Ô nhiễm nhựa tại Việt Nam: Kết nối nghiên cứu khoa học và xây dựng chính sách
Tin tức - Ngày đăng : 14:15, 10/06/2019
Ô nhiễm nhựa và rác thải nhựa là một trong những mối đe dọa và thách thức đối với môi trường, kinh tế và xã hội toàn cầu. Việt Nam là một trong 4 quốc gia đứng đầu trong danh sách những nước có lượng rác thải nhựa xả ra đại dương nhiều nhất. Trong khi đó, ngành công nghiệp nhựa tại Việt Nam lại là khu vực phát triển nhanh thứ hai trong nền kinh tế và nhập khẩu tới 80% nhựa phế liệu bởi nguồn cung trong nước không đáp ứng được yêu cầu về số lượng cũng như chất lượng của ngành công nghiệp. Mặt khác, rác thải nhựa ở nước ta bị xem là có giá trị thấp hoặc không có giá trị và bị thải ra môi trường.
Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên & Môi trường cho biết, ở Việt Nam, một năm có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra; trong đó khoảng 730.000 tấn rác thải nhựa thải ra biển. Chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy từ khóa rác thải nhựa, chống rác thải nhựa trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Theo ông Phan Tuấn Hùng, hiện nay, nhận thức người dân, xã hội về rác thải nhựa đã được nâng lên đáng kể; nhiều phong trào, sáng kiến được triển khai rộng rãi như: một số siêu thị nói không với túi ni lông, quán ăn, quán cafe nói không với đồ nhựa một lần... Tuy nhiên, dưới góc độ chính sách quản lý rác thải nhựa còn nhiều vấn đề phải làm. Rác thải nhựa hiện nay vẫn trong khung quản lý chung với các loại rác thải khác, chưa có quy định riêng về quản lý rác thải nhựa. Ngoại trừ luật thuế BVMT có quy định túi ni lông thuộc diện chịu thuế BVMT.
“Nhìn một cách khách quan, chính sách quản lý rác thải nhựa chưa tương xứng với tác động mà rác thải nhựa gây ra đối với sức khỏe con người. Do vậy, cần đẩy mạnh ban hành chính sách quy định cụ thể về quản lý rác thải nhựa. Trong đó, tiếp cận tổng hợp theo vòng đời của nhựa từ khâu sản xuất đến thải bỏ, tái chế. Hi vọng rằng, chúng ta sẽ đưa ra chính sách quản lý rác thải nhựa trong thời gian tới”, ông Phan Tuấn Hùng nhấn mạnh.
Về vấy đề này, ông Jake Brunner, Quyền Trưởng đại diện IUCN tại Việt Nam cho rằng, do tính chất phức tạp của hệ thống quản lý chất thải rắn hiện có ở Việt Nam, sự đa dạng trong phân loại chất thải rắn và phân cấp trong quản lý dẫn đến việc quản lý không hiệu quả. Có rất nhiều luật, quy định và chiến lược được xây dựng bởi các bên dẫn đến sự chồng chéo, tạo ra lỗ hổng cũng như rào cản pháp lý đối với việc xây dựng và thực hiện hiệu quả các giải pháp đối với ô nhiễm chất thải rắn và rác thải nhựa trên biển.
Bởi vậy, để giải quyết hiệu quả vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa cần có một giải pháp tích hợp đồng bộ, song song với những giải pháp về chính sách, công nghệ, tài chính và nâng cao nhận thức, cần phải tiến hành thêm các nghiên cứu về mặt chính sách, những tác động của ô nhiễm rác thải nhựa đối với kinh tế, môi trường xã hội.
“Điều quan trọng là phải có những thông điệp rõ ràng, dựa trên những bằng chứng khoa học để truyền tải các kết quả nghiên cứu này đối với cơ quan nhà nước, doanh nghiệp cũng như cộng đồng người dân hỗ trợ xây dựng và thực thi luật, chính sách”, ông Jake Brunner nói.
Với cách tiếp cận này, hội thảo “Ô nhiễm nhựa tại Việt Nam: Nghiên cứu khoa học hỗ trợ xây dựng chính sách” nhăm chia sẻ và câp nhật những kiến thức khoa học về ô nhiễm nhựa tại Việt nam, xác định những thách thức pháp lý liên quan vấn đề này; từ đó tìm kiếm giải pháp hiệu quả và đề xuất về mặt chính sách.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã trình bày và thảo luận nghiên cứu của IUCN: “Ô nhiễm rác thải nhựa trên biển tại Việt Nam: Phân tích chính sách và pháp lý”, tập trung vào việc rà soát khung pháp lý và chính sách hiện có liên quan đến quản lý chất thải rắn cũng như rác thải nhựa tại Việt Nam nhằm tìm ra những lỗ hổng, đưa ra ý kiến đề xuất. Bên cạnh đó là trình bày liên quan đến thu thập dữ liệu theo cách tiếp cận khoa học công dân về ô nhiễm rác thải nhựa tại các vùng biển.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án MARPLASTICCs, sáng kiến toàn cầu do Cơ quan Hợp tác Phát triển Thụy điển (Sida) tài trợ, được thực hiện trong 3 năm tại Châu Á và Châu Phi, tập trung vào 5 quốc gia: Mo-zam-bi-que, Ke-Nya, Nam Phi, Thái Lan và Việt Nam. Hội thảo cũng nhận được sự đóng góp hỗ trợ kỹ thuật của dự án Mạng lưới nghiên cứu về nhựa COMPOSE của Viện Nghiên cứu Phát triển Pháp (IRD) do Bộ Ngoại giao Pháp tài trợ.