Sơn La: Tăng cường quản lý môi trường với các cơ sở chế biến nông sản

Tin tức - Ngày đăng : 22:35, 29/05/2019

(TN&MT) - UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành Công văn số 1539/UBND-KT về việc tăng cường công tác quản lý môi trường với các tổ chức, cá nhân sản xuất sơ chế, chế biến nông sản năm 2019.
1
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Sơn La có tình trạng các cơ sở sơ chế, chế biến nông sản gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước

Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La phát triển khá, góp phần phát triển sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao mức sống của nhân dân trong tỉnh. Tuy nhiên, hoạt động sơ chế, chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh, nhất là chế biến cà phê, tinh bột, đường, đã có tác động gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước.

Các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường đã tiếp nhận nhiều phản ánh của nhân dân, báo chí về tình trạng xả trộm nước thải chưa qua xử lý ra môi trường của một số cơ sở chế biến nông sản. Hầu hết các cơ sở sơ chế, chế biến nông sản quy mô hộ gia đình không xây dựng công trình lưu chứa, xử lý nước thải và xử lý phụ phẩm, trực tiếp xả thải ra môi trường làm ô nhiễm nước, không khí, đất.

Để chủ động phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn các hành vi gây ô nhiễm và xử lý nghiêm các đối tượng gây ô nhiễm môi trường, UBND tỉnh Sơn La yêu cầu các tổ chức, cá nhân thực hiện sơ chế, chế biến nông sản chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, nước, đầu tư xây dựng công trình bảo vệ môi trường và các quy định pháp luật khác có liên quan. Nước thải, chất thải rắn từ sơ chế, chế biến nông sản phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

UBND tỉnh giao Sở TN&MT chủ trì, xây dựng hướng dẫn về xử lý nước thải, chất thải rắn từ sản xuất sơ chế, chế biến nông sản quy mô hộ. Thống nhất với UBND cấp huyện để hướng dẫn, thẩm định, xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường với các cơ sở sản xuất sơ chế, chế biến nông sản. Giám sát việc thực hiện Báo cáo đánh giá tác động môi trường tại các cơ sở.

Tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tham gia thu mua tiêu thụ, sản xuất, sơ chế, chế biến nông sản thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường. Chủ động xử lý các vi phạm về bảo vệ môi trường, nước theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm, đảm bảo đúng quy định.

2
Sơn La triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường quản lý môi trường với các tổ chức, cá nhân sản xuất sơ chế, chế biến nông sản 

Các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh tuyên truyền các quy định pháp luật về sản xuất, kinh doanh, bảo vệ môi trường. Tuyên truyền nhân rộng các nhân tố tích cực, chấp hành tốt các quy định của pháp luật. Công bố công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định. Định hướng giúp người dân và doanh nghiệp nâng cao nhận thức, ý thức và chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong sản xuất, sơ chế, chế biến nông sản.

UBND các huyện, thành phố ban hành kế hoạch của huyện, thành phố về tăng cường quản lý môi trường với các cơ sở sơ chế, chế biến nông sản. Thành lập tổ công tác của UBND huyện thực hiện nhiệm vụ giám sát, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, đối tượng vi phạm quy định về bảo vệ môi trường, nguồn nước trong sơ chế, chế biến nông sản trên địa bàn.

Thực hiện đúng các quy định trong thẩm định dự án đầu tư, cấp đăng ký kinh doanh, xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường. Tuyệt đối không cấp phép cho các cơ sở không có hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn hoặc có nhưng không đảm bảo yêu cầu về môi trường. Thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường với các cơ sở sơ chế, chế biến nông sản trên địa bàn.

Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước Ban thường vụ huyện ủy, thành ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra ô nhiễm trên địa bàn quản lý. Chỉ đạo UBND cấp xã trực thuộc tăng cường quản lý, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, ngăn chặn, xử lý theo thẩm quyền với các cơ sở hoạt động trái phép, vi phạm pháp luật.

Công ty CP cấp nước Sơn La tổ chức quan trắc chất lượng nước đầu vào tại các nhà máy, trạm xử lý do công ty quản lý. Thường xuyên rà soát, kiểm tra tại các khu vực khai thác nước, phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn tình trạng ô nhiễm nguồn nước.