Tổng cục Môi trường kiểm tra công tác quản lý chất thải rắn tại Sơn La
Tin tức - Ngày đăng : 12:18, 23/06/2019
Báo cáo nhanh tình hình quản lý chất thải rắn, ông Đỗ Văn Trụ, Phó Giám đốc Sở TN&MT Sơn La cho biết: Hiện tổng khối lượng chất thải rắn được thu gom, vận chuyển khoảng 271,49 tấn/ngày. Tỷ lệ chất thải rắn tại đô thị được thu gom năm 2018 đạt trung bình khoảng 88%. Tỷ lệ chất thải rắn được xử lý đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường năm 2018 đạt khoảng 48%.
Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được đưa vào khu nhà máy xử lý rác thành phố đạt khoảng 70,85 tấn/ngày (tại thành phố); 200,64 tấn/ngày được thu gom chôn lấp (tại trung tâm các huyện, thành phố). Khoảng 60 tấn/ngày tại các vùng nông thôn, xa khu vực thu gom tập trung được tự chôn lấp hoặc tồn tại ngoài môi trường.
Về quy hoạch quản lý chất thải rắn, Sở Xây dựng Sơn La đã triển khai lập, thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 của 11 khu xử lý rác thải các huyện. Hiện 7 huyện đang triển khai đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn theo hình thức chôn lấp hợp vệ sinh.
Năm 2017, đã phê duyệt bổ sung địa điểm dự án xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn tại huyện Phù Yên vào quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Sơn la để thu hút đầu tư lĩnh vực xử lý chất thải rắn. Ban hành Công văn đề xuất với Bộ Xây dựng về nhu cầu tham gia chương trình xây dựng các dự án thử nghiệm thu gom và xử lý chất thải với nội dung đề xuất địa điểm thực hiện tại Khu xử lý chất thải rắn tại xã Mường Sang, huyện Mộc Châu.
Trong công tác quản lý chất thải rắn, UBND tỉnh giao Sở Xây dựng quản lý quy hoạch xây dựng các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt; kiểm tra, giám sát việc xây dựng các trạm trung chuyển, khu vực lưu giữ, cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Sở TN&MT quản lý chất thải rắn phục vụ công tác lập và triển khai quy hoạch theo quy định tại Điều 98 Luật Bảo vệ môi trường, kiểm tra các hoạt động quản lý liên quan đến hoạt động quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn. Quản lý chất thải rắn khu vực nông thôn.
Công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn tại khu vực đô thị do Công ty CP Môi trường và Dịch vụ đô thị Sơn La thực hiện.
Nhìn chung, do sự phân công trong công tác quản lý nhà nước chưa có sự thống nhất, dẫn đến việc quản lý còn nhiều khó khăn, bất cập, sự phối hợp giữa các sở ngành còn nhiều hạn chế trong việc quản lý các loại chất thải rắn, chưa rõ đơn vị nào chịu trách nhiệm hướng dẫn chi tiết về xử lý chất thải rắn thông thường phát sinh trong hoạt động nông nghiệp... Do đó, nếu thống nhất cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về chất thải rắn có nhiều thuận lợi về quản lý nhà nước tại địa phương liên quan đến thu gom, vận chuyển, xử lý, quy hoạch chất thải rắn…
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Hoàng Văn Vy, Phó Cục trưởng Cục bảo vệ môi trường Miền Bắc đề nghị các cơ quan liên quan làm rõ hơn một số nội dung về quy hoạch các bãi rác thải; tỷ lệ chôn lấp và tái chế đạt bao nhiêu; các bãi chôn lấp hợp vệ sinh hay là chôn lấp tạm… Cung cấp thêm thông tin về kinh phí hàng năm phân bổ cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn; việc triển khai thu giá và phí như thế nào… Tại các huyện, thành phố, đơn vị nào được giao triển khai nhiệm vụ; thông tin cụ thể về thực trạng các bãi xử lý rác và lượng thu gom, xử lý trên địa bàn, hợp vệ sinh hay bãi tạm, có phù hợp quy hoạch không; phương pháp xử lý như thế nào; kinh phí phân bổ cho thu gom, xử lý rác…
Là đơn vị trực tiếp thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, ông Nguyễn Văn Quang, Phó Giám đốc Công ty CP Môi trường và Dịch vụ đô thị Sơn La cho biết: Đơn vị đang triển khai vận hành các khu xử lý và bãi chôn lấp trên toàn tỉnh; thực hiện quét dọn, thu gom, vận chuyển và xử lý rác tại các trung tâm đô thị. Với các xã vùng ven thuộc đô thị hoặc xã lân cận các đô thị, thực hiện vận chuyển và xử lý rác.
Riêng tại TP Sơn La, việc thu gom rác được thực hiện 3 ca/ngày; từ năm 2017, tổ chức thu gom tại tất cả các ngõ xóm trên địa bàn trung tâm thành phố bằng các xe cơ giới nhỏ, không để thùng và các điểm tập kết rác; chỉ còn 3 điểm trung chuyển trên thành phố. Rác thải được xử lý hết trong ngày, không để tồn, bình quân khối lượng rác đưa về Khu xử lý rác thành phố Sơn La trung bình 70-80 tấn/ngày; cao điểm từ 160-200 tấn/ngày vào các dịp lễ, tết. Công nghệ xử lý được áp dụng là xử lý vi sinh tạo phân mùn Compost và chôn lấp hợp vệ sinh. Tại các huyện, sử dụng phương pháp chôn lấp thủ công.
“Chúng tôi mong muốn Bộ TN&MT xem xét có công nghệ mới để xử lý chất thải giúp cho Sơn La; có cơ chế chính sách về hỗ trợ giá, có khung đơn giá cho công tác xử lý chất thải rắn” – ông Nguyễn Văn Quang đề nghị.
Kết luận buổi làm việc, ông Hoàng Văn Vy - Phó Cục trưởng Cục bảo vệ môi trường Miền Bắc ghi nhận những thông tin mà các sở, ngành, các huyện, thành phố đã cung cấp; giải đáp một số vướng mắc mà địa phương đang gặp phải; đề nghị tỉnh Sơn La hướng tới đẩy mạnh xã hội hóa công tác thu gom, xử lý rác. Đồng thời, qua ý kiến của các đơn vị, đề nghị Sở TN&MT Sơn La tổng hợp lại để hoàn thiện báo cáo trong tháng 6/2019, phục vụ Hội nghị toàn quốc bàn về quản lý chất thải rắn trong tháng 7/2019.
Trước đó, Đoàn đã đi kiểm tra thực địa tại Khu xử lý chất thải rắn thành phố Sơn La. Dự kiến, từ ngày 24-26/6, sẽ đi kiểm tra, đánh giá công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn 03 huyện Mai Sơn, Yên Châu, Mộc Châu.