở TN&MT Hà Tĩnh:Tuyên truyền, phổ

ông Tình
Ông Phạm Hữu Tình,
   Chi cục trưởng Chi cục Biển,
   Hải đảo và TNN,
   Sở TN&MT Hà Tĩnh 

biến giáo dục pháp luật KTTV dần hướng tới chiều sâu

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác KTTV trên địa bàn Hà Tĩnh vẫn còn những vướng mắc, bất cập cần tháo gỡ. Trong đó, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về KTTV còn hạn chế về chiều sâu. Nhận thức pháp luật về KTTV của người dân chưa cao. Việc gắn kết KTTV với phát triển kinh tế xã hội còn tồn tại tâm lý xem nhẹ, phần lớn không được chú ý; đặc biệt là trong các dự án, đề án, chương trình nếu không có nội dung KTTV hoặc phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cứu hộ, sản xuất nông nghiệp thì các ảnh hưởng do KTTV chưa được quan tâm.

Do vậy, trong thời gian tới, Sở TN&MT Hà Tĩnh sẽ tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật KTTV dần tới chiều sâu tới các Sở, ban, ngành trên địa bàn. Sở mong muốn các tỉnh bạn ở khu vực miền Trung chung tay phối hợp, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong công tác KTTV phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và công tác phòng chống thảm họa thiên nhiên liên vùng để cùng nhau phát triển bền vững.

anh Thành Long
Ông Nguyễn Thành Long,
   Phó Chi cục trưởng Chi cục
   ​​​​​​Thủy Lợi tỉnh Quảng Bình

Ông Nguyễn Thành Long - Phó Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Bình: Đặc biệt chú trọng vấn đề an toàn hồ đập ở miền Trung

Hai vấn đề lớn ở khu vực miền Trung đó là công tác khí tượng thủy văn đối với phòng chống thiên tai và an toàn đập. Trước hết, trong các văn bản quy phạm pháp luật về khí tượng thủy văn cần quy định rõ vấn đề “cực đoan” và đưa ra “nguy cơ” để các đơn vị chuyên môn có thể hoạch định, tham mưu UBND tỉnh xây dựng giải pháp phòng chống, ứng phó.

Bên cạnh đó,trong các văn bản quy phạm pháp luật về khí tượng thủy văn cũng cần đưa ra vấn đề giám định khí tượng thủy văn. Miền Trung có đặc điểm địa hình bề ngang hẹp, mức độ truyền lũ rất nhanh nên Luật KTTV phải đặc biệt chú trọng đến an toàn hồ chứa. Liên quan đến an toàn đập cũng cần làm rõ hơn trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật vấn đề ngập lụt ở hạ du.