Đề phòng thời tiết cực đoan sau nắng nóng

Tin tức - Ngày đăng : 15:47, 16/05/2019

(TN&MT) - Theo Trung tâm Dự Báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày 16 - 19/5, khu vực các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ sẽ xuất hiện nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-39 độ. Các chuyên gia nhận định, so với đợt nắng nóng hồi tháng 4, đợt nắng nóng lần này không gay gắt bằng nhưng cần hết sức đề phòng mưa dông mạnh và thời tiết cưc đoan có thể diễn ra ngay sau đó.

Nắng nóng có thể lên tới 40 độ

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, từ ngày 16/5, vùng thấp nóng phía Tây hoạt động với cường độ mạnh khiến các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ xuất hiện nắng nóng gay gắt. Mức nhiệt cao nhất phổ biến 36 - 39 độ, riêng khu vực vùng núi các tỉnh Trung Bộ có nơi 39 - 40 độ. Người dân cần chú ý thời gian có nhiệt độ trên 35 độ khá dài, từ 12 -16 giờ mỗi ngày.

Sau đó, khoảng ngày 19 - 20/5, Bắc Bộ có khả năng chịu tác động của một đợt gió mùa Đông Bắc nên từ chiều và tối cùng ngày, khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa dự báo có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông mạnh, chấm dứt nắng nóng. Do đang trong giai đoạn chuyển mùa, có sự tranh chấp giữa khối khí nóng và khối khí lạnh nên có khả năng cao xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan như lốc xoáy, mưa đá và gió giật mạnh.

anh
Miền Bắc tiếp tục có nắng nóng những ngày tới

Để chủ động ứng phó có hiệu quả, các tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng ngừa và kỹ năng ứng phó với nắng nóng, giông lốc để giảm thiểu thiệt hại. Các khu đô thị lớn cần rà soát phương án ứng phó với ngập lụt, lũ tại các sông suối khi xảy ra mưa lớn, tránh xảy ra thiệt hại về người như tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai hôm mùng 8/5 vừa qua.

Khoảng nửa cuối tháng 5, khu vực Trung Bộ và các tỉnh phía Tây Bắc Bộ có khả năng xảy ra một đợt nắng nóng nữa, nhưng cường độ không mạnh và không gay gắt. Còn tại Tây Nguyên và Nam Bộ, gió mùa Tây Nam có xu hướng hoạt động mạnh hơn và gia tăng mưa. Theo Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, đây cũng là khoảng thời gian kết thúc tình trạng khô hạn hiện nay ở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Nam Bộ.

PGS.TS Nguyễn Văn Thắng, Viện trưởng Viện KH KTTV&BĐKH cho biết, năm 2019, số đợt nắng nóng sẽ ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN). Nhiều khả năng xuất hiện một số đợt nắng nóng gay gắt và kéo dài ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, đặc biệt là khu vực Tây Bắc và Bắc Trung Bộ. Cao điểm nắng nóng chủ yếu vào thời kỳ từ cuối tháng 5 đến tháng 7. Tại Trung Bộ, khô hạn tiếp tục kéo dài đến hết tháng 8, cao điểm từ tháng 6 đến nửa đầu tháng 8.

Mùa lũ, bão 2019 đến muộn

Nhận định về tình hình thiên tai trong năm 2019, PGS.TS Nguyễn Văn Thắng cho biết, hiện tượng El Nino yếu đã xuất hiện từ cuối năm 2018, kéo dài đến nay và được dự báo tồn tại hết năm 2019. Trong mùa khô, sự thiếu hụt lượng mưa so với TBNN sẽ dẫn đến tổng lượng dòng chảy đến hồ thiếu hụt, nhiều hồ không đạt được dung tích trữ yêu cầu, làm gia tăng khó khăn cấp nước và nguy cơ thiếu hụt dòng chảy trong sông.

anh 2
Người dân cần cảnh giác với các hiện tượng thời tiết cực đoan có thể xảy ra

Tình hình thiếu nước, khô hạn cục bộ có khả năng xảy ra tại một số tỉnh khu vực Đông Bắc và Đồng bằng Bắc Bộ trong các tháng đầu mùa khô năm 2019. Tình hình xâm nhập mặn vùng cửa sông đồng bằng sông Hồng-Thái Bình dự báo sẽ cao hơn mùa khô năm 2018 và thấp hơn TBNN.

Trên các sông ở Bắc Bộ, mùa lũ 2019 có khả năng bắt đầu muộn hơn và đỉnh lũ cao nhất năm xuất hiện khoảng đầu tháng 8, phổ biến ở mức xấp xỉ đỉnh lũ TBNN. Lũ các sông chính thượng lưu hệ thống sông Hồng, sông Hoàng Long và thượng lưu sông Thái Bình có khả năng ở mức BĐ2 hoặc trên BĐ2 dưới BĐ3; hạ lưu sông Hồng tại Hà Nội ở mức dưới BĐ1; hạ lưu sông Thái Bình ở mức BĐ1. Theo đó, một số sông suối nhỏ, ở miền núi phía Bắc cần đề phòng đỉnh lũ có nơi vượt mức BĐ3. Nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống và sạt lở đất cao và là thiên tai nguy hiểm gây thiệt hại tại các tỉnh vùng núi, đặc biệt tại các khu vực miền núi phía Tây Bắc và Bắc Trung Bộ.

Cũng theo ông Thắng, mùa bão năm 2019 nhiều khả năng đến muộn hơn so với TBNN, hoạt động dồn dập nhiều hơn vào các tháng cuối mùa gây mưa lớn ở khu vực Trung Trung Bộ - Đông Nam Bộ. Do vậy, khu vực này cũng cần đề phòng ảnh hưởng của nước dâng do bão và sóng trong bão gây ngập úng và sạt lở vùng ven biển trong thời gian này.