Bà Rịa - Vũng Tàu: Nâng cao hiệu quả kiểm soát ô nhiễm không khí
Tin tức - Ngày đăng : 13:29, 13/06/2019
Nhận diện các hoạt động gây ô nhiễm không khí
Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Hiện nay, do sức ép của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nên tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường, trong đó đã xuất hiện một số khu vực có dấu hiệu ô nhiễm môi trường không khí - ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Hoạt động phát thải vào không khí có nguy cơ cao cho môi trường đã được nhân diện đó là hoạt động sản xuất công nghiệp có quy mô lớn như sản xuất thép, xi măng, hóa chất; hoạt động sản xuất chế biến hải sản, bột cá, hoạt động của các nhà máy xử lý chất thải trong Khu xử lý chất thải 100ha Tóc Tiên, bụi từ quá trình khai thác, vận chuyển khoáng sản, xây dựng công trình, giao thông vận tải…
Cụ thể, hiện nay, hoạt động của Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên đã có 14 dự án được giao đất để đầu tư các nhà máy xử lý chất thải, trong đó có 11 nhà máy đã đi vào hoạt động, 03 dự án đang triển khai đầu tư. Việc đầu tư Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên (thị xã Phú Mỹ) đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc chủ động xử lý chất thải phát sinh trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, với tính chất là khu xử lý chất thải tập trung nên tiềm ẩn nhiều các nguy cơ rủi ro, phát sinh nhiều vấn đề về môi trường như mùi hôi, khí thải, …
Với hoạt động của các nhà máy luyện, cán thép tại KCN Phú Mỹ I, II (thị xã Phú Mỹ), hiện nay có 06 nhà máy luyện thép là Nhà máy thép miền Nam, Tung Ho, Vinakyoei, Posco SS Vina, Pomina 2, Pomina 3 và một số nhà máy cán thép như: Nhà máy Tôn Hoa Sen, thép tấm lá Thống Nhất, thép tấm lá Phú Mỹ, thép Posco VN đang hoạt động tại KCN Phú Mỹ I, II nằm gần khu dân cư.
Mặc dù, các nhà máy đã đầu tư hệ thống xử lý chất thải và một số nhà máy đã đầu tư hệ thống quan trắc tự động khí thải và truyền số liệu về Trung tâm quản lý của tỉnh. Tuy nhiên, hoạt động của các nhà máy thép vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường, nhất là hoạt động xả thải khí thải và đang gây ra nhiều vấn đề môi trường không khí xung quanh trong thời gian qua.
Còn ở khu vực Cửa Lấp, nơi giáp ranh giữa TP. Vũng Tàu và huyện Long Điền (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), là một nhánh của sông Dinh, chảy qua TP. Vũng Tàu, huyện Long Điền rồi đổ ra biển. Đây là khu vực có ý nghĩa quan trọng đối với sinh hoạt cũng như hoạt động sản xuất của tỉnh và là khu vực tiếp giáp với bãi biển của các khu du lịch TP .Vũng Tàu.
Tuy nhiên, thời gian qua khu vực này đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động chế biến hải sản. Theo thống kê, trong năm 2018 khu vực Cửa Lấp có 131 cơ sở chế biến hải sản, trong đó có 33 cơ sở cấp tỉnh quản lý, 98 cơ sở thuộc cấp huyện quản lý.
Thời gian qua, các ngành chức năng các cấp của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã nỗ lực tập trung thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ môi trường tại khu vực nên tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động chế biến hải sản khu vực này đã được cải thiện. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một số cơ sở quy mô nhỏ, hộ gia đình chưa có giải pháp bảo vệ môi trường triệt để dẫn đến phát thải gây mùi hôi, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Ngoài ra, đối với khu vực Tân Hải (thị xã Phú Mỹ) cũng đang có nguy cơ ô nhiễm môi trường rất cao, bởi hiện có 09 cơ sở chế biến hải sản đang hoạt động, trong đó có 03 cơ sở chế biến surimi, 06 cơ sở chế biến bột cá. Mặc dù, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có nhiều giải pháp tăng cường quản lý, giám sát hoạt động sản xuất của các cơ sở thuộc khu vực, song nguy cơ ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí vẫn còn rất cao.
Nhiều giải pháp tổng thể kiểm soát ô nhiễm không khí
Theo Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, để nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, thời gian qua, Sở TN&MT đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, khóa tập huấn đào tạo nghiệp vụ về bảo vệ môi trường, trong đó có Hội nghị triển khai Luật Bảo vệ môi trường 2014 và các văn bản thi hành luật cho các ngành, địa phương và các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh; tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị số 27-CT/TU ngày 23/3/2018 về công tác quản lý, bảo vệ môi trường đên tất cả cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý môi trường từ cấp tỉnh đến cấp xã và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường. Chỉ tính riêng đối với việc kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với khu công nghiệp thì từ năm 2015 đến nay, Sở TN&MT đã trình UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ra quyết định xử phạt vi phạm với tổng số tiền là trên 20 tỷ đồng, các hành vi vi phạm chủ yếu là xả nước thải, khí thải vượt quy chuẩn…
Cũng theo Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện nay việc kiểm soát ô nhiễm không khí trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, một số cơ sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như cán thép, nhưng pháp luật về bảo vệ môi trường lại không quy định phải đầu tư hệ thống quan trắc tự động nên việc kiểm soát hoạt động xả thải, nhất là khí thải gặp nhiều khó khăn, bị động.
Bên cạnh đó, ý thức của một số doanh nghiệp chưa cao trong công tác bảo vệ môi trường, việc xả khí thải vào ban đêm, vào các ngày nghỉ để né trách các cơ quan chức năng, đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu vực cư dân xung quanh, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.
Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường không khí, hướng tới phát triển bền vững, đảm bảo sức khỏe cho người dân, mới đây, tại buổi lễ phát động Mít tinh hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 2019, ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhấn mạnh: Các ngành chức năng và địa phương cần có sự nhận diện đầy đủ các nguồn gây ô nhiễm môi trường, có các giải pháp đồng bộ, quyết tâm và hành động bảo vệ môi trường.
Theo đó, ông Lê Tuấn Quốc đã yêu cầu các Sở, ngành, địa phương cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị và người dân có trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ môi trường nói chung và kiểm soát ô nhiễm không khí nói riêng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Cụ thể, đối với chính quyền các cấp, cần luôn xem bảo vệ môi trường là mục tiêu nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong hiện tại và lâu dài.
Cùng với đó, cần xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả chương trình ngày thứ Bảy “xanh - sạch - đẹp” định kỳ một lần/tháng thông qua hình thức huy động lực lượng tại các địa phương tham gia dọn dẹp vệ sinh, xử lý ô nhiễm tại các điểm đen môi trường, tổ chức khơi thông cống rãnh, nạo vét ao hồ, kênh mương, hệ thống thoát nước, trồng cây xanh, phát quang bụi rậm; dọn dẹp, vệ sinh các khu vực lưu chứa rác tạm phát sinh mùi hôi.
Đối với các doanh nghiệp, ngoài việc tuân thủ trách nhiệm được pháp luật quy định, cần luôn xem bảo vệ môi trường là hoạt động đầu tư đem lại lợi ích thiết thực cho chính mình. Vì vậy, cần thực hiện đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ; áp dụng sản xuất sạch hơn; sử dụng nhiên liệu sạch và nguyên liệu, hóa chất thay thế ít thành phần độc tố hơn; đồng thời, lắp đặt, vận hành thường xuyên các hệ thống xử lý chất thải, nhất là khí thải bảo đảm đạt quy chuẩn môi trường cho phép.
Còn đối với mỗi người dân, cần luôn ý thức không được đứng ngoài cuộc và xem bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó có chính mỗi chúng ta. Vì vậy, cần thay đổi thói quen hàng ngày gây phát sinh nguồn ô nhiễm không khí ra môi trường như giữ gìn vệ sinh khu vực sinh sống, thu gom, đổ bỏ rác thải sinh hoạt đúng nơi quy định, không thực hiện chăn nuôi gia súc, gia cầm trong khu dân cư…