Tây Sơn (Bình Định): Tập trung xử lý các điểm nóng về môi trường

Tin tức - Ngày đăng : 15:49, 03/06/2019

(TN&MT) - Từ năm 2018 trở về trước, huyện Tây Sơn có nhiều điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Hiện nay, với vào cuộc tích của chính quyền các địa phương và sự đồng lòng của người dân trong việc bảo vệ môi trường, tình trạng trên đã được cải thiện.
41 trang trại
Các gia trại chăn nuôi heo ở khu vực Hòn Sình (thuộc thôn An Hội, xã Bình Tân) gây ô nhiễm môi trường đã bị dừng hoạt động


Kết quả bước đầu

Hiện nay, dọc các quốc lộ qua địa bàn huyện Tây Sơn như 19, 19B, các tuyến đường bê tông liên xã, liên thôn, xóm như được “thay áo mới”, trở nên sạch sẽ hơn. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp khi sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện đã bị chính quyền địa phương “tuýt còi”, buộc dừng hoạt động.

Ông Nguyễn Quốc Dũng, Phó trưởng phòng TN&MT huyện Tây Sơn, cho biết: Nói về điểm nóng ô nhiễm môi trường thì phải kể đến hai địa điểm là các khu chăn nuôi heo tập trung ở thôn Phú An (xã Tây Xuân) và thôn Mỹ Thạch (xã Bình Tân). Hoặc một số gia trại ở khu vực Hòn Sình (thuộc thôn An Hội, xã Bình Tân) chăn nuôi hàng trăm con heo thịt/hộ. Các hộ ở đây đều không xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải đúng tiêu chuẩn. “Theo chỉ đạo của UBND huyện, Phòng TN&MT đã phối hợp với Phòng NN&PTNT, Phòng Kinh tế - Hạ tầng cùng với UBND hai xã Bình Tân và Tây Xuân kiểm tra, rà soát khu vực chăn nuôi heo tại hai địa phương. Qua đó, đã xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, buộc ngừng hoạt động chăn nuôi cho đến nay”, ông Dũng cho biết.

Bên cạnh đó, các cấp chính quyền địa phương trên địa bàn huyện Tây Sơn cũng đã tích cực vào cuộc xử lý “hậu quả” của nghề sản xuất, chế biến tinh bột mì. Trong đó, UBND huyện đã giao cho Phòng TN&MT huyện chủ trì phối hợp với các xã, thị trấn thống kê toàn bộ số hộ có tham gia sản xuất tinh bột mì và lấy mẫu phân tích để xây dựng phương án di dời, xử lý đảm bảo môi trường và cưỡng chế, chấm dứt hoạt động sản xuất của các cơ sở gây ô nhiễm. Ông Nguyễn Thanh Điền, Chủ tịch UBND xã Bình Tân, cho biết: “Phòng TN&MT huyện vừa hoàn thành việc lấy mẫu tại 21 hộ sản xuất tinh bột mì tại địa phương. Ban Quản lý các Cụm công nghiệp huyện cũng đã làm việc với các đơn vị tư vấn hoàn thiện quy hoạch 1/500 cụm công nghiệp Bình Tân để trình cấp thẩm quyền phê duyệt, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, tạo việc làm cho người lao động trong các cơ sở sản xuất tinh bột mì chuyển đổi nghề. Trong thời gian chờ cấp trên giải quyết triệt để, xã đã cử cán bộ quản lý, kiểm tra chặt chẽ khu vực người dân sản xuất kịp để thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm”.

Tiếp tục vận động, tuyên truyền

Dù huyện Tây Sơn đạt được những kết quả tích cực, đáng ghi nhận trong công tác bảo vệ môi trường thời gian qua, nhưng ở một số nơi thuộc địa phương này, tình trạng vứt rác bừa bãi vẫn còn diễn ra. Bên cạnh đó, hoạt động thu gom rác thải vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn.

Theo thống kê của UBND huyện, đến cuối tháng 4/2019, trên địa bàn huyện đã có 10 xã, thị trấn đã triển khai dịch vụ thu gom rác thải sinh hoạt. Các địa phương còn lại đã thành lập dịch vụ thu gom chất thải rắn, với công suất 2 tấn/ngày, thu gom 1 tuần từ 2 đến 3 lần, vận chuyển về bãi chôn lấp chất thải rắn của xã để xử lý. Đồng thời, mỗi ngày, trên địa bàn huyện phát sinh lượng rác thải sinh hoạt với khối lượng hơn 50 tấn; tập trung chủ yếu tại thị trấn Phú Phong, xã Tây Giang, xã Bình Nghi. Tuy nhiên, tổng khối lượng rác thu gom tại các địa phương mới khoảng 38 tấn/ngày.

Theo ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Tây Bình, trên địa bàn xã hiện có 1.600 hộ gia đình thuộc diện phải đóng phí đổ chất thải rắn sinh hoạt. Đến nay, xã mới vận động được 1.300 hộ đồng ý đóng phí và chưa triển khai thu gom được. Riêng về việc xây dựng bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật, theo quy định, xã phải xây dựng 90 bể, nhưng vì kinh phí eo hẹp nên đến nay xã chưa xây dựng được bể nào.

Ông Đỗ Thanh Xuân, Trưởng Ban quản lý cấp và thoát nước huyện Tây Sơn - đơn vị được UBND huyện Tây Sơn giao quản lý thu gom, vận chuyển, xử lý rác trên địa bàn huyện - cho biết: “Ngoài hạn chế về phương tiện và kinh phí, một khó khăn nữa trong việc thu gom rác thải là công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia dịch vụ còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, tại các xã chưa có dịch vụ thu gom rác thải, nạn vứt rác thải ra các khu vực công cộng khá phổ biến; các bãi rác tự phát ven đường với đủ loại rác thải còn xuất hiện tại nhiều địa phương. Mong UBND tỉnh và ngành chức năng liên quan xem xét, sớm đầu tư 2 lò đốt rác thải quy mô cấp xã tại hai xã Bình Tân và xã Tây Giang”. Nói về giải pháp thời gian tới, ông Đỗ Văn Sỹ, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, cho biết: “Ngoài tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, tự giác của người dân tham gia dịch vụ thu gom rác thải, UBND huyện sẽ chỉ đạo các ban ngành đoàn thể của huyện và UBND các xã, thị trấn tổ chức các đợt ra quân dọn vệ sinh môi trường tại các điểm, khu vực dễ phát sinh rác thải, có biện pháp ngăn chặn tái diễn việc xả rác. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên tại các “điểm nóng” về môi trường trên địa bàn để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm”.