Đà Nẵng: Nhiều thách thức trong tiến trình xây dựng Thành phố môi trường

Tin tức - Ngày đăng : 16:42, 05/06/2019

(TN&MT) - Ngày 5/6, UBND TP. Đà Nẵng tổ chức hội nghị Tổng kết 10 năm (2008 - 2018) thực hiện Đề án “Thành phố môi trường” nhằm rà soát, đánh giá những thành tựu và hạn chế trong quá trình thực hiện.
Hội nghị Tổng kết 10 năm triển khai Đề án xây dựng Đà Nẵng thành phố môi trường
Hội nghị Tổng kết 10 năm triển khai Đề án xây dựng Đà Nẵng thành phố môi trường

Năm 2008, UBND TP. Đà Nẵng ban hành Quyết định triển khai Đề án “Đà Nẵng - Thành phố môi trường” với mục tiêu đến năm 2020 các yêu cầu về chất lượng môi trường đất, môi trường nước và môi trường không khí trên toàn thành phố được bảo đảm, tạo sự an toàn về sức khỏe và môi trường cho người dân, du khách.

Sau 10 năm triển khai, Đà Nẵng đã đạt được 7/10 tiêu chí của Đề án như chỉ số ô nhiễm không khí; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch tại nội thành đạt 97,8%, Hòa Vang đạt 76,8%; tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị được xử lý đạt 61%; tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại các quận nội thành đạt 95%, Hòa Vang 70%; độ ồn tại các khu vực; diện tích không gian xanh đô thị bình quân trên người đạt trên 6-8m2/người… Nhiều mô hình, cách làm hay để bảo vệ môi trường đã được triển khai hữu hiệu tại cộng đồng như: phong trào Ngày chủ nhật xanh, khu dân cư không rác, câu lạc bộ thu gom rác bãi biển

Những nỗ lực của thành phố Đà Nẵng thời gian qua đã được ghi nhận qua nhiều giải thưởng trong 3 năm liên tiếp 2011, 2012, 2013 về Thành phố bền vững về môi trường ASEAN, Thành phố phát thải các-bon thấp; một trong 20 thành phố xanh - sạch - đẹp.

Ngày Chủ nhật Xanh – sạch – đẹp ở TP. Đà Nẵng
Ngày Chủ nhật Xanh - sạch - đẹp ở TP. Đà Nẵng

Tuy nhiên, thực tiễn phát triển “nóng” đang khiến cho thành phố phải đối diện với nhiều bất cập như sự gia tăng dân số cùng với hệ lụy từ phát triển du lịch - dịch vụ, sự suy giảm tài nguyên và thách thức về biến đổi khí hậu. Các tiêu chí chưa đạt như tỷ lệ chất lượng nước tại các khu vực sông, ven biển, nước ngầm; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt phân loại và tái chế, hạn chế sử dụng túi nilon khó phân hủy và rác thải nhựa; tỷ lệ các nhà máy kiểm soát ô nhiễm không khí… tiếp tục là vấn đề nan giải của thành phố.

Đà Nẵng xác định xây dựng TP môi trường là một quá trình lâu dài, bền vững trên cơ sở tiếp tục phát huy kết quả giai đoạn 10 năm qua, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệp để triển khai thành công các mục tiêu, tiêu chí lâu dài. Đến năm 2025, Đà Nẵng định hướng sẽ kiểm soát tốt chất lượng môi trường nước, không khí, đất. Đến năm 2030, thiết lập được hệ thống quản lý môi trường của TP theo nền tảng TP sinh thái. Và đến năm 2045, Đà Nẵng sẽ là TP sinh thái, có bản sắc riêng, đáp ứng các tiêu chí về TP sinh thái của khu vực và quốc tế. TP phấn đấu mỗi năm dành 2% tổng thu ngân sách đầu tư các dự án bảo vệ môi trường, ưu tiên xử lý các điểm nóng ô nhiễm, nguồn nước thải ra bờ biển, triển khai đề án thu gom rác tại nguồn...

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ nhìn nhận sự ra đời đề án “Đà Nẵng - Thành phố môi trường” cách đây 10 năm là một sự mạnh dạn, sáng tạo và thể hiện sự quyết tâm về bảo vệ môi trường của thành phố. Đây là 1 trong 3 trụ cột phát triển bền vững, góp phần để Đà Nẵng phấn đấu, hoàn thiện trong quá trình phát triển đô thị.Điều đặc biệt là đề án đã thay đổi nhận thức, hành vi ứng xử với môi trường, từ đó, huy động sự tham gia của nhiều tầng lớp nhân dân, cộng đồng, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế trong công tác bảo vệ môi trường. Đây là những giá trị cơ bản để Đà Nẵng tiếp tục thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố môi trường, hướng đến thành phố sinh thái vào năm 2045. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận, những kết quả này vẫn chưa đạt được mục tiêu, kỳ vọng mà nhân dân mong đợi.

Người dân Đà Nẵng tham gia phân loại rác thải tại nguồn
Người dân Đà Nẵng tham gia phân loại rác thải tại nguồn

Ông Huỳnh Đức Thơ cũng ủng hộ việc Đà Nẵng tiếp tục đặt ra các mục tiêu mới trong tương lai và cam kết sẽ thông qua trong một chương trình cụ thể. Để thực hiện được mục tiêu này, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu công tác quy hoạch phải có tầm nhìn dài hạn, có tính dự báo, trong đó, tích hợp khoa học, công nghệ và môi trường. Đồng thời, các ngành sử dụng các nguồn vốn hiệu quả, thúc đẩy các dự án môi trường sớm triển khai như dự án thu gom nước thải ven biển phía Đông TP; Nhà máy xử lý chất thải rắn… Xây dựng được hệ thống chính sách pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật môi trường đặc trưng đối với một thành phố môi trường, tiếp tục đột phá về cải cách thủ tục hành chính về môi trường. Quan trọng nhất là phải tiếp tục có những hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm và huy động được sự tham gia của cộng đồng vào công cuộc bảo vệ môi trường. Thực tế đã cho thấy, sự nghiệp bảo vệ môi trường không thể thành công nếu không có sự vào cuộc của cả cộng động.

“Chắc chắn, công cuộc thực thi Thành phố môi trường càng lúc sẽ càng khó khăn bởi những thách thức sẽ gia tăng theo sự gia tăng từ các hoạt động không kiểm soát của con người và biến đổi khí hậu. Do đó, chúng ta phải đặt ra những quyết tâm to lớn hơn nữa không những ở cấp cao thành phố mà phải xuống tận cấp phường, cấp tổ, làm thế nào nhận thức của chúng ta tốt, hành động quyết liệt, biện pháp có hiệu quả”- ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng nhấn mạnh.